Ngôi mộ đặc biệt tại nghĩa trang ở lưng chừng đồi
Dù đang là thời điểm mùa đông lạnh giá và giáp Tết nhưng chị Nguyễn Thị Định hàng ngày vẫn cần mẫn có mặt tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (ở Lương Sơn, Hòa Bình) từ 7h sáng, chuẩn bị dụng cụ để đi chăm sóc mộ phần cho những người đang an nghỉ tại đây. Một mình chị phụ trách khoảng 200 phần mộ, công việc hàng ngày là cắt cỏ, nhặt lá, tỉa và tưới cây cho các khuôn viên, phần mộ.
Vài năm làm giúp việc cho người đã khuất, ban đầu chị Định còn có cảm giác hơi “gai người” khi bước vào nghĩa trang, nhưng làm mãi thành quen, thậm chí thi thoảng chị còn “nói chuyện” với người đã khuất. “Khi chăm sóc mộ phần cho các cụ, tôi phải nói chuyện, xin phép các cụ trước. Rồi quá trình làm lại cầu mong các cụ phù hộ để công việc được thuận lợi, cuộc sống gặp nhiều may mắn”, chị Định chia sẻ.
Mộ phần của gia đình chị Minh nằm ở lưng chừng đồi, tại nghĩa trang ở tỉnh Hòa Bình.
Chị Định hàng ngày giúp việc, chăm sóc mộ phần cho gia đình.
Tại khu vực chị Định phụ trách, có một khuôn viên mộ phần mà chị đặc biệt chú ý, đó là mộ của gia đình các nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17 từng gây rúng động dư luận một thời. Chị Định chia sẻ, khuôn viên mộ phần ở lưng chừng đồi, trước đây khuôn viên này chỉ có 3 mẹ con tử vong trong vụ rơi máy bay, sau đó người chồng (đã mất từ trước vụ tai nạn) cũng được chuyển lên để cả gia đình được đoàn tụ.
“Bao năm làm việc ở đây, tôi cảm nhận được tình cảm của mọi người dành cho gia đình họ. Hầu như ai đi viếng mộ qua cũng dừng chân lại thắp cho gia đình một nén nhang thơm”, chị Định tâm sự.
Chị Định cẩn thận lau rửa từng cái chén, chăm sóc từng ngọn cỏ trong khuôn viên.
Giới thiệu với chúng tôi, người phụ nữ này cho rằng, có lẽ đây là phần mộ đặc biệt nhất ở nghĩa trang khi di ảnh đặt tại đây có đủ cả 4 người, hơn thế nữa tất cả đều cười rất tươi và hạnh phúc. Phần mộ của Nguyễn Ngọc Minh và chồng là anh Đặng Quốc Thắng chồng chị (mất từ năm 2013) ở vị trí chính giữa, bên trái là cháu Đặng Minh Châu, bên phải là cháu Đặng Quốc Duy. “Họ là một gia đình, đoàn tụ với nhau nhưng ở nghĩa trang. Gương mặt của họ đang cười, ánh mắt sáng trong như không có bất cứ nỗi đau nào đến với thế giới của họ”, người phụ nữ chia sẻ.
Chính vì đặc biệt như vậy nên mỗi khi xong việc ở các ngôi mộ khác, chị Định lại bớt chút thời gian ra ngôi mộ này, nhặt những cây cỏ héo rồi cứ nhìn vào di ảnh của họ, nước mắt lại rơi. Theo chị, người thân của gia đình chị Minh vẫn thường xuyên lên thăm mộ, lần nào tới họ cũng day dứt không muốn về, khiến những người giúp việc như chị cảm thấy thương tiếc, xót xa hơn.
Ngày Tết đang cận kề, người đi viếng mộ nhiều hơn và hành động nhỏ của họ khi nán lại thắp nén hương thơm cho gia đình chị Minh cũng khiến người mất được an ủi phần nào.
Với chị Định, khi nhìn thấy bát hương của gia đình đặc biệt này luôn có những nén hương mới được thắp, chị cũng thấy ấm cúng và gắn bó hơn với công việc mình đang làm.
Ai qua khu mộ của gia đình nạn nhân trong vụ rơi máy bay cũng đều nán lại thắp nén hương, chia sẻ nỗi đau với người đã khuất.
Đêm về ngủ mơ thấy mình đang trên mộ
Giống như chị Định, Nguyễn Thu Hiền (36 tuổi) và chị Hà Thị Hồng (44 tuổi) có thâm niên làm việc tại nghĩa trang đến cả chục năm trời. Các chị chia sẻ rằng, để làm được công việc này phải có cái “duyên”, bởi nhiều người chỉ nghe tên đã sợ, chẳng dám bước chân vào.
Chị Hiền chia sẻ, ban đầu mới làm việc chị cũng sợ lắm, một tháng đầu tiên chị nhiều đêm ngủ mơ đang làm việc trong nghĩa trang. Nhưng rồi chị tự trấn an mình rằng mình làm việc tốt, chẳng ăn cắp ăn trộm gì thì sao phải sợ và rồi mọi thứ trôi qua, chị cũng dần quen với công việc này.
Ban đầu khi đến làm việc tại nghĩa trang, đa số mọi người đều có cảm giác sợ hãi, lo lắng.
Điều chị Hiền lo lắng nhất chính là ánh mắt của người đời khi nhìn vào công việc mình đang làm. “Với người thân thì không ai nói gì, nhưng với người không hiểu chuyện họ ngại tiếp xúc với mình, tết nhất thậm chí còn tránh vì kiêng gặp người làm việc ở nghĩa trang. Lúc đầu tôi hơi chạnh lòng, nhưng mãi rồi cũng quen”, chị Hiền chia sẻ.
Còn với chị Hà Thị Hồng, chính công việc này đã làm cho chị thay đổi suy nghĩ cố hữu bấy lâu nay về việc chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa cho những người đã khuất. “Hiện nhiều nơi vẫn có quan niệm dọn mộ phần phải đợi đến ngày hay dịp thanh minh, tảo mộ nhưng điều đó là không đúng, bởi nơi ở của các cụ cũng như nhà cửa của mình. Nếu hỏng thì phải sửa, có cỏ rác hay cây cối um tùm thì phải dọn dẹp, chứ không thể ngồi đợi đến ngày, tới dịp mới đến dọn được”, chị Hà Thị Hồng chia sẻ.
Càng những ngày Tết và giáp Tết, những người làm công việc như chị Hồng càng phải gấp rút, cẩn thận và chu đáo hơn.
Dù làm giúp việc cho người đã mất, những người như chị Hồng, chị Hà, chị Định vẫn phải có lịch trực làm việc trong cả dịp Tết. Thậm chí, đợt Tết Dương lịch vừa rồi các chị còn làm việc xuyên Tết vì nhiều gia đình đến thắp hương, do vậy mình càng phải làm việc, dọn dẹp sạch sẽ, chu đáo các mộ phần hơn.
“Mỗi người mỗi việc, với chúng tôi làm công việc này ngoài cái duyên thì đó còn là trách nhiệm với những người đã khuất. Hơn thế nữa, làm việc này phải thật thà, phải có tâm sáng mới làm được, vì chúng ta có thể dối trá với người sống chứ không thể làm vậy với người đã khuất”, chị Hồng tâm sự.
LÊ PHƯƠNG.