Người đàn ông tử vong do nhiễm "vi khuẩn ăn não người" - bệnh 100 người nhiễm chỉ 3 người sống sót

Google News

Hàn Quốc thông báo vừa ghi nhận ca đầu tiên tại nước này nhiễm Naegleria fowleri - một loại ký sinh trùng thường được gọi là "amip ăn não".

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đưa thông báo ngày 26/12 cho biết, nam bệnh nhân là một người đàn ông 50 tuổi, về Hàn Quốc ngày 10/12 sau 4 tháng ở Thái Lan. Ông được đưa vào viện ngày 11/12 và qua đời hôm 20/12. 

Vi khuẩn ăn não người - Naegleria fowleri - là một loại amip thường được tìm thấy ở các hồ, sông, kênh và ao nước ngọt trên khắp thế giới. Đây là sinh vật ưa nhiệt, thích nước ấm và phát triển tốt ở nhiệt độ cao. Nó rất nhỏ, chỉ quan sát được bằng kính hiển vi. 

Một người có thể nhiễm vi khuẩn này khi hít phải nước chứa amip, khi bơi, lặn ở các hồ nước ngọt hoặc sử dụng nước máy ô nhiễm để vệ sinh mũi. Một số trường hợp, khá hiếm gặp, còn bị nhiễm từ nước bể bơi thiếu clo. Vi khuẩn xâm nhập qua đường mũi rồi đi đến não, phá hủy mô và gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng gọi là viêm màng não do amip nguyên phát (PAM). Hầu hết các trường hợp sẽ tử vong.

Khi người nhiễm vi khuẩn, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm màng não do amip nguyên phát giống với viêm màng não do vi khuẩn, gồm đau đầu, sốt, buồn nôn hoặc nôn. Những biểu hiện khởi phát vào khoảng ngày thứ 5 sau khi nhiễm bệnh. Một số triệu chứng sau đó gồm cứng cổ, lú lẫn, thiếu tập trung, co giật, ảo giác và hôn mê. Bệnh thường tiến triển nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 5 ngày, với tỷ lệ trên 97%.

Do tình trạng hiếm gặp và tiến triển nhanh, việc xác định phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh này rất khó khăn. Các bác sĩ thường sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc như amphotericin B, azithromycin, fluconazole, rifampin, miltefosine và dexamethasone.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, tỷ lệ lây truyền Naegleria fowleri từ người sang người là thấp. Dù vậy, cơ quan này vẫn yêu cầu người dân địa phương hạn chế bơi lội ở những khu vực bùng phát dịch bệnh.

(Tổng hợp)

Ăn hai miếng món đồ đặc sản, người phụ nữ Quảng Ninh nóng tê lưỡi, khó thở rồi nguy kịch

Bác sĩ Trần Công Cẩn - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy thông tin mới tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân tên Hoàng Thị Ánh (53 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) phải nhập viện trong tình trạng tím tái, nhịp tim chậm, suy hô hấp. Trước khi nhập viện một giờ, bệnh nhân ăn hai miếng gan cá nóc và xuất hiện tình trạng tê nóng lưỡi, môi, tê tay chân, khó thở nên được người nhà đưa đi cấp cứu.

Ngay khi xác nhận tình trạng bệnh nhân nguy kịch, suy hô hấp cấp do ngộ độc cá nóc, các bác sĩ nhanh chóng đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày khẩn cấp, sử dụng than hoạt, hồi sức tích cực theo phác đồ để thải độc tố nhanh chóng. Sau 24h điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo qua cơn nguy kịch, được rút ống nội khí quản.

Sau khi thoát “cửa tử”, nữ bệnh nhân cho biết bản thân biết cá nóc có độc tố nhưng trước đây khoảng chục năm đã từng chế biến và ăn thịt cá nóc mà không xảy ra vấn đề gì. Lần này chỉ ăn hai miếng gan cá đã cảm thấy tê lưỡi, môi, chóng mặt, choáng váng.

Người phụ nữ suýt mất mạng sau khi ăn 2 miếng gan cá nóc. 

Theo bác sĩ Cẩn, bệnh nhân Ánh bị ngộ độc chất tetrodotoxin trong cá nóc rất điển hình. Loại chất độc này tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tính gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh chỉ trong vòng vài phút sau khi ăn cá nóc. Bệnh nhân sẽ có các biểu hiện: Rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân; mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng; cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực; vã mồ hôi; tiết nước dãi, sùi bọt mép; nói khó, nuốt khó; mặt ửng đỏ; đau bụng, buồn nôn, nôn; run giật; cứng hàm, cứng lưỡi; chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.

Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong.

“Tình trạng ngộ độc cá nóc xuất hiện và chuyển nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chuyển đến bệnh viện xử trí cấp cứu kịp thời. Thực tế, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong trên đường đi cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế”, bác sĩ Cẩn cảnh báo.

Gan cá nóc là bộ phận chứa rất nhiều độc tố nguy hiểm, có thể gây chết người. 

Theo nghiên cứu y khoa, thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Độc tố trong nó độc tới mức chỉ cần ăn khoảng 10g thịt cá nóc có độc tố sẽ bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim... với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Chỉ từ 1-2mg độc tố cũng có thể gây chết người.

Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong sáu giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút, độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá hủy hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường, độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn cá nóc khô, tươi; không chế biến, không bán, không sử dụng các sản phẩm từ cá nóc như: chả, bột cá nóc; loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kì hình thức nào; không ăn các loại hải sản mà không rõ nguồn gốc và độc tính.

Nếu phát hiện người bị ngộ độc do ăn cá nóc với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi… nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời.

(Theo Đời sống Tri thức Cuộc sống)

Người phụ nữ Bắc Ninh 13 năm lao đao vì đi tiểu khác thường, tốn cả trăm triệu chữa trị tứ phương

Bà Hoàng Thị Ba (66 tuổi, ở Bắc Ninh) vừa trải qua một tuần phẫu thuật vì gặp phải vấn đề ở đường tiết niệu. Bà chia sẻ, suốt 13 năm qua kể từ lần đầu xuất hiện tình trạng nước tiểu có màu lạ, đến nay bà mới được phở phào nhẹ nhõm.

Năm 2009, bà Ba một lần giật mình khi phát hiện nước tiểu của mình ra toàn màu trắng như sữa, có lúc có màu hồng đỏ như lẫn máu. Bà lo lắng đi khám tại địa phương, các bác sĩ cho điều trị bằng kháng sinh vì chẩn đoán bà bị viêm đường tiết niệu.

Điều trị không đỡ, bà đến hai bệnh viện lớn ở Hà Nội khám và được chẩn đoán bị “đái ra dưỡng chấp” (một loại dưỡng chất trong cơ thể). Khi đó, bà cũng chỉ được điều trị kháng sinh và bơm nitrat bạc rồi cho về. Chỉ được một thời gian, tình trạng trên lại tái phát, đi viện các bác sĩ cũng chỉ điều trị bằng cách dùng thuốc và bơm bít lỗ dò dưỡng chấp chứ không xử lý triệt để được.

“Tôi khổ sở vì tình trạng này, có lần nước tiểu như nước vo gạo, có lần thì dây dây thành sợ dài, để lâu đặc lại như mỡ. Cao điểm, có những lần đi tiểu ra những viên như thạch khiến tôi sợ hãi”, bà Ba kể. 

Hình ảnh nước tiểu bà Ba trước (bên trái) và sau khi phẫu thuật (bên phải) 1 tuần. Ảnh: BSCC.

Đáng chú ý vì gặp tình trạng này nên quá trình ăn uống của bà Ba cũng phải kiêng khem rất nhiều. Theo lời bà kể, mỗi bữa dù thèm nhưng bà chỉ ăn 3 miếng thịt nạc, không dám ăn mỡ, uống sữa, chỉ ăn đồ luộc và hoa quả. May mắn là cân nặng của người phụ nữ này không bị tụt quá nhiều. “Tôi tiếc nhất là mất số tiền lên đến gần 100 triệu đồng đi chạy chữa khắp nơi, cả đông và tây y mà không khỏi. Gần đây đọc thông tin trên mạng tôi đã tìm đến Bệnh viện E và được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật để điều trị”, bà Ba chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E Trung ương) cho biết, trường hợp này khi vừa vào khám các bác sĩ đã lập tức cho nhập viện vì tình trạng đái ra dưỡng chấp rất rõ ràng. Sau khi tiếp nhận, thay vì điều trị bằng cách bơm nitrat bạc để bít các lỗ dò dưỡng chấp, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi, bóc toàn bộ bạch mạch (mạch bạch huyết) cho người bệnh. Hiện sau mổ 1 tuần bệnh nhân ổn định và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Khi đi tiểu thấy màu sắc nước tiểu có vấn đề cần đi khám sớm để phát hiện nguyên nhân và có biện pháp điều trị hợp lý. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Liên cho biết, trước đây, bệnh đái dưỡng chấp khá thường gặp, hiện nay ít hơn. Nguyên nhân gây bệnh là do giun chỉ hoặc có thể do tai nạn, chấn thương… khiến dò dưỡng chấp. “Bình thường dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết, thành phần chủ yếu là triglycerid, phospho lipid, cholesterol tự do. Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là do có lỗ rò (chủ yếu do giun chỉ) từ hệ thống bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu”, bác sĩ Liên cho hay.

Bệnh thường không có biểu hiện gì hoặc có thể sốt nhẹ nếu có nhiễm khuẩn. Biểu hiện đầu tiên là nước tiểu đục như sữa. Đái dưỡng chấp thường xuất hiện từng đợt, có thể tự ổn định. Bệnh nhân đái dưỡng chấp có thể trạng gầy tùy theo mức độ đái ra dưỡng chấp nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, không gặp tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu: không đái dắt, không đái buốt, không đau quặn thận.

Để phòng bệnh, mọi người cần ăn uống vệ sinh, đặc biệt là ngủ mắc màn vì giun chỉ lây qua muỗi đốt. Ngoài ra, nên tẩy giun định kỳ theo khuyến cáo. Khi có bất thường về màu mắc nước tiểu cần đến nay viện để được thăm khám kịp thời. 

* Tên các bệnh nhân đã được thay đổi

LÊ PHƯƠNG.