Theo kết quả khảo sát "Sức khỏe tại nơi làm việc" của Health 2.0, có tới 23,3% người lao động gặp các vấn đề về đường tiêu hóa. Trên thực tế, hầu hết người lao động đều gặp phải các vấn đề liên quan đến đường ruột do thói quen ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.
Những bữa ăn vội vàng tại nơi làm việc thường thiếu chất xơ và các dưỡng chất cần thiết khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, việc căng thẳng từ áp lực công việc cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày, táo bón và hội chứng ruột kích thích. Bên cạnh đó, lối sống ít vận động khiến cơ thể khó tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu, làm giảm hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống của người lao động.
Đường ruột khỏe mạnh có thể ngăn ngừa các bệnh liên quan đến hệ thần kinh. (Ảnh minh họa).
Tác động của sức khỏe đường ruột đối với hệ thần kinh và tâm lý
Đường ruột của con người không chỉ là một cơ quan tiêu hóa, mà còn là nơi cư trú của hàng nghìn tỷ vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn có lợi, vi khuẩn có hại và các vi khuẩn trung tính. Tập hợp vi sinh vật này, còn gọi là hệ vi sinh vật đường ruột, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn, sản sinh các vitamin cần thiết và điều chỉnh hệ miễn dịch. Đặc biệt, hệ vi sinh vật còn sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine, góp phần quan trọng vào sức khỏe tâm thần.
Có thể xem ruột là "bộ não thứ hai" của con người, bởi vì ruột và não kết nối với nhau qua trục ruột-não. Các nghiên cứu đã cho thấy sức khỏe đường ruột có liên quan mật thiết với các bệnh lý về thần kinh và tâm lý. Khi đường ruột khỏe mạnh, cơ thể cũng như tinh thần của chúng ta sẽ ổn định hơn. Ngược lại, nếu hệ vi sinh vật đường ruột bị mất cân bằng, chúng ta sẽ dễ gặp các vấn đề sức khỏe như: tự kỷ, lo âu, trầm cảm, Alzheimer, Parkinson hoặc các bệnh lý về thần kinh khác.
Chẳng hạn, bệnh nhân trầm cảm thường có sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, dẫn đến tình trạng tâm trạng chùng xuống. Việc điều trị bằng kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý.
Đường ruột không khỏe là nguyên nhân của nhiều căn bệnh mãn tính.
Chế độ ăn uống giúp duy trì sức khỏe đường ruột
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì sức khỏe đường ruột. Hai chế độ ăn uống phổ biến hiện nay có lợi cho sức khỏe đường ruột bao gồm:
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn này chủ yếu sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt trắng, dầu ô liu, các loại rau quả tươi cùng các thực phẩm lên men như: sữa chua, kim chi và phô mai giúp cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
Nhờ vào hàm lượng chất xơ cao từ các loại rau củ và ngũ cốc nguyên hạt, chế độ ăn này nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột, giúp cân bằng vi khuẩn có lợi, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Điều này không chỉ cải thiện sức khỏe đường ruột mà còn góp phần vào sự ổn định tâm lý.
Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải với các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và axit béo không bão hòa như: dầu ô-liu, cá, có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm, bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương và ổn định tâm trạng.
Các axit béo Omega-3 từ cá giúp bảo vệ tế bào não khỏi stress oxy hóa, trong khi vitamin B6 và folate từ rau xanh góp phần sản sinh serotonin và dopamine – các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp ổn định cảm xúc và tinh thần.
Chế độ ăn Địa Trung Hải khuyến khích việc ăn kiêng, hỗ trợ tiêu hóa. (Ảnh minh họa).
Chế độ ăn MIND
Đây là một phiên bản kết hợp giữa chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ DASH, với mục tiêu cải thiện sức khỏe não bộ. Chế độ ăn MIND khuyến khích tiêu thụ nhiều rau lá xanh, các loại hạt, dầu ô liu cùng với quả mọng, giúp chống viêm, bảo vệ hệ thần kinh.
Chế độ ăn này không chỉ giúp cải thiện chức năng não mà còn hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh nhờ vào việc tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Rau xanh, quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt hay các loại hạt là những thực phẩm chủ yếu, giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giảm viêm nhiễm. Các thực phẩm này cũng cung cấp các dưỡng chất bảo vệ não như: vitamin E, K, Omega-3.
Chế độ ăn MIND nhấn mạnh việc hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, chất béo bão hòa, thay vào đó là dầu ô-liu và thực phẩm từ thực vật. Nhờ vào những nguyên tắc này, chế độ ăn MIND không chỉ giúp cải thiện sức khỏe đường ruột mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh thần kinh, đặc biệt là Alzheimer.
AN THANH