Lừa đảo tài chính được ghi nhận là một trong những phương thức lừa đảo phổ biến tại Đông Nam Á, chiếm tỷ lệ hơn 40% ở hầu hết quốc gia trong khu vực. Cụ thể, Philippines là quốc gia có tỉ lệ tấn công tài chính cao nhất với 64,03%, tiếp theo là Thái Lan với 56,35%...
Tại Việt Nam, tỷ lệ lừa đảo tài chính rơi vào khoảng 26,36% - thấp hơn so với các nước trong khu vực. Theo các chuyên gia, tỷ lệ này nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao nhận thức về an ninh mạng trong bối cảnh các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử ngày càng gia tăng…
Song đâu đó vẫn có những người chủ quan – vì một phút lơ đãng đã rơi vào “cạm bẫy” của nhóm lừa đảo để rồi trở thành nạn nhân, mất một số tiền không hề nhỏ. Và khi họ nhận ra bản thân bị lừa thì mọi chuyện xong xuôi, không thể lấy lại được tiền như câu chuyện của 2 người phụ nữ cùng sinh sống tại Hà Nội dưới đây:
Bị nhóm lừa đảo "thao túng tâm lý", lừa mất 20 triệu đồng
Chị L.C – nạn nhân của lừa đảo gọi hỗ trợ ngân hàng cho thẻ tín dụng VP LADY – Mua hàng TIKI cho biết: “Hôm qua (16/5), mình nhận được một cuộc gọi báo là hỗ trợ khách hàng ưu tiên của Ngân hàng VPBank và đã mất cảnh giác để bị lừa mất 20 triệu đồng. Mình biết khả năng lấy lại tiền rất thấp nhưng muốn chia sẻ để không ai bị lừa như mình”.
Sau đó người phụ nữ chia sẻ chi tiết quá trình bản thân rơi vào cạm bẫy lừa đảo một cách tinh vi. Theo đó nhóm lừa đảo gọi cho chị L.C tự nhận là cuộc gọi từ trung tâm hỗ trợ khách hàng ưu tiên của VPBank, thông báo bên chăm sóc khách hàng gửi thông tin cho chị về việc nhận được ưu đãi về miễn phí phí thường niên trọn đời, thẻ chăm sóc sức khỏe…
“Hên cho tụi nó, mình cũng đang có ý định kiểm tra với ngân hàng việc có thể dời ngày thanh toán tiền được không và thế là việc gì tới cũng tới. Không hiểu bằng cách nào, tụi nó biết hạn mức tín dụng của mình chính xác và cả email giao dịch với ngân hàng nên khiến mình tin tưởng.
Tụi nó báo dời được ngày và khá là chuyên nghiệp kiểu “em ghi nhận thông tin của chị và sẽ chuyển bộ phận để hỗ trợ”. Mình ngu ở chỗ chúng bảo đọc 16 số thẻ còn hỏi lại “bình thường ngân hàng chỉ đọc có 4 số cuối, sao các bạn đòi 16 số”. Lúc này chúng lừa mình “chị không đọc 3 số ở mặt sau thẻ thì không ai rút được tiền đâu”. Thế là mình cun cút đọc 16 số cho chúng”, chị L.C nhớ lại.
Khi nhóm lừa đảo báo dừng cuộc gọi, chị L.C vẫn không tin tưởng, không tắt máy xem đầu dây bên kia nói chuyện gì với nhau, xem có phải lừa đảo hay không...
“Cuộc gọi tắt, 2 phút sau vẫn số đó gọi cho mình báo là hỗ trợ đổi thông tin giao dịch. Chúng yêu cầu mình cung cấp OTP qua email xác nhận của ngân hàng. Mình mất cảnh giác thêm lần nữa.
Chỉ có mấy phút, nhóm lừa đảo đã hoàn tất thanh toán đơn hàng và không thể biết đó là đơn hàng gì, không hề có xác nhận đơn hàng của Tiki.
Mình đề nghị: “Các bạn chuyển thông tin cho mình qua email. Mình đang đi có việc sẽ lên kiểm tra sau”, chúng liền bảo “Em gửi qua SMS chị đọc cho em là được”. Chả hiểu sao một đứa đã từng làm Sales thẻ tín dụng như mình lại có thể tin được sự lừa dối này.
Cái ngu nhất của mình là đọc OTP cho bọn nó, mặc dù nhìn thấy dòng chữ "không cung cấp cho ai kể cả NGÂN HÀNG" được gửi qua tin nhắn của ngân hàng. Thế là trừ tiền thôi, trừ mất 9.650.000 đồng ở lần đầu.
Lần thứ 2 bị trừ tiền, chúng tự ngắt điện thoại và bảo “có phải do mạng bên chị bị ngắt hay không? Chị cung cấp lại OTP cho em”. Mình vẫn tin, đọc tiếp lần 2 và bị trừ tiền lần 2 với số tiền như cũ. Và mỗi giao dịch cách nhau một phút”, người phụ nữ cho hay.
Chị L.C thấy tin nhắn của ngân hàng trừ tiền liền hỏi nhóm lừa đảo: “Tại sao chị thấy tin trừ tiền”. Lúc này chúng vẫn tiếp tục thao túng tâm lý bằng cách nói đã gửi lại OTP, yêu cầu đọc lại để tra soát lại giao dịch.
“Mình đã tỉnh táo hơn, báo chị không đọc nữa! Chị ra chi nhánh làm việc tra soát giao dịch. Sau 2 lần chúng ngoan cố bảo “cứ đọc OTP bọn em tra soát luôn cho”. Mình vẫn không cung cấp thì chúng tắt máy. Khi ra ngân hàng nhân viên nói “Chị bị lừa rồi”.
Thật sự mình không ngờ ngày này đã đến! Sau bao lần mình kiên quyết không nói chuyện với ngân hàng qua các số điện thoại mời mọc hỗ trợ/vay vốn thì lần này chính thức mất tiền. Hi vọng mỏng manh là ra ngay ngân hàng báo khóa thẻ và truy soát giao dịch, nhưng khả năng cao 99% là mất tiền, chỉ có 1% là may ra lấy được tiền. Thông qua đây mình mong không có bạn nào bị lừa nữa”.
Người phụ nữ bị lừa 40 triệu đồng thông qua cuộc gọi giả mạo
Chị H.N cũng rơi vào “cạm bẫy” của bọn lừa đảo thông qua cuộc gọi giả mạo của Ngân hàng VPBank. Chị bộc bạch: “Thật đau lòng và lớn hơn là nhục nhã khi phải chia sẻ những điều này vì mình ngu quá. Nhưng mình phải lên tiếng vì trước khi mất cũng nghĩ: “mình không bao giờ ngu thế”, còn người biết chuyện lại bảo: “không bao giờ nghĩ đến H còn bị thế”. Hoá ra tự tin lắm, kiến thức lắm cũng không phải lúc nào cũng tỉnh táo”.
Kịch bản mà nhóm lừa đảo “bày ra” cho chị H rơi vào gồm 3 bước:
Thông báo được nâng hạng credit card từ 40 triệu đồng lên 70 triệu đồng
Khi nhóm lừa đảo thông báo được nâng hạng lên 70 triệu đồng, chị H đã nghi ngờ với lập luận: “Chị được nâng lên 80 triệu đồng từ lâu rồi mà em? Sao ngân hàng không có thông tin?”. Sau đó chị tự trả lời rằng có thể lần trước đã được email thông báo mà không biết. Còn lần này có người chăm sóc chặt hơn. Vì thế chị đã bỏ qua sự nghi ngờ từ chính bản thân.
Lúc này đầu dây bên kia thông báo với chị H rằng được nâng hạng từ 80 triệu đồng lên 120 triệu đồng. Chị nghĩ bản thân chả mất gì, lừa đảo hay không thì tí nữa biết vì thế đã đồng ý.
Yêu cầu tra soát của chị H không thành công.
Để nâng hạng phải đảm bảo mức tín dụng còn tối thiểu 20% hạn mức, "đọc số thẻ cho em"
Chị H nghi ngờ vì nắm rõ nguyên tắc không cho ai, kể cả ngân hàng biết số thẻ của mình; chỉ cho biết 4 số đầu và cuối chứ? Song chị lần nữa chủ quan tự trả lời rằng chúng mà bắt đọc CCV (Card Verification Value là cụm số gồm 3 chữ số, được dùng để xác minh thẻ thanh toán quốc tế VISA, bao gồm cả thẻ VISA trả trước, thẻ VISA Debit và , thẻ VISA Credit – PV) mới là lừa đảo bởi phải có CCV mới xài được. Và chúng không hề yêu cầu chị đọc CCV nên đã tin là thật.
Ghi nhận thông tin: "Tí ngân hàng sẽ gọi báo chị. Sau đó ngân hàng yêu cầu đọc OTP 5 lần với các ý do: đồng ý mở thẻ, mở thẻ phụ…"
Chị H vẫn như những lần trước đều nghi ngờ vì nắm rõ quy định “không cung cấp OTP cho bất cứ ai, kể cả ngân hàng. Nhưng lại lại tự tin trả lời chính mình rằng: “Trước đây đã có bạn gọi bảo mở thẻ credit và hướng dẫn mình tự thao tác trên app (điền các thông tin, bao gồm cả OTP), nên không phải tự mò, hợp với người lười. Vì thế lần này nhân viên ngân hàng cũng làm hộ luôn”.
Tuy nhiên người phụ nữ quên mất là lần mở thẻ đó là nhân viên hướng dẫn chị tự làm từng bước: tự nhập, tự nhận OTP và tự điền. Còn lần này là bắt chị thông báo tin cho chúng.
“Cuối cùng mình mất gần 40 triệu đồng cho 5 lần. Mình thấy máy nhảy trừ liên tục với nội dung “TIKI” (sau khi cung cấp hết 5 OTP nó mới trừ 1 loạt). Mà mình ngu vì tưởng nó... trừ tạm, giống lúc đăng ký subscription hoặc payment method các trang quốc tế, người ta sẽ trừ tạm của mình 1.000 đồng hay 1 USD rồi trả lại!
Mãi hôm sau mình mới ớ người ra báo ngân hàng. Nhân hàng xác nhận đó là số điện thoại lừa đảo. Ngân hàng khóa thẻ và đồng ý tra soát trong 75 ngày làm việc. Mình vừa nhận được tin là không hoàn được, vì toàn bộ giao dịch đều hợp lệ”, chị H chia sẻ.
Cũng theo chị H, nhiều người sau khi trở thành nạn nhân của trò lừa đảo đã nhận ra bản thân thật ngu nhưng không dám nói ra để cảnh báo mọi người. Sở dĩ vậy vì nói ra sẽ bị “tấn công” bằng lời lẽ tục tĩu. Và chị là một trong số đó khi bị rất nhiều người phán xét.
NGỌC HÀ