Người phụ nữ 72 tuổi một mình nuôi 6 cháu ngoại, lý do khiến tất cả xót xa

Google News

“Người ta bảo tôi tại sao phải đùm bọc cháu ngoại, không trả về nội. Tôi cười bảo cháu nào cũng là cháu mình nhưng trong lòng xót xa lắm. Tôi thương đám nhỏ, còn bé đã phải chịu cảnh không cha không mẹ, không có tình thương mẫu tử", bà Bảy tâm sự.

Ở Đồng Tháp có người phụ nữ ngoài 70 tuổi vẫn sống cảnh khốn khổ, chăm sóc “đàn” cháu ngoại khiến không ít người xót thương. Đó là bà Phan Thị Bé (73 tuổi, hay còn gọi là bà Bảy). “Thương lắm! Lẽ ra ở tuổi đó, bà Bảy được các con phụng dưỡng và ân cần chăm sóc. Vậy mà bà phải nai lưng đi làm, kiếm vài đồng bạc lẻ nuôi mấy đứa cháu lớn khôn.

Nhiều người không rõ, cứ ngỡ bà tự lấy khổ buộc vào mình nhưng chẳng phải đâu. Hoàn cảnh như vậy, bà ấy phải chấp nhận, không còn sự lựa chọn nào khác cả”, thím Năm Hữu – một người hàng xóm của gia đình bà Bảy cho hay.

Sau đó người phụ nữ chỉ đến nơi ở của bà Bảy. Căn nhà nằm ngay đường lớn, phía trước chất đầy củi và đống ve chai, bên trong chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ cùng vài ba tải quần áo được người ta cho.

“Nhà của tui (tôi – PV) nhưng không phải tui tự bỏ tiền xây dựng đâu. Tôi nghèo làm gì có điều kiện chứ. Nhà này là nhà tình thương của nhà nước tặng đó. Họ thấy tôi đã lớn tuổi, cứ ở mãi trong căn nhà lá rách nát, lại phải nuôi 6 đứa cháu ngoại, vì thế đã giúp đỡ. Tôi luôn biết ơn chính quyền, nếu không có họ chắc chẳng bao giờ được sống trong căn nhà khang trang như thế này”, người phụ nữ 72 tuổi rưng rưng.

Bà Bảy nhóm lửa nấu cơm cho các cháu.

Bà Bảy vốn là người phụ nữ miền Tây chân chất và hiền lành. Bà lấy chồng không lâu thì chồng qua đời, một mình nuôi các con lớn khôn với hi vọng sau này chúng có thể làm chỗ dựa cho bà toan về già. Vậy mà, bà chưa kịp hưởng ngày hạnh phúc, đã điếng người nghe tin con gái bỏ chồng.

“Nó bỏ chồng cũng được bởi không phải cuộc hôn nhân nào cũng đáng cố gắng. Song con gái tôi không như người ta, ly hôn xong liền cưới chồng mới, bỏ lại 6 đứa con cho tôi chăm sóc đến tận giờ. Tôi có nói nó hãy suy nghĩ thật kỹ vì nhanh vội như vậy sẽ chẳng thể bền vững. Nó không nghe, một mực làm theo ý mình. Nó chẳng nghĩ đến mẹ già, cũng không thương lũ trẻ do chính nó sinh ra”, bà Bảy tâm sự.

Không khuyên được con, bà Bảy đành “bấm bụng” nuôi 6 đứa cháu ngoại ở cái tuổi cao này. Bà cố gắng làm lụng: đi nhặt ve chai để có tiền nuôi cháu ăn học. Thậm chí ai thuê làm công việc chân tay, bà cũng đồn hết sức mình để hoàn thành, lấy vài chục nghìn mua gạo mua rau về nấu cho các cháu ăn.

“Người ta bảo tôi tại sao phải đùm bọc cháu ngoại, không trả về nội. Tôi cười bảo cháu nào cũng là cháu mình nhưng trong lòng xót xa lắm. Tôi thương đám nhỏ, còn bé đã phải chịu cảnh không cha không mẹ, không có tình thương mẫu tử. Vì thế tôi luôn dành điều tốt đẹp cho chúng, như đề bù đắp những thiếu thốn đó”, bà Bảy thành thật.

Nhắc đến chuyện vì sao con rể cũ không nuôi lũ trẻ, bà Bảy cho biết vì một số lý do tế nhị nên cha của các cháu bà đã không nuôi con. Người này thi thoảng vẫn đến thăm con, dù không trợ cấp hay phụ giúp bà nuôi con.

Bà mưu sinh kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai.

Cũng theo bà Bảy, trong số 6 cháu ngoại đã có 3 đứa trưởng thành, có thể đi làm kiếm tiền phụ bà nuôi em. “Đứa lớn cũng hơn 2 chục tuổi lận. Nó đi làm rồi hàng tháng đưa tiền cho tôi mua cái ăn cho các em. Nó hiểu chuyện và thương ngoại, thương em lắm. Còn hai đứa kế cũng đi làm, thậm chí còn thuê trọ ở với nhau để tiện cho công việc. Cuối tuần chúng lại chạy về thăm ngoại thăm em. Nhìn chúng trưởng thành và biết nghĩ như thế, tôi thấy bản thân mình được an ủi phần nào. Thôi thì không nhờ được con, mình nhờ cháu”, người phụ nữ miền Tây tâm sự.

Ba đứa út đã đến tuổi đi học nhưng hiện vẫn chưa được đến trường. Trước đó chúng được con gái út của bà Bảy lo tiền ăn học. Song kinh tế khó khăn, con gái bà làm ăn không được nên không kham nổi. Vì thế chúng đành ở nhà với ngoại, phụ việc lặt vặt.

Hiện bà Bảy vẫn đi nhặt ve chai bán lấy tiền nuôi cháu ngoại. Thi thoảng người ta thường sẽ biếu bà cân gạo, gói bánh gói kẹo hoặc chai dầu ăn, miếng thịt lợn… Khi ấy bà sẽ đem về nấu món ngon cho lũ trẻ ăn để cải thiện bữa.

Chia sẻ ước mơ tương lai, bà Bảy thật thà: “Phần số của tôi khổ, chắc đến chết vẫn chưa hết. Vì thế tôi chẳng cầu ước gì cho bản thân cả. Tôi sống đến tuổi này, nếm đủ mọi đắng cay cuộc đời rồi, có thêm vài năm nữa cũng không sao.

Điều tôi trăn trở nhất là lũ trẻ. Chúng không được đi học, lại còn bé bỏng. Tôi sợ tôi nằm xuống chúng bơ vơ, không nơi nương tựa. Khi đó chúng tội lắm”.

NGỌC HÀ