Nhiều người xúc động không kìm được nước mắt trong Đại lễ Vu Lan báo hiếu: “Khi nhận ra lỗi lầm thì cha đã đi xa”

Google News

Trong buổi lễ Vu lan báo hiếu, rất nhiều người đã xúc động không kìm được nước mắt khi nhớ về cha mẹ, trong đó có cả những giọt nước mắt hối hận dù đã muộn màng. 

Tối ngày 16/8 (tức ngày 13/7 năm Giáp Thìn), tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng (TP Hòa Bình) đã tổ chức Đại Lễ Vu lan báo hiếu năm 2024, sự kiện đã thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử, người dân ở khắp nơi tới tham gia. Tại đây, rất nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra, trong đó nghi thức xúc động và ý nghĩa nhất là bông hồng cài áo và thả đèn hoa đăng kèm theo những lời ước nguyện.

Hàng nghìn phật tử tham dự Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng. 

Tại buổi lễ, lời cảm niệm về cha mẹ và hình ảnh cài hoa hồng đã làm các tăng ni, phật tử xúc động khi nghĩ về mẹ cha. Rất nhiều người đã rơi những giọt nước mắt vì tưởng nhớ tới cha mẹ đã khuất khi chưa kịp báo hiếu, hoặc đó còn là những giọt lệ hối hận khi nhớ lại những lỗi lầm mình khiến cha mẹ phải buồn lòng.

Bạn Thúy Quỳnh (19 tuổi, ở Hòa Bình) lẳng lặng cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhạt, kèm theo đó là ánh mắt đượm buồn. Cha của Quỳnh đã mất cách đây vài năm, giờ gia đình chỉ còn mẹ và một em nhỏ. Lần đầu tham dự lễ Vu lan, Quỳnh dù cố kìm nén nhưng giọt nước mắt vẫn tuôn trào.

Rất nhiều người nghẹn ngào, xúc động khi tham dự buổi lễ, đặc biệt là khi nghe lời cảm niệm về cha-mẹ, trong đó có cả những người tuổi còn rất trẻ. 

Khi nghe thuyết giảng về Vu lan, em thấy thấm thía vô cùng. Từ trước đến nay em chỉ làm cha mẹ buồn, chưa nghe lời, thậm chí còn bướng bỉnh cãi lại. Cha em mất cũng vì tần tảo kiếm tiền cho em ăn học, vậy mà em chưa làm tròn đạo làm con, chưa một ngày báo hiếu cha. Khi em nhận ra lỗi lầm thì cha đã đi xa. Em cảm thấy ân hận và qua đây xin gửi lời xin lỗi đến cha, em hứa sẽ thương mẹ nhiều hơn để mẹ không phải buồn”, Quỳnh chia sẻ.

Chị Từ Kim Oanh (50 tuổi, ở Hà Nội) nhẹ nhàng cài lên ngực áo bông hồng màu trắng, mắt chị ngấn lệ dài khi nhớ về cha mẹ đã khuất. Chị chia sẻ, khi nghe những lời thuyết giảng về Vu lan báo hiếu, bao ký ức, kỷ niệm về cha mẹ lại ùa về khiến chị xúc động.

Chị Từ Kim Oanh không thể ngăn được những giọt lệ khi nhớ về những kỷ niệm về cha mẹ, dù họ đều đã mất. 

Dù năm nào tôi cũng tham dự lễ Vu lan báo hiếu, nhưng mỗi năm có một cảm xúc khác nhau và đặc biệt xúc động, nghẹn ngào khi tưởng niệm về cha mẹ. Dù không được báo hiếu cha mẹ thật lâu, nhưng tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng vì chưa từng làm che mẹ phải buồn phiền. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ răn dạy các con về truyền thống uống nước nhớ nguồn, về lòng biết ơn với đấng sinh thành và sống phải luôn biết bao dung, độ lượng”, chị Oanh chia sẻ.

Không chỉ với những người trẻ, ngay cả với những người cao tuổi, khi tham dự buổi lễ cảm xúc cũng trào dâng. Bà Nguyễn Thị Mai (77 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, giờ đây khi con cháu đề huề, nhưng khi dự lễ Vu lan bà lại hồi tưởng về những ký ức về cha, về mẹ dù họ đều đã về thế giới bên kia.

Ngay cả với những người cao tuổi cũng xúc động khi chưa thể báo hiếu được cha mẹ thì họ đã mãi mãi đi xa. 

Trước đây vì nghèo đói nên tôi phải bôn ba kiếm sống, chưa có nhiều thời gian chăm lo cho cha mẹ, đến khi nhận ra điều đó thì cha mẹ đã không còn”, bà Mai nói và cho biết thêm, trong cuộc sống hàng ngày bà luôn nhắc nhở con cháu mình luôn cố gắng sống tốt, hiếu thuận, chan hòa với nhau, nhất là với ông bà, cha mẹ.

Đại đức Thích Trí Thịnh, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, Vu lan là dịp để mọi người tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người đã khuất. Lễ Vu lan không chỉ là cơ hội để các phật tử thể hiện lòng hiếu thảo theo tinh thần nhà Phật mà còn là dịp để mỗi người con, dù ở bất cứ tôn giáo nào, cũng hướng về cội nguồn và tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục.

Đại đức Thích Trí Thịnh cho biết, vu lan ngoài báo hiếu cha mẹ, đây còn là dịp để hướng về cuội nguồn. 

Trong Đại lễ Vu lan có nghi thức bông hồng cài áo, trong mỗi bông hoa cài lên ngực áo đều có hình ảnh dịu hiền của mẹ, nghiêm nghị của cha. Cha mẹ dù còn hay đã mất, nhưng vẫn hiện hữu trong chúng ta qua từng hơi thở, qua nhịp đập con tim, qua dòng máu đang lưu thông trong huyết quản. Vì thế, mỗi người con hãy cài hoa hồng lên ngực áo và hướng nguyện về cha mẹ bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Nghi thức bông hồng cài áo được chuẩn bị chu đáo và khiến nhiều người cảm động. 

Mỗi mùa Vu lan đến, những người con dù ở bất cứ nơi đâu đều hướng về cha mẹ mình để tỏ lòng thành kính. Người còn cả cha và mẹ - đó là điều thật hạnh phúc và hãy cài lên ngực áo bông hoa hồng màu đỏ, mong sao mọi người sẽ luôn làm cha mẹ vui vẻ, hạnh phúc, chứ xin đừng làm cha mẹ buồn.

Với người không may mất đi cha hoặc mẹ, cũng hãy cài lên ngực áo bông hồng màu nhạt phai, còn những ai mất đi cả cha và mẹ hãy cài lên ngực bông hoa hồng màu trắng. Khi mùa Vu Lan đến, mọi người hãy tìm về cội nguồn để thành kính thắp cho ông bà, tổ tiên, cha mẹ nén hương thơm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc...”, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.

Nghi thức thả đèn hoa đăng thu hút sự tham gia của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. 

Cuối cùng là nghi thức thả đèn hoa đăng, cầu siêu độ vong linh nhằm thắp sáng những giá trị tinh thần, cầu nguyện cho gia đình an tọa,… Ngoài ra, việc thả đèn hoa đăng lên dòng nước còn được hiểu rằng, những vong nhân đã khuất sẽ theo những ánh sáng ấm áp mà bỏ đi những oan khiên thù hận, bước theo con đường giải thoát khổ đau.

LÊ PHƯƠNG.