Ở rể vẫn luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận. Trong khi nhiều người nhất quyết tin dù giàu hay nghèo, đàn ông cũng không nên ở rể thì số khác cho rằng, điều quan trọng là yêu thương và tôn trọng, đôi bên cùng vun đắp cho tổ ấm.
Mới đây, một nhiếp ảnh gia ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đã chia sẻ lên mạng xã hội đoạn video về một đám cưới. Điều khiến đám cưới này đặc biệt và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cư dân mạng là lễ “rước rể” thay vì “rước dâu”.
Hình ảnh trong đoạn video cho thấy đám cưới của cặp đôi cũng được tổ chức đầy đủ các khâu, điều khác biệt là có chút ngược. Nhà gái tổ chức “rước rể” rất hoành tráng với đoàn 20 xe sang nối đuôi nhau.
Khi cô dâu đã đến nhà chồng, chú rể ngồi trên giường chuẩn bị làm lễ. Khi cô dâu đến bên giường, đang định mở đầu câu chuyện với chú rể thì bỗng bật cười, ngồi xổm xuống đất, che mặt mà khúc khích.
Đội ngũ phù dâu và phù rể lúc này bắt đầu ồn ào, cho rằng “rước rể” cũng như “rước dâu”, thủ tục không thể đại khái hay qua loa, để chú rể có được cảm giác được tôn trọng. Cô dâu nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, đem hoa đã chuẩn bị sẵn cài lên áo chú rể, sau đó hoàn thành nghi thức cơ bản. Trong toàn bộ quá trình, cặp đôi có chút mất tự nhiên, cô dâu không khỏi ngượng ngùng.
Khi chú rể bước ra ngoài, thủ tục cũng tương tự lễ rước dâu, nhà gái chuẩn bị một chiếc ô lớn màu đỏ để mở đường đón chú rể lên xe. Có lẽ bố mẹ chú rể bất đắc dĩ phải chia tay con trai nên không ra tiễn, chỉ có một số anh em bạn bè, dặn dò sau này hãy sống thật hạnh phúc, sống ở đâu cũng như nhau cả.
Theo chia sẻ của những người trong cuộc, chú rể còn có 3 người anh em đều đã lập gia đình, bản thân là kết hôn muộn nhất. Anh được giới thiệu làm quen với cô dâu này. Phía nhà gái chỉ có hai người con, cô dâu lại là chị cả nên bố mẹ muốn tìm người ở rể.
Dù hơi khó chấp nhận nhưng bản thân chú rể cũng không phản đối. Sau khi cân nhắc, cuối cùng bố mẹ chú rể cũng đồng ý, vì không thể cho con của cải nên đó cũng không phải là ý kiến tồi. Dù vậy, bố mẹ chú rể đều không xuất hiện lúc tiễn con.
Cô dâu cũng là người hiểu chuyện. Cô an ủi bố mẹ chồng và hứa rằng bản thân cùng gia đình sẽ đối tốt với con trai họ. Bạn bè cô nghe vậy liền reo hò bên cạnh và đùa rằng có phải cô dâu đã thuộc trước lời thoại này. Cô dâu mỉm cười nói cô chưa từng có kinh nghiệm, những gì vừa nói ra đều là sự thật và cả gia đình sẽ đối tốt với người đàn ông ấy.
Được biết, gia đình cô dâu có điều kiện khá giả. Bố mẹ cô dâu đã mua 3 căn hộ, cho mỗi người con 1 căn và bố mẹ một căn. Họ hầu như sẽ không sống chung cùng vợ chồng các con sau khi kết hôn.
Lý do chính khiến nhà gái muốn có người ở rể là vì họ muốn có thêm người đàn ông trong gia đình. Đồng thời, họ cũng đề xuất sau khi kết hôn, cặp đôi sẽ sinh 2 con và một bé sẽ mang họ của mẹ. Hai bên thông gia nhanh chóng thống nhất vì tin rằng đứa trẻ mang họ ai không quan trọng, miễn là sống tốt.
Khoảnh khắc phải rời xa bố mẹ, chú rể giống như cô gái sắp lấy chồng, nước mắt lưng tròng, bất đắc dĩ quỳ lạy trước cửa và tạ ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng.
Đoạn video sau khi chia sẻ lên mạng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Bên cạnh số ít là bình luận thể hiện quan điểm không đồng tình với việc ở rể, đa phần các ý kiến đều thể hiện sự tích cực, gửi lời chúc phúc tới cặp đôi.
“Cô dâu này quả là người rất đặc biệt. Việc gia đình họ tổ chức các nghi lễ bài bản đã thể hiện sự chu đáo, tôn trọng nhà trai. Cô dâu trong cách cư xử cũng rất lễ phép. Chúc cặp đôi bên nhau trọn đời, mãi hạnh phúc nhé!”
"Tôi từng thấy rất nhiều lễ "rước rể" nhưng không mấy người để ý lễ nghi như vậy. Điều này có thể thấy họ thực sự tôn trọng người đàn ông này. Hơn nữa, bố mẹ cô dâu cũng rất ý tứ, gọi là ở rể nhưng không sống chung. Suy cho cùng, sống ở đâu thì quan trọng vẫn là tôn trọng và yêu thương nhau mà thôi."
"Bây giờ nhiều gia đình cũng sinh 2 con, mỗi bé mang họ theo một người mà, có sao đâu. Mình thấy bố mẹ chú rể nói rất đúng, quan trọng là sống tốt, không phải mang họ gì."
TRƯƠNG THI