Xiao Dunren, bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa tại Đài Loan, cho biết từng khám cho trường hợp một nam kỹ sư 25 tuổi. Người đàn ông đến khám do đau âm ỉ vùng bụng, chướng bụng. Bác sĩ đề nghị siêu âm bụng để tìm hiểu xem có khối u ở gan, túi mật hay tuyến tụy hay không. Kết quả cho thấy có một khối u dài 5 cm.
Người đàn ông sau đó được chụp cắt lớp CT tại bệnh viện và xác nhận khối u 5 cm nằm ở đại tràng, kết luận ung thư đại trực tràng giai đoạn 2. Do được phát hiện sớm và phẫu thuật cắt bỏ nên quá trình điều trị đã diễn ra thông suốt.
Bác sĩ Xiao Dunren suy đoán rằng nguyên nhân khiến thanh niên 25 tuổi mắc bệnh có liên quan đến sở thích ăn uống. Do còn độc thân, hay trực ca, người đàn ông thường xuyên ăn bánh mì kẹp thịt (burger) tại các cửa hàng ăn nhanh, loại nhiều thịt và ít rau.
Bác sĩ nhắc nhở mọi người, nếu gặp phải những thay đổi trong thói quen đại tiện, đau bụng không rõ nguyên nhân, thiếu máu, táo bón, nên đi khám càng sớm càng tốt.
Ăn thịt đỏ qua chế biến quá nhiều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Vì sao ăn bánh mì kẹp thịt có thể là nguyên nhân gây ung thư?
Các loại thịt được chế biến cho món bánh mì kẹp (burger) là thịt đỏ. Thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt lợn và thịt cừu. Thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ ung thư ruột kết và trực tràng tăng cao. Các bằng chứng nghiên cứu cũng cho thấy nó có liên quan đến một số loại ung thư khác, chẳng hạn như ung thư tuyến tiền liệt và tuyến tụy.
Thêm vào đó, thịt đỏ qua chế biến càng làm tăng thêm nguy cơ gây bệnh. Thịt chế biến là sản phẩm được bảo quản bằng cách băm/hun khói, ướp muối, và/hoặc thêm chất bảo quản hóa học.
Ví dụ về thịt chế biến bao gồm xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, thịt viên... Nguy cơ gia tăng ung thư có thể được giải thích bằng hàm lượng sắt và chất béo trong thịt đỏ, và/hoặc muối và nitrat/nitrit trong thịt chế biến. Ngoài ra, khi thịt được nấu ở nhiệt độ cao, các chất có thể gây ung thư sẽ được hình thành.
Thịt chế biến, chẳng hạn như loại thường thấy trong bánh mì kẹp thịt, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), phân loại là chất gây ung thư Nhóm 1.
Tổ chức Y tế Thế giới năm 2015 đã phân loại thịt chế biến (bao gồm cả bánh mì kẹp thịt, trừ khi tự làm không chứa chất bảo quản) có thể là nguyên nhân gây ung thư. Đương nhiên không phải tất cả những người ăn thịt chế biến đều sẽ mắc ung thư nhưng các nghiên cứu cho thấy, thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng lên 17%. Ngoài ra, nguy cơ phát triển ung thư do ăn bánh mì kẹp thịt hoặc thịt chế biến bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm lượng và tần suất tiêu thụ, chế độ ăn uống tổng thể, các yếu tố lối sống và khuynh hướng di truyền.
Chế độ ăn thịt đỏ thế nào giúp giảm nguy cơ ung thư?
Thịt đỏ không phải là xấu hoàn toàn. Tùy thuộc vào cách ăn, thịt đỏ có thể chứa nhiều protein, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa... quan trọng cho sức khỏe của bạn. Mặc dù tiêu thụ nhiều thịt đỏ có thể gây ung thư, bệnh tim hoặc tiểu đường, điều đó không có nghĩa là bạn không thể ăn ở mức độ vừa phải.
Sau đây là một số mẹo tiêu thụ thịt đỏ mà không gây hại cho sức khỏe:
- Hãy chọn thịt bò ăn cỏ
Thịt bò ăn cỏ có hàm lượng axit béo Omega-3 chống viêm cao hơn, trong khi thịt bò được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi tại trang trại có hàm lượng axit béo Omega-6 cao hơn, có thể gây viêm
- Ăn các loại thịt nạc
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo nên chọn các loại thịt nạc. Các loại thịt nạc thường thấy là mông, thăn.
- Hãy chú ý đến phương pháp nấu ăn.
Nướng, quay, hầm và rang thịt đỏ là những lựa chọn lành mạnh hơn so với chiên, nướng than hoặc nướng vỉ.
Lắng nghe các tín hiệu cơ thể mách bảo là cách phòng bệnh tốt nhất. (Ảnh minh họa).
- Tránh các loại thực phẩm chế biến
Trong một nghiên cứu năm 2010, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ăn một lượng tương đương một chiếc xúc xích hoặc một vài lát thịt xông khói hoặc thịt nguội chế biến có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 42% và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 19% so với những người ăn thịt chưa qua chế biến.
Để giảm nguy cơ ung thư, bạn thường được khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ các loại thịt chế biến, ưu tiên chế độ ăn cân bằng giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Duy trì lối sống lành mạnh bao gồm hoạt động thể chất thường xuyên và tránh các yếu tố nguy cơ ung thư đã biết khác, chẳng hạn như hút thuốc và uống quá nhiều rượu cũng rất quan trọng.
THÙY LINH