Nghề lạ ở Việt Nam: Nông dân nghe tiếng, ngửi mùi loại đặc sản này cho thu nhập khủng, có thể kiếm 2 triệu đồng/ngày

Google News

Sử dụng đôi tai thính, chiếc mũi nhạy bén cùng kinh nghiệm lâu năm trong nghề, người nông dân có thể thu về tiền triệu mỗi ngày. Tuy nhiên, sự nghiệp cũng có thể tiêu tan nhanh chóng nếu dự đoán kết quả không chuẩn xác, làm ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch.

Từ tháng 5 - tháng 8 hằng năm, những vườn sầu riêng nhộn nhịp bước vào mùa thu hoạch. Đây không chỉ là thời điểm các chủ vườn tất bật tổng kết thành quả sau tháng ngày chăm bón vất vả, mà còn là mùa "vàng" cho những người làm nghề "gõ" sầu riêng. Với đôi tai nhạy bén và kỹ năng điêu luyện, họ góp phần đảm bảo chất lượng từng trái sầu riêng trước khi đến tay thương lái và người tiêu dùng. Thu nhập của họ trong mùa cao điểm có thể đạt đến tiền triệu mỗi ngày.

Sở dĩ, công việc tưởng chừng đơn giản này lại tồn tại giúp nông dân "hái" ra tiền là vì không phải trái sầu riêng nào trên cây cũng đạt chuẩn để thu hoạch. Một trái sầu riêng ngon đòi hỏi những yêu cầu riêng biệt như có phần cơm ngon, không bị sượng hoặc bị nhão và mùi thơm nức mũi. 

Anh Huỳnh Tuấn Kiệt (sống tại TP. Cần Thơ) cứ đến mùa sầu riêng, anh lại theo chân các thương lái để làm việc. Nhiệm vụ chính của anh là gõ vào những trái sầu riêng để kiểm định chất lượng. Theo anh chia sẻ, sầu riêng đủ điều kiện để thu hoạch là trái đủ 8 tuần tuổi. Không chỉ đánh giá qua vẻ ngoài của trái hoặc dựa vào hương thơm mà âm thanh khi gõ vào sẽ phản ánh được độ ngon của loại trái cây đặc biệt này. 

Dụng cụ làm việc cũng rất đơn giản chỉ với một cây dao trong tay, anh leo thoăn thoắt lên ngọn cây cao dùng cán dao gõ vào từng trái sầu riêng. 

Anh Kiệt bật mí khi trái chín, dùng cán dao gõ vào trái sẽ nghe "bộp bộp" do vỏ teo lại, còn trái non sẽ phát ra tiếng "boong boong". Phân biệt sầu riêng 7 tuần tuổi và 8 tuần tuổi lại càng khó hơn vì âm thanh tương tự. Người thợ phải gõ ở cả phần cuối và giữa của trái sầu để nhận biết sự khác biệt, với trái đủ 8 tuần tuổi cho tiếng "bộp" rõ ràng hơn. 

Xuất thân từ gia đình trồng sầu riêng lâu đời, anh Kiệt bén duyên với nghề gõ trái từ khi còn nhỏ, học hỏi qua những lần phụ giúp thương lái. Dù vậy, việc thành thạo nghề không hề dễ dàng, anh Kiệt cho biết đó là cả quá trình tích luỹ kinh nghiệm: “Lúc đầu, tôi cắt nhầm trái non nhiều lần, phải rèn luyện sự kiên trì và sáng ý mới trụ được với nghề”. Theo nghề đến nay đã 10 năm nhưng anh vẫn luôn cẩn thận, kết hợp thính giác và khứu giác để đánh giá. Bởi “sai một ly, đi một dặm”, có thể làm mất lòng tin của thương lái nếu thu hoạch trái sầu riêng chưa đủ tuổi, chất lượng kém.

Nghề gõ sầu riêng hiện mang lại nguồn thu nhập ổn định. Theo anh Kiệt tiết lộ tại các vựa lớn ở huyện Phong Điền, công thợ gõ dao động từ 500-1.000 đồng/kg, tùy quy mô nhà vườn. Một thợ lành nghề có thể xử lý 3-5 tấn trái mỗi buổi, thu nhập từ 1-2 triệu đồng/ngày trong mùa cao điểm.

Mỗi vựa sầu riêng đều thuê 1-2 thợ chuyên nghiệp để gõ vào trái để đảm bảo chất lượng trước khi đến tay thương lái, khách hàng. Trung bình, mỗi người thợ gõ sầu lành nghề có thể kiếm 1-2 triệu đồng/ngày.

Trong khi đó, anh Đoàn Văn Trường (sống tại tỉnh Bình Phước) bám trụ với nghề được hơn 10 năm, kinh nghiệm anh đúc kết được là để làm công việc này đòi hỏi phải có đôi tai thính và đánh giá âm thanh một cách chuẩn xác. 

"Những người làm nghề này chỉ gõ để quyết định việc thu hoạch, còn hái nhầm quả non sẽ mất uy tín với thương lái, thậm chí khiến thương lái lỗ nặng. Vì vậy, tiền công cao cũng đòi hỏi ràng buộc trách nhiệm. Không phải cứ đi làm là đã thành thạo nghề, mỗi người thợ vẫn phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm để gõ, hái chuẩn những quả già, đủ độ tuổi, bảo đảm chất lượng hàng” - anh Trường tâm sự về nghề nghiệp "độc lạ" của mình.

Đây là nghề có thu nhập cao so với các công việc ổn định khác. Song, ít ai còn bám trụ vì chỉ làm việc theo mùa, nhiều nguy hiểm luôn rình rập.

Tuy mang lại nguồn thu “khủng” nhưng nghề gõ và thu hoạch sầu riêng lại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm do phải trèo cây cao, trái sầu riêng nặng, phần gai nhọn, nếu cắt không khéo có thể bị thương. Ngoài ra, việc gõ và thu hoạch sầu riêng thường theo mùa vụ, kéo dài hơn 1 tháng, sau đó những nông dân theo nghề sẽ thực hiện công việc khác như trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng... để tiếp tục mưu sinh.

Ngày nay, rất ít nông dân, thanh niên trai tráng theo nghề. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn bắt đầu áp dụng công nghệ, sử dụng máy móc thiết bị để kiểm tra chất lượng sầu riêng trước khi thu hoạch. Song, sự khéo léo và kinh nghiệm của những người thợ gõ chưa thể thay thế hoàn toàn và vẫn đóng vai trò không thể thiếu khi tới mùa thu hoạch sầu riêng. 

Với những người gắn bó với nghề gõ sầu riêng, đây không chỉ là một cách mưu sinh mà còn là niềm tự hào. Họ hiểu rằng, từng cú gõ chính xác không chỉ bảo đảm chất lượng trái cây, mà còn giúp duy trì niềm tin của khách hàng và tạo được nguồn thu nhập ổn định cho chính mình.

TẤN PHƯỚC