Lớp sáp trên vỏ táo có ăn được không? Có một loại sáp độc hại với sức khỏe, chị em dựa vào mẹo này để nhận biết

Google News

Có những lời đồn thổi về lớp sáp bên ngoài quả táo có thể gây nguy hại đến sức khỏe, vậy thực hư ra sao?

Táo là loại thực phẩm có lượng calo thấp nhưng có giá trị dinh dưỡng cao, ngoài ra, vỏ táo còn rất giàu chất phytochemical, chúng có thể giúp ngăn ngừa ung thư và các bệnh về tim mạch.

Tuy nhiên, khi mua táo, bạn có nhận thấy trên vỏ táo thường có một lớp sáp khiến cho quả táo trông bóng hơn. Có những tin đồn cho rằng lớp sáp phủ trên vỏ táo có thể lưu lại thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm gây hại cho sức khỏe, thậm chí còn gây ung thư. Điều này khiến nhiều người băn khoăn không biết có nên ăn vỏ táo nữa hay không. Chính xác thì lớp sáp trên vỏ táo là gì? Nó có thực sự gây nguy hại đến sức khỏe con người như lời đồn?

Quả táo có thể tiết ra sáp tự nhiên

Trước tiên, mọi người nên biết bản thân quả táo sẽ tiết ra lớp sáp tự nhiên để giảm mất nước trong quá trình sinh trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cho cây táo, nhiều chủ trang trại sẽ phun thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt nấm để hoa quả tránh được sâu bệnh và đạt năng suất cao nhất.

Đồng thời, trước khi bán, họ cũng sẽ rửa sạch vết bẩn bám trên bề mặt táo nên phần lớn sáp trái cây tự nhiên cũng theo đó mà bị rửa sạch. Để táo có thể được tươi mới trong quá trình vận chuyển lâu dài, những người buôn hoa quả sẽ phun hoặc phủ một lớp sáp mỏng lên quả táo một lần nữa để tránh vi khuẩn xâm nhập và làm mất độ ẩm, đồng thời kéo dài thời hạn sử dụng cho táo.

Lớp sáp ở vỏ táo giúp chúng tránh sự xâm nhập của vi khuẩn và mất độ ẩm. (Ảnh minh họa)

Sáp phủ lên táo: Sáp trái cây nhân tạo an toàn, sáp công nghiệp độc hại

Lớp phủ sáp trên táo thường được chia thành hai loại. Một loại là sáp trái cây nhân tạo và loại còn lại là sáp công nghiệp. Thành phần của sáp trái cây nhân tạo là các loại sáp được chiết xuất từ ​​côn trùng hoặc thực vật như sáp ong, nhựa cánh kiến đỏ hay chiết xuất từ lá cọ,…Đây đều là các loại sáp ăn được, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt, cho phép sử dụng lên các loại hoa quả.

Vì nồng độ sáp trái cây nhân tạo rất cao nên cần pha loãng với nước trước để sáp có thể dàn mỏng và đều trên lớp vỏ trái cây. Theo báo cáo của Snopes, mỗi loại trái cây trung bình chỉ có một đến hai giọt sáp trái cây nhân tạo và chỉ cần gần 4 lít sáp trái cây là có thể sử dụng cho 4,5 tấn hoa quả các loại.

Sáp trái cây nhân tạo hoàn toàn là sản phẩm từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nên chúng không chứa chất gây ung thư, cơ thể con người cũng không thể tiêu hóa sáp nên chúng sẽ được đào thải trực tiếp ra khỏi cơ thể thông qua quá trình tiêu hóa.

Thành phần của sáp nhân tạo là sáp được chiết xuất từ ​​côn trùng hoặc thực vật và sáp ong là một trong số đó. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các loại sáp này có giá thành khá cao nên nhiều tiểu thương hay nhà vườn đã lựa chọn sử dụng các loại sáp phủ rẻ tiền hơn có thành phần là thuốc diệt nấm, chất bảo quản hay thuốc nhuộm nhân tạo, thủy ngân hoặc chì... làm cho trái nhìn đẹp và có thể lưu trữ được lâu. Việc ăn phải các hóa chất công nghiệp kể trên có thể làm tổn hại đến trí nhớ, hệ miễn dịch và gây ra những vấn đề tiêu cực đối với sức khỏe.

Làm thế nào để nhận biết táo được phủ sáp trái cây nhân tạo hay sáp công nghiệp?

Mặc dù sáp trái cây nhân tạo hoàn toàn vô hại với cơ thể con người, nhưng không phải tất cả các lớp phủ sáp bôi lên vỏ trái cây đều được sử dụng loại sáp này, vì vậy, tất cả chúng ta phải thật cẩn thận để tránh gặp phải sáp công nghiệp.

Không khó để có thể nhận biết táo được phủ sáp trái cây nhân tạo hay sáp công nghiệp, mọi người có thể dựa vào những cách sau:

- Sáp công nghiệp: Lau sạch bề mặt quả táo bằng khăn giấy. Nếu trên khăn giấy có chất màu đỏ nhạt in ra thì đó là sáp công nghiệp.

- Sáp trái cây nhân tạo: Khi bạn lau bề mặt bằng khăn giấy, bề mặt trái táo sẽ càng lúc càng sáng hơn và không có chất màu đỏ in trên giấy.

Có thể dùng khăn giấy lau táo để kiểm tra xem sáp phủ táo có phải sáp công nghiệp. (Ảnh minh họa)

Cách loại bỏ lớp phủ sáp

Nếu chẳng may bạn mua phải táo được đánh bóng bằng sáp công nghiệp thì cũng đừng quá lo lắng. Mặc dù rửa bằng nước không thể loại bỏ hoàn toàn lớp sáp phủ trên vỏ trái táo nhưng chúng cũng không thể thấm vào bên trong nên việc gọt bỏ vỏ có thể ngăn chặn hấp thụ của các loại sáp công nghiệp có hại.

Còn sáp trái cây nhân tạo, tuy không gây hại cho cơ thể con người nhưng nếu vẫn còn nghi ngờ, bạn có thể sử dụng 4 phương pháp xử lý sau đây để có thể thoải mái ăn táo mà không lo lắng.

Cách 1: Dùng bàn chải mềm lau sạch bề mặt táo, sau đó rửa bằng nước sạch.

Cách 2: Cho một lượng nhỏ baking soda vào nước, sau đó đổ táo vào ngâm trong 15 phút rồi rửa sạch.

Cách 3: Đầu tiên rửa sạch táo dưới nước, sau đó chà nhẹ qua lại bằng muối, cuối cùng rửa lại bằng nước.

Cách 4: Pha giấm vào trong nước theo tỷ lệ 1 giấm: 10 nước để tạo thành hỗn hợp tẩy rửa.

Lợi ích của việc ăn vỏ táo

Nhìn chung, lớp sáp trái cây tự nhiên trên vỏ táo không cần phải loại bỏ mà còn có thể ăn trực tiếp. Hơn nữa, vỏ táo rất giàu phytochemical, polyphenol, myricetin, axit chlorogen, quercetin,.... Những chất này có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như:

- Polyphenol và axit chlorogen có tác dụng chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư và các bệnh tim mạch.

- Myricetin giúp giảm nồng độ glucose trong máu và giúp ổn định lượng đường trong máu.

- Quercetin có thể ức chế tế bào mast (tế bào giải phóng các chất nhằm kích hoạt hệ thống miễn dịch nếu bị tăng sinh quá mức sẽ gây hại), bảo vệ ống phế quản và cải thiện bệnh hen suyễn.

Vỏ táo rất giàu chất có lợi cho cơ thể con người. (Ảnh minh họa)

MINH MINH