Người đàn ông Sài Gòn chi tiền tỷ mua vé số, nhiều lần trúng thưởng không thèm nhận giải

Google News

Khi được hỏi mất bao tiền để có thể sở hữu “gia sản” này, người đàn ông 62 tuổi không ngần ngại cho biết hơn 20 năm qua đã chi chừng 1-2 tỷ đồng hoặc nhiều hơn thế.

Ở TP.HCM có một người đàn ông sẵn sàng bỏ ra tiền tỷ để mua vé số không hề… trúng thưởng khiến bao người ngỡ ngàng và tò mò vì sao lại thế. Đó là chú Nguyễn Minh Đức (62 tuổi, quê Tiền Giang) – có sở thích sưu tầm vé số, sống trong căn nhà nho nhỏ ở cuối đường Pasteur (quận 3). Chú được dân chơi số ví von là “bậc thầy” sưu tầm vé số đẹp tại thành phố.

Người hàng xóm của chú Đức cho biết: “Hơn 20 năm qua, chú ấy bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng để mua lại những tờ vé số không trúng thưởng. Thậm chí có những tờ chú mua ủng hộ người bán vé số hoặc từ đại lý trúng các giải nhưng vẫn giữ lại làm kỷ niệm, không hề đi đổi thưởng. Chúng tôi có thắc mắc, chú trả lời rằng vì thấy tờ vé số quá đẹp và hi hữu nên muốn dành riêng cho bản thân”. Sau đó họ liền bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tình yêu và đam mê “chơi xổ số” của chú.

Năm 2001, chú Đức “bỗng dưng” bị thu hút bởi những tấm vé số khổ to – hình hoạ đẹp mắt. Chú đã mê mẩn, bắt đầu thú vui sưu tầm để thoả mãn sự thích thú của bản thân. “Ai không sành, không tham gia vào giới sưu tầm thì thấy những tờ vé số không trúng giải chỉ là đồ bỏ đi. Còn tôi luôn muốn lưu lại hình ảnh, kiến thức cũng như quá trình chuyển mình từ thời bao cấp đến xã hội hiện đại. Từng tờ vé số giống như dòng chảy của lịch sử vậy.

Vào thứ Hai ngày 12/10/2015, chú Đức mua 3 tờ vé số của 3 đài TP.HCM , Đồng Tháp và Cà Mau. Tất cả đều trúng giải nhưng chú không đem đi đổi thưởng.

Ban đầu tôi thấy nó đẹp nên đẹp về trưng cho vui thôi. Dần dần tôi “bén duyên” với thú vui sưu tầm vé số: từ tờ có thiết kế đẹp đến những dãy số đẹp và giờ là vé số hiếm có khó tìm”, người đàn ông gốc Tiền Giang thành thật.

Vừa dứt lời, chú Đức giải thích thêm về cơ duyên gắn liền với những tờ vé số. Chú bảo từng chứng kiến rất nhiều người bán vé số cầm cọc toàn số đẹp nhưng không bán được vì hiếm khi trúng. Vì thế chú quyết định mua ủng hộ họ và đem về giữ làm kỷ niệm. Từ đó chú có thói quen tìm mua những tờ có dãy số đẹp.

“Tôi nghĩ mình mua trúng thì đem đi lĩnh thưởng, còn trật đưa vào album làm kỷ niệm. Ngờ đâu sau này có nhiều tờ đoạt giải mà tôi cũng không đổi lấy tiền bởi thấy nó quá ý nghĩa với bản thân mình. Ví dụ như vào thứ Hai ngày 12/10/2015, tôi mua 3 tờ vé số của 3 đài TP.HCM , Đồng Tháp và Cà Mau. Tất cả đều trúng giải 7 giải 8 nhưng tôi không đem đổi bởi nghĩ phải rất hi hữu lắm mới cùng trúng. Vì thế tôi đã đưa vào cuốn album này để thi thoảng mở ra ngắm và liên tưởng đến một ngày thật đặc biệt của năm xưa”, chú Đức nhớ lại.

Ngoài ra, có rất nhiều tờ vé số đoạt giải nhưng chú Đức không đem đi đổi thưởng. Chú còn “sở hữu” nhiều tờ có dãy số rất đẹp, như 456789; 414141; 333333; 999999; 000000… Tất cả được chú lưu trữ trong những cuốn album, chất thành chồng cao gần nửa người.

Chú Đức “sở hữu” nhiều tờ có dãy số rất đẹp, như 456789; 414141; 333333; 999999; 000000…

“Vì nhà nhỏ, tôi không mua tủ hay lồng kính để trưng bày cho nhiều người có thể nhìn thấy. Tôi đành để trong này ngắm một mình. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng vé số đẹp mà tôi đang có vào khoảng vài trăm nghìn tờ”, chú Đức nói.

Khi được hỏi mất bao tiền để có thể sở hữu “gia sản” này, người đàn ông 62 tuổi không ngần ngại cho biết hơn 20 năm qua đã chi chừng 1-2 tỷ đồng hoặc nhiều hơn thế nữa. Vì đam mê, chú sẵn sàng “vung tiền” mà không thấy tiếc nuối.

Nhắc đến chuyện giữ hàng trăm nghìn tờ vé số như thế liệu có nhớ được từng kiểu vé hay lý do mua hay không, chú Đức cười: “Có chứ! Tôi làm sao mà quên được vì tự tay lựa chọn và rút tiền ra mua mà.

Đây là bộ số quý nhất, được tôi ghi chú “taxi”. Nếu tính riêng ở Sài Gòn, nó là bộ có một không hai. Sở dĩ tôi ghi “taxi” bởi là từ của riêng dân chơi số gọi. Theo đó những vé số có dãy số đi theo cặp giống số xe taxi. Bộ số taxi của tôi chạy dài từ 1 cho đến 100”.

Lật từng trang album không khó để nhận ra có những tờ vé số chỉ được phát hành ngoài Bắc hoặc miền Trung. Và để sở hữu được chúng, chú phải bỏ tiền nhờ người quen săn lùng giúp.

Lật từng trang album không khó để nhận ra có những tờ vé số chỉ được phát hành ngoài Bắc hoặc miền Trung.

Cũng theo chú Đức, việc sưu tầm vé số đem lại rất nhiều “lợi ích”. Ví dụ như chú có cơ hội kết nối với nhiều dân chơi số và các mối quan hệ. Từ đó công việc làm ăn của chú cũng khởi phát hơn trước rất nhiều.

Đặc biệt thông qua từng tờ vé số, chú Đức cảm nhận được hơi thở và nhịp sống thành phố trong các thời kỳ chính trị – xã hội – kinh tế khác nhau. Thậm chí có những tờ vé số như là “chứng nhân” của các sự kiện lịch sử quan trọng. Ví dụ như tờ vé số phát hành ngày 27/4/1975 mà chú sưu tầm được –  ngày phát hành cuối cùng của vé số dưới chế độ Sài Gòn cũ.

NGỌC HÀ