Có nhiều loại quả mọc hoang dại ở các vùng miền của Việt Nam nhưng có thể ăn được, mấy năm nay trở thành món đặc sản ở thành phố, vừa lạ miệng vừa có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ.
Cây nhàu còn có tên gọi khác là nhàu rừng, mọc hoang dại ở các tỉnh thuộc Trung Bộ và Nam Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Dương, An Giang… Trái nhàu nặng mùi, một số người nhận xét mùi nồng như trái sầu riêng, nhưng chỉ ăn vài lần là quen và bị "ghiền".
Trái nhàu mọc dại nhưng có thể ăn được và tốt cho sức khoẻ
Những người lớn lên ở các miền quê cho biết trái nhàu có quanh năm nhưng khoảng tháng 9, tháng 10 là rộ lên nhiều nhất. Khi còn non chúng có màu xanh nhạt, lúc chín sẽ ngả màu vàng, có nhiều hạt dính vào nhau, có thể to bằng nắm tay người lớn.
Từ quả nhàu, người ta có thể dùng để chấm muối hoặc nướng chín ăn. Ngoài ra họ còn dùng nhàu tươi làm nước ép uống như những loại trái cây ăn quả khác, lấy nhàu khô đun nước uống,...
Loại quả này có mùi khai
"Quả nhàu có mùi hơi khai nên đứng cả mét vẫn ngửi thấy mùi đặc trưng. Ngày trước, trẻ con ở quê mình thường nhặt để ăn chơi, vừa ăn vừa nhăn mặt nhưng vẫn thấy hấp dẫn", bạn Nga (ở Quảng Trị) kể.
Từ thứ quả dân dã ở quê, gần đây trái nhàu trở thành đặc sản ở thành phố, được người dân tìm mua về ăn vặt. Trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, trái nhàu tươi và trái nhàu khô được bán với giá lên tới 250.000 đồng/kg. Vì quả nhàu tươi rất nhanh chính và nhanh hỏng sau khi hái nếu bảo quản không cẩn thận sẽ chín dần từ cuống lên đầu, do vậy cần tiêu thụ sớm.
Vì mang lại giá trị kinh tế nên nhiều nơi, người dân còn trồng cây nhàu để hái lá, hái quả bán ra thị trường. Có thời điểm thương lái thu mua trái nhàu với giá cao để làm nước cốt nhàu; mật ong hoa nhàu nguyên chất; tinh dầu nhàu cao cấp; nhàu sấy lạnh xuất khẩu sang nước ngoài.
Không chỉ ngon và lạ miệng, trái nhàu còn có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ:
Tốt cho người bị bệnh cao huyết áp
Sở dĩ trái nhàu có thể cải thiện bệnh cao huyết áp là do nó có chứa 3 thành phần chống oxy hóa là methyl coumarin, arginine và anthocyanin. Đồng thời, trái nhàu có thể kích thích cơ thể sản xuất oxit nitric, tăng tính linh hoạt của mạch máu, nhằm đạt mục đích ổn định huyết áp.
Phòng ngừa bệnh tim mạch
Trong trái nhàu có chất scopoletin – một hoạt chất giúp làm giãn hệ thống mạch máu và có thể làm hạ huyết áp, từ đó duy trì sức khỏe của tim và làm giảm cholesterol xấu trong máu. Ngoài ra, trái nhàu còn có tác dụng chống viêm, chống nấm và chống vi khuẩn.
Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch
Với hàm lượng vitamin C dồi dào, trái nhàu có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, tiêu trừ gốc tự do và đào thải các độc tố tích tụ bên trong cơ thể. Ngoài ra, một số chất chống oxy hóa khác từ trái nhàu như vitamin E, beta-carotene cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Chống oxy hóa mạnh
Nước ép trái nhàu có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nên có thể giúp bạn ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường.
Các chất chống oxy hóa chính trong nước ép trái nhàu có thể kể đến là beta carotene, iridoid, vitamin C và E.
Hiệu quả tốt đối với dạ dày, tiêu hóa kém
Các chuyên gia đã tìm ra được nhiều minh chứng cho thấy rằng, trái nhàu có thể làm giảm tiết dịch niêm mạc dạ dày rất tốt. Đặc biệt là đối với các trường hợp trào ngược dạ dày hay những bệnh về tiêu hoá kém. Trái nhàu có khả năng hỗ trợ tăng cường hoạt động, co bóp của dạ dày để hệ tiêu hoá khoẻ mạnh hơn.
H.A