Nhờ mẹ mỗi ngày đến phụ giúp việc nhà và chăm cháu, một năm sau vợ tôi nhập viện

Google News

Mẹ giúp vợ chồng tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và đưa đón con đi học, nên cuộc sống của vợ chồng tôi cũng “dễ thở” hơn. Nhưng dần dần tôi nhận ra, mọi chuyện không đơn giản như mình nghĩ.

Tôi đã lấy vợ được 5 năm và chúng tôi có hai đứa con đáng yêu. Trước đây, cuộc sống của chúng tôi rất hạnh phúc, dù công việc có áp lực và con cái còn nhỏ, nhưng mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của hai vợ chồng. Tôi luôn tin rằng, chỉ cần hai vợ chồng cùng nhau nỗ lực, cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, tôi đã nhầm. Khi vợ đi làm lại sau khi kết thúc kỳ nghỉ thai sản, nhịp sống của gia đình bỗng chốc trở nên hối hả hơn. Cô ấy vừa phải chăm sóc con cái, vừa phải đi làm, khiến mọi thứ trở nên căng thẳng. Nhìn thấy sự vất vả của vợ, lòng tôi đầy xót xa nhưng lại không biết phải làm gì để giúp đỡ. Cuối cùng, tôi đã quyết định nhờ mẹ tôi đến giúp đỡ.

Mẹ là người chăm chỉ, luôn nghĩ cho con cho cháu. Khi thấy vợ chồng tôi quá bận rộn, mẹ đã đồng ý hàng ngày sẽ qua làm việc nhà, chăm con giúp, vì nhà tôi chỉ cách nhà bố mẹ vài bước chân.

Ban đầu, mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Mẹ giúp vợ chồng tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và đưa đón con đi học, nên cuộc sống của vợ chồng tôi cũng “dễ thở” hơn. Nhưng dần dần tôi nhận ra, mọi chuyện không đơn giản như mình nghĩ.

Vì công việc quá bận rộn nên tôi đành nhờ mẹ mỗi ngày qua phụ giúp vợ chồng tôi công việc nhà. (Ảnh minh họa)

Vợ ngày càng trầm tính hơn, hiếm khi cười. Sau một ngày dài làm việc, cô ấy chỉ lặng lẽ lướt điện thoại hoặc ngồi trầm tư nhìn ra ngoài cửa sổ thay vì nói chuyện với tôi như trước. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ do mệt mỏi vì công việc quá nên vợ mới vậy. Nhưng một đêm, cô ấy đã chia sẻ nỗi lòng với tôi:

- Em rất biết ơn khi mẹ đã giúp đỡ vợ chồng mình, nhưng sự hiện diện của bà mỗi ngày khiến em cảm thấy ngột ngạt.

Nghe vậy, tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Mẹ đến để giúp đỡ vợ chồng mình mà, sao em lại không vui? Nếu không có mẹ, chúng ta sẽ vất vả hơn nhiều!

Vợ thở dài, nhẹ nhàng nói:

- Em biết mẹ có ý tốt, nhưng việc gì mẹ cũng can thiệp vào khiến em cảm thấy mình không còn tiếng nói trong nhà nữa, và dường như con cũng nghe lời bà hơn.

Nghe đến đây, tôi thấy nhói trong lòng. Tôi không ngờ mẹ dốc hết lòng hết sức ra chăm sóc con cháu mà vợ lại có suy nghĩ như vậy. Tôi cho rằng vợ đang nghĩ quá nhiều, phóng đại vấn đề lên nên bèn khuyên cô ấy bớt nghĩ ngợi, nhìn thoáng mọi việc ra.

Những ngày sau đó, mâu thuẫn giữa mẹ tôi và vợ dần lộ rõ. Mẹ tôi có tính cách mạnh mẽ, làm việc nhanh nhẹn và luôn thích sắp xếp công việc nhà và việc nuôi dạy con cái theo cách của riêng mình. Điều này khiến vợ tôi cảm thấy bối rối. Cô ấy muốn tham gia vào việc giáo dục con cái, nhưng mỗi khi vừa mở miệng, mẹ tôi lại chen vào, thậm chí có lần còn chỉ trích cách làm của vợ tôi ngay trước mặt con.

Có vài lần, tôi thấy vợ lặng lẽ dọn dẹp trong bếp với đôi mắt ngấn lệ. Tôi vẫn không để tâm, nghĩ rằng cô ấy nên hiểu lòng “tốt” của mẹ. Để hòa giải mối quan hệ giữa hai người, tôi nói với vợ:

- Mẹ đã lớn tuổi, em hãy nhường một chút, đừng so đo với mẹ.

Nhưng lần nào cô ấy cũng chỉ im lặng. Và cuối cùng, xung đột mẹ chồng nàng dâu đã bùng nổ sau 1 năm mẹ tới giúp đỡ vợ chồng tôi. 

Nhiều lần tôi khuyên vợ đừng so đo với mẹ nhưng cô ấy im lặng. (Ảnh minh họa)

Tối hôm đó, vợ tôi tan làm muộn hơn một chút, về nhà thì thấy mẹ tôi đang kèm con làm bài tập. Mẹ vừa dạy cháu học bài vừa trách móc vợ tôi:

- Công việc của con bận rộn như vậy thì ai kèm con cái học bài? Vẫn phải đến tay mẹ. Về là phải cho nó học luôn như thế này này, để không quên mất chữ.

Vợ tôi mặt tái nhợt, bước vào bếp làm bữa tối, nhưng mẹ lại vào bếp và nói:

- Con nấu cơm chậm chạp quá, thế này khi mới có cơm mà ăn?

Cô ấy chán nản quay vào phòng ngủ. Nhìn thấy bóng lưng vợ, lòng tôi trĩu nặng. Tối hôm đó, vợ không ăn, nằm một mình trên giường. Tôi nhẹ nhàng vỗ vai vợ, nhưng cô ấy không nhúc nhích. Tôi cúi xuống, nói nhỏ:

- Đừng giận nữa, mẹ cũng chỉ muốn tốt cho chúng ta thôi mà.

Vợ vẫn im lặng, nước mắt lăn dài trên má.

Sáng hôm sau, tôi thấy vợ cầm kéo trên tay, vẻ mặt rất đáng sợ. Tôi hoảng hốt tới vỗ về vợ rồi đưa cô ấy tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ kết luận, vợ tôi bị trầm cảm.

Nghe bác sĩ nói, tôi đứng như trời trồng, lòng đầy hối hận. Tôi đã không nhận ra sự mệt mỏi và bất lực của vợ, cũng không nhận ra sự “giúp đỡ” của mẹ thực chất là một áp lực vô hình đối với vợ.

Tôi tưởng mình đang dung hòa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhưng thực ra tôi đã khiến vợ phải chật vật trong mối quan hệ này và cuối cùng gục ngã. Đêm đó, tôi đã đưa ra một quyết định khó khăn, đó là bảo mẹ từ nay không phải qua nhà tôi hàng ngày để giúp đỡ vợ chồng tôi nữa, nếu có việc thì chúng tôi sẽ nhờ sau. Tôi lựa lời nói rằng, hai vợ chồng không thể ỷ lại mẹ mãi, cần học cách chăm lo cho tổ ấm của mình và chúng tôi cũng cần có không gian riêng.

Mẹ tuy không vui nhưng vẫn đồng ý. Nhìn bóng mẹ rời đi, lòng tôi tràn ngập cảm xúc phức tạp: có ân hận, có tự trách, và cũng có sự nhẹ nhõm không thể diễn tả. Tôi biết đây là lựa chọn cần thiết, vì vợ tôi và vì gia đình của chúng tôi.

Những ngày sau, tôi luôn ở bên cạnh vợ, cùng vợ làm việc nhà, cùng vợ chăm con. Theo thời gian, tôi nhận ra ý nghĩa thực sự của hôn nhân nằm ở sự thấu hiểu và hỗ trợ lẫn nhau, chứ không chỉ là dựa dẫm vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tấm lòng của mẹ không sai, nhưng sự can thiệp quá sâu của mẹ đã khiến hôn nhân của chúng tôi mất đi sự cân bằng.

CẨM TÚ