Nữ sinh 16 tuổi bị đột quỵ, bác sĩ cảnh báo một căn bệnh dễ gây nguy hiểm cho người trẻ

Google News

Đang ngồi chơi, Quỳnh Anh bỗng nhiên bị ngã xuống nền nhà, rồi dần rơi vào trạng thái lơ mơ. Đến bệnh viện, gia đình mới biết căn bệnh này dễ làm người trẻ tuổi bị yếu tay chân, khó nói, đau đầu kéo dài, giảm trí nhớ, chóng mặt…

Theo BS.CKI Nguyễn Hoài Ân, khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức (ICU), một bệnh viện ở TP Cần Thơ cho biết vừa cứu thành công 2 trường hợp bị đột quỵ xuất huyết não liên quan đến căn bệnh moyamoya. “Cả 2 trường hợp này đều là nữ, tuổi còn trẻ. Đáng chú ý là trường hợp bệnh nhi mới 16 tuổi (quê Vĩnh Long) đã bị đột quỵ”, bác sĩ Ân chia sẻ.

Bác sĩ Ân cho biết, bệnh nhi trước đó có sức khỏe bình thường. Một ngày giữa tháng 8, Quỳnh Anh đang ngồi chơi thì bất ngờ ngã xuống nền nhà, sau đó rơi vào trạng thái lơ mơ, liệt tay chân trái. May mắn, em được người nhà phát hiện đưa đến bệnh viện địa phương và được chuyển đến bệnh viện tuyến trên.

Quỳnh Anh được các y bác sĩ theo dõi sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Tại bệnh viện, Quỳnh Anh được chẩn đoán xuất huyết não. “Sau khi được phẫu thuật khẩn cấp để giải áp và lấy máu tụ, bệnh nhi đã có sự cải thiện tốt và được xuất viện nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị để phục hồi chức năng tay chân cũng như cải thiện khả năng giao tiếp”, bác sĩ Ân chia sẻ. 

Bác sĩ Ân cho biết, điều đặc biệt ở cả 2 ca bệnh trên là kết quả chụp hình mạch máu não bằng DSA sau phẫu thuật là đều tắc mạn động mạch cảnh trong hai bên đoạn cuối, đoạn đầu động mạch não giữa hai bên, có tuần hoàn bàng hệ (hình khói thuốc trên chụp mạch). “Đây là tình trạng đột quỵ do bệnh moyamoya gây nên”, bác sĩ Ân nói.

Người trẻ mắc bệnh moyamoya nếu không được điều trị sẽ dễ bị đột quỵ

Theo bác sĩ Ân, bệnh moyamoya là một bệnh lý mạch máu não tiến triển, có thể dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Theo lý thuyết, bệnh có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em từ 5 đến 10 tuổi và người lớn từ 30 đến 35 tuổi. Trong đó, phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới. Tỉ lệ mắc bệnh ở người châu Á với 3/100.000 trẻ em. Riêng Nhật Bản tỉ lệ mắc bệnh 0.35/100.000 người dân.

Đặc trưng của bệnh moyamoya là người mắc sẽ bị hẹp đoạn cuối động mạch cảnh trong và các nhánh gần của chúng thuộc đa giác Willis dẫn đến sự hình thành tuần hoàn bàng hệ. 

Căn bệnh moyamoya dễ làm người mắc bị đau đầu, chóng mặt, yếu tay chân. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Ân, bệnh moyamoya nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ xuất huyết não hoặc đột quỵ não. Không những vậy, bệnh có ở người trẻ tuổi, nhất là ở trẻ em nên nguy cơ dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và các tổn thương thần kinh mạn. 

Dấu hiệu của bệnh thường liên quan đến thiếu máu não bao gồm đột quỵ, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, nhiều đợt yếu nửa người, rối loạn cảm giác, mất ngôn ngữ, đau đầu, co giật, chậm phát triển. Ở trẻ em thì sẽ có cơn đau đầu tái phát, dùng thuốc thông thường không thuyên giảm, có thể có yếu chi kèm theo… Đây là các triệu chứng dễ nhầm với bệnh lý thông thường khác, nên người bệnh hay bỏ qua.

Bác sĩ Ân khuyến cáo, hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây bệnh moyamoya. Một số yếu tố nguy cơ liên quan là di truyền như hội chứng down, đa hồng cầu…

Khi lưu lượng máu lên não không đáp ứng đủ nhu cầu cho não bộ, biểu hiện ra bên ngoài là yếu tay, chân, nói khó. Vì vậy, những người có biểu hiện này cần đi khám, xem có nhánh mạch máu não nào bị tắc và loại trừ các bệnh lý như dị dạng mạch máu não, phình động mạch não, u não... khá giống với moyamoya. “Nếu không được điều trị kịp thời, mức độ hẹp động mạch não tiến triển, tắc động mạch não, dẫn đến đột quỵ", bác sĩ Ân khuyến cáo.

* Tên người bệnh đã thay đổi.

DIỆU THUẦN