Người phụ nữ Hà Nội bị "shipper rởm" lừa 2 lần mới ngã ngửa, Á hậu Tú Anh từng bị chính đối tượng này lừa đảo

Google News

Khi xuống sảnh gặp lễ tân, chị H. ngã ngửa khi biết không hề có chuyện shipper gửi 2 đơn hàng cho chị tại đó.

Lợi dụng hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng, các đối tượng tội phạm mạng đã triệt để sử dụng sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người tiêu dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Điển hình như hình thức lừa đảo ship COD – dịch vụ vận chuyển sẽ ứng số tiền hàng cho người bán khi nhận hàng và thu lại tiền của người mua khi giao.

Chị H. (34 tuổi) – hiện sinh sống tại khu đô thị cao cấp tại Hà Nội cho biết: “Gần 9h sáng ngày 10/10, tôi nhận được cuộc gọi từ số di động 097.428.9910 tự xưng là người giao hàng, yêu cầu xuống sảnh toà nhà – nơi làm việc nhận một món hàng.

Tôi khi đó đang ở mặt sau toà nhà, chưa kịp về để lấy hàng ngay lập tức. Người này liền đề nghị sẽ gửi lễ tân toà nhà, đồng thời yêu cầu tôi phải chuyển khoản 410.000 đồng – giá trị của gói hàng. Tôi nghĩ do họ bận giao các đơn khác đúng giờ nên đồng ý hình thức gửi hàng rồi chuyển khoản”.

Cuộc trò chuyện giữa chị H. và shipper dởm.

Chị H. đã chuyển số tiền 410.000 đồng vào số tài khoản 19033732206969, Ngân hàng Techcombank, tên chủ thẻ Pham Van Tung. Chị vừa thông báo với shipper đã chuyển khoản liền nhận được tin nhắn: “Chị ơi! Em nhầm đơn của chị là 740.000 đồng. Chị chuyển khoản thêm giúp em 330.000 đồng”.

Lúc này chị H. liền thắc mắc gói hàng shipper giao là của cửa hàng nào. Song hắn giải thích rằng đó là đơn quần áo, không để ý tên cửa hàng gửi. Chị không mảy may suy nghĩ, liền chuyển nốt số tiền còn lại vào số tài khoản trên.

Gần 12h trưa cùng ngày, đối tượng tiếp tục nhắn tin cho chị H. yêu cầu chuyển 899.000 đồng vào số tài khoản ban đầu. Chị liền yêu cầu chụp giúp tem để xác thực xem bản thân đã đặt món hàng nào. Song hắn lý do máy còn 5% pin nên không chụp được.

Tôi cứ ngỡ họ là shipper chân chính nên nhắn lại rằng lát sẽ chuyển, thậm chí còn động viên yên tâm. Sau đó tôi có chuyển cho họ 899.000 đồng, tổng 2 đơn là 1.639.000 đồng mà không hề nghĩ bản thân đã bị lừa.

Tầm một tiếng sau, họ tiếp tục yêu cầu tôi chuyển khoản đơn thứ 3. Lúc này tôi thấy có vấn đề nên nói rằng sợ không đặt mà người bán tự chuyển, khi nào xong việc sẽ về kiểm tra hàng ở lễ tân rồi chuyển khoản sau.

Họ thấy vậy liền trấn an tôi rằng có vấn đề gì cứ gọi họ. Họ đã bấm hoàn thành đơn, không đúng có thể đổi trả. Họ còn trách tôi: “Chị bảo em để vào sảnh lễ tân rồi chuyển khoản. Giờ em bấm hoàn thành đươn chuyển khoản rồi. Chị chuyển khoản để em hoàn thành COD với bên kho. Nếu không em bị trừ lương”.

Tôi giải thích rằng chỉ bảo 2 đơn ban đầu như vậy, còn đơn thứ 3 không nói vậy. Tôi phải kiểm tra xem sao. Tôi cũng thắc mắc vì sao có pin để nhắn cho tôi nhiều như thế mà không chụp được cái tem”, chị H. kể.

Khi xuống sảnh gặp lễ tân, chị H. ngã ngửa khi biết không hề có chuyện shipper gửi 2 đơn hàng cho chị tại đó. Chị chợt nhận ra bản thân đã rơi vào cạm bẫy của các đối tượng lừa đảo. “Tôi bị lừa hơn 1.6 triệu đồng – một số tiền không hề lớn so với các hình thức lừa đảo khác. Song tôi muốn nhắn nhủ đến dân văn phòng, nhất là chị em thường xuyên đặt hàng online nên cẩn trọng khi shipper đề nghị gửi đồ vào lễ tân, sau đó sẽ nhận tiền thông qua chuyển khoản. Tốt nhất, mọi người nên xuống tận nơi để nhận – kiểm hàng rồi thanh toán”, người phụ nữ Hà Nội nói.

Sáng 11/10, Á hậu Dương Tú Anh bất ngờ cảnh báo bạn bè, người hâm mộ để ý số điện thoại 097.428.9910  – số tài khoản 19037077830016, Ngân hàng Techcombank, chủ thẻ Le Chi Duc. Người đẹp từng bị lừa một lần, nên lần này may mắn tỉnh táo kiểm tra lại với các anh bảo vệ.

Á hậu Tú Anh từng bị chính đối tượng lừa đảo chị H. lừa đảo.

Có thể thấy, cả chị H. và Á hậu Dương Tú Anh cùng bị một số điện thoại lừa đảo với cùng chiêu thức nhưng số tài khoản đối tượng sử dụng khác nhau.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của những thủ đoạn lừa đảo mới thông qua việc mua sắm điện tử, giao hàng… Nếu không cẩn trọng, người dùng sẽ rất dễ bị lừa đảo.

Các chuyên gia cũng nhận định, người dân cần đặc biệt cảnh giác, không nên nhận hộ hàng và thanh toán, luôn cần gọi điện cho chính chủ để kiểm tra lại thông tin, mã hàng hóa giao dịch thật chính xác, để tránh kẻ gian lợi dụng.

NGỌC HÀ