Sát Tết là khoảng thời gian mà những hình thức lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội trở nên phổ biến, đặc biệt là hoạt động mua bán hàng online. Mới đây, chị Thanh Tâm (chủ shop giày dép ở Cà Mau) lên tiếng cảnh báo về chiêu thức lừa đảo bằng việc chuyển tiền nhầm qua tài khoản khi mua hàng, nhiều người dễ mắc phải.
Chị Tâm cho biết mới đây chị trở thành đối tượng nhắm đến của đối tượng lừa đảo. Số tiền chị suýt bị lừa khoảng 86 triệu đồng, tuy nhiên vì may mắn sớm phát hiện lẫn có kinh nghiệm làm ngân hàng nên chị đã tránh được.
Lừa đảo hoành hành dịp sát Tết khiến nhiều người mắc bẫy, mất số tiền lớn.
Chiêu thức lừa đảo chuyển tiền nhầm tinh vi, bài bản
Chị Tâm chia sẻ, tối thứ 6 vừa qua (ngày 3/1), tài khoản facebook H.T nhắn tin cho cho chị qua trang cá nhân, đặt mua 2 đôi dép, tổng đơn là 1,1 triệu đồng. Quá trình này diễn ra bình thường như bao khách hàng khác. Tuy nhiên khi đến thanh toán lại phát sinh vấn đề lớn.
Sau khi đặt xong, đơn hàng chỉ 1,1 triệu đồng nhưng đối tượng chuyển nhầm số tiền lớn, khoảng 86 triệu sau 2 lần chuyển khoản vào tài khoản của chị Tâm. Đối tượng lập tức nhắn tin nhờ trả lại số tiền: "Chồng em chuyển dư quá nhiều tiền. Em bảo chồng em chuyển tiền mua dép nhưng anh ấy quên, tưởng chuyển tiền hàng nên nhầm lẫn. Chị chuyển khoản lại giúp em ạ".
Chị Tâm đăng cảnh báo lên trang cá nhân sau khi phát hiện ra thủ đoạn của đối tượng lừa đảo
Điều đáng nói ở đây là khi yêu cầu trả lại số tiền, đối tượng đưa thông tin một số tài khoản khác so với số tài khoản ban đầu chuyển tiền. Theo chị Tâm, nếu người nhẹ dạ sẽ chuyển khoản lại ngay vào số tài khoản không khớp với số ban đầu mà đối tượng cung cấp để trả tiền. Lúc này sẽ bị đẩy vào hoàn cảnh chủ tài khoản ban đầu đòi lại tiền, người tâm lý yếu sẽ sợ hãi và bỏ thêm tiền túi chuyển lại số tiền đã chuyển vào tài khoản khác được cung cấp. Trong trường hợp này, mọi người cần tỉnh táo để xử lý.
Bắt đầu từ việc chuyển khoản nhầm với lý do rất “chính đáng” khiến nhiều người dễ tin tưởng.
"Mình ra ngân hàng để chuyển lại vào đúng số tài khoản đã chuyển cho mình. Thực hiện lần 1 là giao dịch hơn 20 triệu đồng. Mình gọi cho đối tượng hỏi em đã nhận được chưa thì đầu dây bên kia trả lời đã nhận được rồi. Mình nói tiếp “Vậy chị chuyển tiếp 66 triệu còn lại”. Đến khi mình về tới nhà, đối tượng lại bảo là chưa nhận và yêu cầu gửi giấy tờ. Mình cũng chụp lại gửi nó và để đỡ bị gặp rắc rối, mình đã báo vụ việc này lên công an phường, cùng đầy đủ giấy tờ chuyển khoản của ngân hàng", chị Tâm nói.
Theo chị Tâm, đối tượng lừa đảo thường sẽ thực hiện hành vi vào thứ 7, chủ nhật để mọi người không ra ngân hàng đối soát được. Đồng thời liên tục hối thúc chuyển tiền để đánh vào tâm lý người bị lừa.
Ngoài ra, chiêu thức được áp dụng là đối tượng lừa đảo chia làm nhiều lần chuyển tiền “nhầm”. Nhưng sau đó yêu cầu chuyển tổng lại một lần, khi đó thông tin chuyển khoản đôi bên không khớp, sẽ dễ bị lật lọng rằng đây chưa phải là giao dịch hoàn tiền. Nếu bị cuốn theo kịch bản mà các đối tượng lừa đảo vạch ra sẵn, bạn có thể mất hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng vô cớ.
Làm gì khi người khác chuyển tiền nhầm vào tài khoản?
Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Tâm đưa ra một số hình thức cảnh giác với chiêu thức lừa đảo này. Không chỉ với người bán hàng online như chị Tâm, mà trường hợp này có thể xảy ra với người bình thường, đột nhiên nhận được khoản tiền chuyển nhầm. Theo tâm lý chung, nếu không có lòng tham chúng ta sẽ chuyển trả, nhưng cần chuyển trả đúng số tài khoản chuyển nhầm, cẩn thận khi bị đối phương yêu cầu chuyển vào một tài khoản khác.
Khi nhận được số tiền chuyển nhầm không xác định, trước hết cần liên hệ với ngân hàng. Sau đó yêu cầu đối tượng chuyển nhầm chủ động ra ngân hàng đối soát và thu hồi số tiền. Với những số tiền “chuyển nhầm” giá trị lớn, cần liên hệ ngay với ngân hàng, và chắc chắn hơn là trình báo cơ quan Công an để kiểm tra thông tin rõ ràng trước khi chuyển trả lại.
Mỗi người dân nên cẩn thận với những chiêu thức lừa đảo dịp sát Tết.
Ngoài ra, nếu tự ra ngân hàng chuyển lại số tiền nhầm, cần chụp lại giấy tờ, ghi nội dung chuyển khoản “trả lại tiền chuyển nhầm” đầy đủ để tránh trường hợp gặp rắc rối, thậm chí bị đòi tiền vì chuyển vào một số tài khoản khác ban đầu.
Những điều cần thực hiện khi bỗng nhiên nhận được số tiền chuyển nhầm: Không sử dụng tiền chuyển nhầm vào mục đích cá nhân; Không vội vàng trả lại cho phía bên kia; Kiểm tra kỹ thông tin chuyển khoản; Xác minh thông tin bằng nhiều cách như tra ngân hàng, số điện thoại, email… chính thức của họ, đừng dựa vào những thông tin được cung cấp bởi người yêu cầu; Tuyệt đối không chuyển lại thông qua số tài khoản lạ, không giống số tài khoản ban đầu.
Hơn hết, mỗi chúng ta cần nâng cao cảnh giác với mọi hành vi lừa đảo từ việc chuyển khoản thông qua ngân hàng. Sự tinh vi, bài bản của các đối tượng lừa đảo, đánh vào tâm lý chung của nhiều người khi đột ngột nhận số tiền lớn sẽ dễ bị “đưa vào thế khó”.
Cần tỉnh táo, báo ngay cho ngân hàng, cơ quan khi phát hiện có dấu hiệu đáng ngờ khi nhận tiền chuyển nhầm.
Trên thực tế, thủ đoạn chuyển tiền nhầm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra phổ biến và vô cùng tinh vi. Dịp sát Tết là thời gian các đối tượng lừa đảo hoành hành, mỗi chúng ta cần tỉnh táo, bình tĩnh trước những tình huống, để tránh mất oan số tiền lớn.
Các bước cần làm khi bỗng nhiên nhận được tiền chuyển khoản nhầm:
Bước 1: Không sử dụng tiền vào mục đích cá nhân.
Bước 2: Không vội vàng chuyển khoản lại cho người chuyển nhầm, hãy kiểm tra kỹ thông tin chuyển khoản, số tài khoản ngân hàng...
Bước 3: Cần ra trực tiếp ngân hàng để lấy hóa đơn chuyển khoản trả lại, đảm bảo trả lại phải đúng STK, tuyệt đối không chuyển lại thông qua số tài khoản lạ, không giống số tài khoản ban đầu, ghi rõ nội dung giao dịch.
Bước 4: Nếu số tiền chuyển nhầm quá lớn, phải liên hệ với cơ quan Công an để phối hợp xứ lý, tránh gặp rắc rối.
HÀ ANH