Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mua bán trực tuyến, nhiều người không còn thích ra cửa hàng để mua trực tiếp. Việc mua bán này vừa nhanh chóng, tiện lợi lại không mất công đi lại. Tuy nhiên, cùng với đó sẽ có nhiều vấn đề khác nảy sinh. Một câu chuyện nực cười đã xảy ra với một người phụ nữ ở Hà Nam (Trung Quốc).
Một chàng trai tiết lộ, mẹ anh cũng thường xuyên vào các trang web mua sắm trực tuyến để xem. Lần đó, thấy có đơn hàng 0 đồng nên mua thử, không hiểu thao tác nhầm lẫn thế nào mà bà đã mua một con lợn nặng gần 20kg, có giá 544 tệ (gần 2 triệu đồng).
Thao tác nhầm, người phụ nữ đã đặt mua cả một con lợn sống nặng 20kg khiến cả nhà choáng váng
Theo ảnh chụp màn hình, con heo được mẹ chàng trai mua là con heo lái, có đặc tính ưu việt, tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thịt nạc cao, chất lượng thịt thơm. Chàng trai khá bối rối vì không biết mẹ đã làm thao tác gì để mua món hàng này. Một con mèo hay con chó thì vẫn có thể nuôi nhưng mua một con lợn thì khó mà nuôi được và không biết phải xử lý thế nào.
Sau đó, chàng trai nhanh chóng hoàn đơn, xin hoàn tiền nhưng không được. Người bán cho hay, tất cả heo con bán ra đều là heo sống. Khách sẽ nhận được đơn hàng sau 1 ngày đặt. Để đảm bảo an toàn cho heo con, người bán sẽ bố trí vận chuyển bằng xe có máy lạnh. Nếu heo con chết trong vòng 1 tuần, người bán sẽ gửi con khác thay thế. Nếu heo không có vấn đề gì, khách hàng phải chịu hoàn toàn chi phí vận chuyển sau khi trả lại sản phẩm.
Nhận con lợn về, người phụ nữ vô cùng bối rối, không biết để đâu. Gia đình bà không có chỗ nuôi, mang đi thịt cũng không biết làm thế nào. Cả nhà chỉ biết nhìn nhau ngán ngẩm.
Theo thống kê, với sự phổ biến của mua sắm trực tuyến, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người mua nhầm đồ. Có người từng mua một miếng thịt bò khô với giá 260 tệ (khoảng 870 nghìn đồng).
Đặt hàng qua mạng vô cùng tiện lợi, nhưng nếu không cẩn thận sẽ dễ nhầm lẫn, dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười
Sự việc sau khi được chia sẻ khiến cộng động mạng bật cười. Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm mua sắm của bản thân, cho rằng nền tảng mua sắm trực tuyến này có quá nhiều bẫy, khiến trẻ vị thành niên và người già mất cảnh giác. Một người bình luận: "Mẹ chồng tôi không biết tại sao lại bỏ ra cả trăm đô để mua một hộp thuốc an thần. Lúc đó, chúng tôi không biết gì nhưng về xem thì thấy hết hạn sử dụng".
"Con trai tôi nghịch điện thoại của ông nội và phát hiện ông vừa đặt đơn hàng 100 quả dưa hấu. Người giao hàng đến, bố chồng tôi bối rối không biết phải làm thế nào. Có lần ông còn mua nhầm mấy con gà con, không biết nuôi ở đâu. Đúng là quá mệt mỏi", người khác viết.
Nhiều người cho rằng đây là chiêu trò "bẫy" người già và trẻ em vì các thao tác mua sắm vô cùng đơn giản, không cần xác minh và còn được kết nối thanh toán tự động. Vì vậy việc mua sắm trực tuyến trở thành mối lo ngại của nhiều người.
PHÚ NGUYỄN