Câu chuyện về gia đình anh Ve, chị Tuyền (Đồng Tháp) nhặt bé gái sinh non bị vứt trong bụi tre về nuôi dưỡng từng khiến bà con lối xóm không khỏi xôn xao. Đó là 6 năm trước, chị Tuyền đã ôm về một bé gái sinh non chỉ nặng vỏn vẹn 800gram, bị kiến bâu khắp người. Thấy đứa bé tội nghiệp, chị quyết định nhận nuôi dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn.
Nhân duyên đã đưa bé đến với gia đình ba mẹ nuôi
Nhớ lại ngày định mệnh năm xưa khi lần đầu tiên nhìn thấy con gái nuôi, chị Tuyền (năm nay 38 tuổi) vẫn còn xúc động. Chị kể khi ba chị đi ngang qua bờ đê gần khu vực cửa khẩu Dinh Bà, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia bỗng phát hiện một bé gái bị bỏ rơi ở bụi tre. Ông liền chạy về gọi con gái qua phụ bế đứa trẻ đưa đến trạm y tế xã.
“Khi đó, trông nó tội nghiệp lắm. Người ta quấn khăn quanh người nó, dây rốn còn dính máu, kiến bâu xung quanh và bên cạnh có một hộp sữa. Lúc bế đến trạm y tế mới được tắm rửa sạch sẽ, cân lên nó nặng có 8 lạng, bé xíu xiu”, chị Tuyền kể lại.
Chị Tuyền và con gái nuôi
Ngay sau đó, chị Tuyền có thông báo đến chính quyền địa phương để tìm người thân cho bé gái. Vậy nhưng sau 7 ngày vẫn không có ai đến nhận, chính quyền quyết định tìm người nhận nuôi.
Về phía gia đình chị Tuyền, lúc đó rất nghèo, anh chị làm nghề bán vé số mưu sinh, ở nhà đã có một cô con gái bị bệnh nặng. Chị Tuyền suy nghĩ mãi về việc có nên nhận nuôi bé nhưng sợ không thể chăm sóc chu đáo, chị đành gửi bé vào một ngôi chùa gần đó. Tại đây, sư thầy đã đặt tên cho bé gái là Bảo Ấn.
Vài ngày sau, chị Tuyền vẫn cảm thấy áy náy. Nghĩ không đành lòng để bé ở chùa nên anh chị đã quyết định quay trở lại đón Bảo Ấn về nuôi. “Nó đã bị người ta bỏ rơi một lần, giờ tôi mà bỏ nó lại nữa thì tội lắm. Chồng tôi cũng bảo, thôi đã lỡ lượm rồi thì nuôi luôn đi, vợ chồng mình cùng làm cùng nuôi", chị Tuyền chia sẻ.
Kể từ ngày đó, gia đình nhỏ có thêm một thành viên, bé Bảo Ấn được nuôi dưỡng trong tình yêu thương của ba mẹ. Hàng xóm biết hoàn cảnh của anh chị nên cũng thường cho sữa, cho quần áo để đỡ đần được chút nào hay chút đó.
"Hồi đó, tôi lấy thìa bón từng muỗng sữa cho con vì con quá nhỏ, không thể tự bú bình. Sau 1 tháng, con phát triển khỏe mạnh, lên được 1,2 ký. Tôi vẫn nói với chồng rằng cuộc sống cực thật nhưng tôi thương vô bờ bến", chị Tuyền tâm sự.
Thành quả sau 6 năm cả gia đình cố gắng vì nhau
Bảo Ấn năm nay đã 6 tuổi, được ba mẹ cho đi học như các bạn cùng trang lứa. Cô bé có làn da bánh mật khỏe khoắn, đôi mắt to tròn thông minh, đặc biệt là rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nghe lời ba mẹ và thương chị gái bị bệnh.
Chị Tuyền kể, Bảo Ấn đã biết phụ mẹ nhiều công việc nhà. Bé vừa là em, vừa là người bầu bạn với đứa con gái ruột đang bị bệnh của chị. Ngoài lúc đi học, cứ về nhà là Bảo Ấn luôn ở cạnh chăm sóc, lấy thuốc cho chị uống, trò chuyện với chị mỗi ngày.
Bảo Ấn bên cạnh ba nuôi và chị gái
“Bảo Ấn thương chị lắm, thương ba mẹ nữa. Mà nó hồn nhiên lắm, Bảo Ấn biết ba mẹ còn nghèo nên luôn ước ba mẹ giàu hơn, có nhà lầu xe hơi để ba mẹ bớt khổ. Con bé ước cho mẹ nó có nhiều đồ mới, quần áo mới cho cả nhà nữa”, chị Tuyền nở nụ cười hạnh phúc.
Gia đình chị Tuyền đang sống trong căn nhà do hội tình thương xây dựng. Trước đây, trong nhà chỉ có duy nhất 1 phòng ngủ, không có phòng vệ sinh. Hàng ngày, cả nhà phải đi vệ sinh ké bên nhà nội. Mỗi khi trời mưa, nước dột xuống ướt cả chỗ nằm. Hiện tại, các nhà hảo tâm đã chung tay, góp sức để sửa chữa lại căn nhà khang trang hơn và có phòng vệ sinh.
Căn nhà mới của cả gia đình
Hàng ngày chị Tuyền đi bán vé số, mỗi bữa được khoảng 150 - 200 tờ. Còn anh Ve đi làm thuê, ai mướn gì làm đó. Số tiền họ kiếm được không đáng bao nhiêu nhưng đủ để lo cho 2 con gái nhỏ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bù lại, anh Ve và chị Tuyền có 2 cô con gái ngoan ngoãn, hiếu thảo. Với chị Tuyền, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai, anh chị vẫn luôn động viên nhau cố gắng chăm sóc, dạy dỗ các con nên người.
Đón nhận tình cảm và sự yêu thương từ cộng đồng, chị Tuyền vô cùng xúc động. Cũng có nhiều người động viên chị, sau này Bảo Ấn khôn lớn sẽ báo đáp ân tình của vợ chồng chị, nhưng với người mẹ ấy, chuyện báo đáp công ơn chẳng quan trọng. Chị chỉ mong con nên người, còn bản thân chị thì “làm phước cho con và luôn coi con là ruột thịt”.
Nguồn: Bùi Hồ TV
THẢO ANH