Trước khi đến với tôi, chồng từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Anh kể, ngày trước cả hai lấy nhau vì “bác sĩ bảo cưới” chứ tình cảm chưa thực sự sâu đậm. Lúc đó, cả hai chỉ đi đăng ký kết hôn, làm vài mâm cơm ra mắt họ hàng đôi bên chứ không cưới xin gì.
Vì không có nền tảng tình cảm vững chắc nên không lâu sau, cả hai đã ly hôn vì xảy ra mâu thuẫn liên tục. Sau khi ly hôn, vợ cũ của anh nuôi con trai, hai mẹ con họ chuyển lên thành phố sống.
Từ đó đến nay, chồng tôi vẫn chu cấp cho con riêng đều đặn mỗi tháng 3 triệu. Bố mẹ chồng tôi còn hay cho tiền thêm vì là cháu đích tôn của ông bà, và cũng vì thương bé thiệt thòi. Thậm chí, ông bà còn bắt đầu tiết kiệm tiền để sau này cho cháu nội đi du học.
Điều này khiến tôi không khỏi hụt hẫng. Bởi lẽ con trai tôi, tuy cũng là cháu nội của ông bà nhưng chưa bao giờ được cho một đồng nào. Thậm chí, con trai tôi còn thường xuyên bị so sánh với anh trai cùng bố khác mẹ, nào là không học giỏi bằng, không đẹp trai trắng trẻo như anh trai, không hiểu chuyện, lễ phép,… Con tôi nghe xong thì rất buồn, bản thân tôi cũng không hề dễ chịu.
Đúng là con trai riêng của chồng tôi thông minh, hiểu chuyện và trưởng thành thật, tôi không thể phủ nhận điều đó. Vào những ngày lễ Tết, bé về thăm ông bà đều mang theo quà, chào hỏi rất lễ phép. Đã vậy, bé còn chu đáo lì xì cho con trai tôi. Nhưng dù có thế cũng không nên đem hai đứa trẻ ra so sánh như vậy chứ?
Sau khi ly hôn, vợ cũ của chồng tôi đưa con lên thành phố sống. (Ảnh minh họa)
Một lần khi con trai riêng của chồng về thăm ông bà, trong lúc ngồi uống nước, bố mẹ chồng tôi bỗng nhắc đến chuyện xưa. Họ khen vợ cũ của chồng tôi là người hiền lành, không bao giờ cãi lại ông bà. Thế rồi, cậu bé trả lời:
- Mẹ con tốt như thế vậy tại sao ông bà không giữ lời hứa? Lúc mẹ con mang thai, ông bà bảo sau khi con chào đời sẽ tổ chức đám cưới cho bố và mẹ, nhưng ông bà lại không thực hiện. Hễ mẹ con làm không đúng ý ông bà là lại bị mắng. Ông bà đuổi mẹ con đi nữa. Khi đó con còn nhỏ, nhưng con nhớ hết.
Lời nói của cậu bé như một gáo nước lạnh dội vào mặt ông bà. Im lặng bao trùm không gian, bố mẹ chồng tôi không biết nói gì thêm. Sau đó, bé xin phép ra về.
Tôi đứng từ xa, chứng kiến cảnh đó nhưng không can thiệp vào. Dù sao đó là chuyện của họ, tôi chỉ là người đến sau, không có quyền can thiệp hay bình phẩm quá khứ của họ.
Bố mẹ chồng rất thương con riêng của chồng tôi. (Ảnh minh họa)
Nhưng gần đây, một quyết định của bố mẹ chồng đã làm tôi không thể im lặng. Hôm đó là giỗ ông nội chồng, trong bữa ăn, bố chồng tôi bất ngờ thông báo:
- Bố mẹ sẽ để lại toàn bộ đất đai và tài sản cho cu Bim (tên con trai riêng của chồng). Thằng bé năm nay mới 14 tuổi, nên mẹ nó sẽ đứng tên trước, sau này sẽ chuyển lại cho cu Bim sau.
Cả gia đình tôi đều sững sờ. Chồng tôi vội vàng hỏi lại:
- Vậy là con và cu Boom (con trai tôi) không có gì à?
Bố chồng trả lời vỏn vẹn một chữ “không” khiến chúng tôi càng choáng váng hơn. Cảm giác bất công trào lên trong lòng, tôi cảm thấy tất cả những công sức, tình yêu mà gia đình tôi dành cho bố mẹ chồng bấy lâu nay không được đền đáp, và cả con trai tôi cũng không có chỗ đứng trong gia đình này.
Chồng dường như cũng hiểu được tâm trạng của tôi, nhưng anh chỉ im lặng, không nói gì. Anh biết tính bố mẹ, lời một khi đã nói ra sẽ không rút lại, nên dù anh có nói gì thì cũng không thay đổi được tình hình. Trong lòng tôi lúc đó rất rối bời, tiếp tục im lặng hay thẳng thắn hỏi bố mẹ chồng, làm rõ mọi chuyện?
Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã chọn im lặng để giữ hòa khí trong gia đình. Bởi lẽ đó là tài sản của bố mẹ chồng, ông bà muốn cho ai là quyền của họ, tôi không nên can thiệp.
Và dù thế nào, tôi vẫn sẽ yêu thương con mình, dạy con biết vượt qua những đau đớn và học cách trưởng thành. Sự so sánh sẽ không bao giờ giúp ích được gì, và tôi cũng không thể thay đổi những quyết định của người khác. Điều duy nhất tôi có thể làm là trở thành một người mẹ mạnh mẽ, vững vàng cho con, bất kể tương lai có ra sao.
HẠO PHI