Về Đức Huệ (Long An) hỏi thăm gia đình bà Năm - người phụ nữ lớn tuổi có con trai mắc căn bệnh lạ ai cũng hay biết. Thậm chí người ta có thể kể vanh vách về hoàn cảnh cũng như bệnh tình của cậu con trai này.
Chị Hăng - một người quen của gia đình bà Năm cho biết: "Mình có một đứa em sống ở gần nhà cô Năm. Bữa trước Tết nó kể với mình rằng sát nhà nó có chàng trai rất lạ, người như khúc gỗ cây, chẳng cử động được. Mình nghe xong cứ cười hoài vì nghĩ nó đùa, kể chuyện hài, trên đời này làm gì có ai đặc biệt như thế.
Sau đó mình thấy nó kiên quyết và nghiêm túc nên bảo nếu là thật, hãy dẫn chị đến đó gặp cậu ấy. Mình còn hứa hẹn giúp đỡ phần nào để cuộc sống gia đình đỡ vất vả.
Nào ngờ mình đến, đã không kiềm chế nổi cảm xúc khi chứng kiến cậu ấy đờ đẫn, người khô cứng. Thực sự hoàn cảnh này rất đặc biệt và khó khăn".
Nơi sinh sống của hai mẹ con bà Năm.
Người đàn ông mà chị Hăng nhắc đến là Nguyễn Văn Tú (SN 1986) - mấy chục năm sống dựa vào người mẹ đầu đã hai thứ tóc. Anh có nhận thức bình thường, nói được dăm ba từ ngắn... song toàn thân cứng đờ như tượng, đặt đâu đứng đấy, cũng chẳng thể ngồi hay nằm như người bình thường.
Mở đầu câu chuyện, bà Năm tâm sự: “Tôi có hai đứa con, trong đó thằng Tú là đứa khiến tôi nặng lòng và vất vả nhất. Nó sinh ra bình thường như bao đứa trẻ sơ sinh khác, kháu khỉnh và đáng yêu. Nó lên 6 tuổi bắt đầu ốm đau triền miên nhưng vẫn khát khao được đến trường học cái chữ con số.
Tôi cố gắng cho con đi học để bằng bạn bằng bè, không phải tủi thân. Nó học đến lớp 3 thì bệnh nặng hơn, cô giáo chủ nhiệm khuyên nên nghỉ bởi có đi học cũng chẳng thể theo nổi các bạn. Tôi thương, nghĩ đến sức khoẻ của con mà đồng ý xin thôi học”.
Anh Tú nghỉ học được chừng một tháng, bệnh nặng hơn, chẳng thế đi lại được. Bà Năm gom góp tiền trong nhà, chạy vạy vay mượn họ hàng được vài trăm đưa con trai lên Bệnh viện Đa khoa Long An thăm khám và kiểm tra tổng quát.
Người anh Tú cứng đờ, chẳng thể đứng hay đi được.
Tại đây bác sĩ khuyên bà Năm nếu muốn cứu chữa cho con phải lọc máu. Bà như chết điếng, vừa thương con còn nhỏ tuổi đã mắc bệnh nặng, vừa xót xa vì không có tiền để chữa bệnh cho con. Bà nhớ lại: “Tôi nói với bác sĩ nhà nghèo, lại một mình nuôi hai đứa con nên không có nhiều tiền như thế. Bác sĩ lắc đầu và bất lực bởi thời điểm đó họ cũng không có điều kiện chi trả số tiền viện phí lớn, chẳng thể giúp đỡ được.
Thằng Tú nghe vậy ngất luôn tại đó. Bác sĩ lúc này nhận định nó bị động kinh, phải tiêm mấy mũi thuốc mới tỉnh táo lại. Sau này tôi có điều kiện đưa nó lên các bệnh viện lớn ở Sài Gòn, bác sĩ cũng chỉ chẩn đoán bị rút xương không rõ nguyên nhân”, người phụ nữ ngoài 60 tuổi xót xa.
Chấp nhận sự thật nghiệt ngã, bà Năm đành nén nỗi đau đớn vào trong, tập trung chăm sóc và làm lụng để con có cuộc sống đủ đầy. Đáng nói, anh Tú càng lớn càng gầy còm, chỉ còn da bọc xương và toàn thân cứng đờ. Anh không đi lại, không ngồi, không đứng, không thể nằm võng. Mọi vấn đề liên quan đến sinh hoạt cá nhân, ăn uống đều một tay người mẹ… lo toan.
Dẫu vậy anh vẫn nhận thức hoàn toàn bình thường.
“Nếu nó muốn đi vệ sinh, ra ngoài hiên nhà hóng nắng, tắm rửa… đều phải có tôi. Bình thường con người ta bệnh, cha mẹ chỉ cần dìu dắt là đi được, còn nó phải bế lên giống như bê khúc gỗ vậy. Nhiều lúc tôi ước cơ thể nó mềm ra một chút hoặc cơ tay chân có thể cử động nhẹ nhàng. Như thế, tôi đỡ vất vả hơn bao nhiêu”, bà Năm bộc bạch.
Cực là vậy nhưng bà Năm chưa bao giờ than nửa lời vì Tú vẫn nhận thức được mọi thứ. Bà sợ con trai biết sẽ tự dằn trách bản thân, tự thấy mình vô dụng khi “làm phiền” đến mẹ già. Bà không muốn con đã đau đớn về thể xác bao năm qua phải mệt mỏi về tinh thần thêm nữa.
Nhắc đến chuyện có ai đỡ đần hằng ngày hay không, bà Năm cười: “Chồng tôi mất sớm, một mình tôi nuôi nấng 2 đứa con. Tôi đã nếm trải đủ vị đắng cay của cuộc đời, khóc biết bao lần nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục trước số phận nghiệt ngã. Bởi vậy tôi đã quá quen với cảnh này rồi, có người giúp thì đỡ phần nào, còn không cũng chẳng kêu ca gì cả.
Tú là con trai, máu mủ của tôi nên cực sao cũng được. Tôi chỉ lo sau này chết đi, ai sẽ là người chăm lo cho nó chứ. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy sợ hãi vô cùng nhưng không nghĩ không được. Tôi phải tính trước tương lai để sau này con không bơ vơ khi mất mẹ”.
Hiện tại bà Năm sống bằng nghề nông với mức thu nhập ít ỏi, còn anh Tú được nhà nước trợ cấp 720.000 đồng/tháng. Vì thế cuộc sống của hai mẹ con vẫn còn nhiều khó khăn, mong được nhà hảo tâm giúp đỡ để cuộc sống đỡ khốn khổ trăm bề.
NGỌC HÀ