Không ủng hộ thức khuya, đề cao sức khỏe tinh thần
Từng thiếu 0,5 điểm để đậu vào nguyện vọng 1 theo đuổi đam mê Báo chí, em Hồ Thị Hà Nội (SN 2002) có chút thất vọng về kết quả. Song, sau đó nữ sinh đã chọn được bến đỗ mang tên Văn hóa học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM).
“Em dành thêm thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu sâu hơn và nhận ra Văn hóa học chính là ngành học phù hợp nhất với sở trường và năng lực của bản thân. Đã nhiều lần em nghĩ, nếu mình thực sự học ngành Báo chưa chắc mình đã vui vẻ và hạnh phúc như bây giờ” - Hà Nội nhớ lại về cột mốc mang tính quyết định trong con đường học vấn của mình.
Sau 4 năm miệt mài đèn sách, Hà Nội tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa học với tấm bằng loại Giỏi cùng danh hiệu Thủ khoa đầu ra. Chia sẻ về thành tích đáng tự hào, Hà Nội cho biết: “Em rất bất ngờ và hạnh phúc khi nhận được thông tin này. Cuối cùng những nỗ lực của bản thân đã được đền đáp xứng đáng. Danh hiệu này không chỉ của riêng em mà là của thầy cô, bạn bè, người thân đã đồng hành cùng em trong suốt 4 năm chinh phục tri thức”.
Không ngủ quên trên chiến thắng, Hà Nội cho rằng tốt nghiệp với số điểm cao nhất trong khoa của mình cũng chỉ là thành công bước đầu, nữ sinh mong sẽ bứt phá hơn trong tương lai.
Khi theo đuổi ngành học này, nữ sinh được tiếp nhận những kiến thức xoay quanh về văn hóa của các quốc gia phát triển, nền văn hóa đa dạng bản sắc dân tộc của Việt Nam hay thông tin liên quan đến du lịch, truyền thông. Không chỉ thế, Hà Nội cho biết bài học lớn nhất chính là kỹ năng mềm để áp dụng vào thực tiễn.
Nữ sinh tâm sự trong quá trình học, bên cạnh bài kiểm tra cá nhân, giảng viên còn giao bài tập nhóm để sinh viên có thể thảo luận, lắng nghe, nhìn nhận khía cạnh của vấn đề một cách đa chiều hơn. Tân thủ khoa học được tips làm việc trong môi trường có nhiều tính cách khác nhau. Từ đó, nữ sinh tìm cách giao tiếp phù hợp để cả nhóm đạt được điểm cao.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Hà Nội cho biết ngoài việc tiếp thu các kiến thức trên lớp, nữ sinh còn tự tìm tòi tài liệu bên ngoài để nâng cao kiến thức của mình. “Ở môi trường đại học thầy cô không cầm tay chỉ việc hay sinh viên chỉ cần ngồi nghe thụ động là hiểu bài, mà cốt lõi vẫn là sự tương tác giữa thầy - trò. Ngoài ra, chính bản thân mình cần tự tìm hiểu, chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Nếu có thắc mắc, em sẽ gửi tin nhắn cho thầy, cô để lắng nghe, mở rộng thêm sự hiểu biết” - tân thủ khoa tâm sự.
Bên cạnh đó, Hà Nội rất quan tâm đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của mình. Bởi lẽ, theo nữ sinh nếu rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực sẽ khó tập trung, không hoàn thành tốt những bài kiểm tra của thầy, cô giao phó. Vào mùa thi căng thẳng, nữ sinh thường phải thức khuya để học bài. Tuy nhiên, cô cho biết sẽ không học xuyên đêm vì ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.
Hà Nội tâm sự: “Việc overnight là bản thân đang tự hại chính mình. Mặc dù, trong thời gian ấy có tiếp thu được nhiều kiến thức nhưng ngày hôm sau não bộ sẽ hoạt động không tốt, dễ rơi vào tình trạng mụ mị, tinh thần sa sút thì công sức như đổ sông, đổ biển. Vì vậy, em luôn ưu tiên cho giấc ngủ và cơ thể của mình. Nếu quá lo lắng và không ngủ được, em vẫn cố gắng nhắm mắt để mắt được nghỉ ngơi sau một ngày dài, điều này sẽ giúp mình hồi phục hơn vào ngày mai”.
Nhờ sự nỗ lực hết mình trong học tập, rèn luyện nên Hà Nội (bên trái) đạt học bổng khuyến khích học tập ở 5 kỳ liên tiếp, nhiều bằng khen từ khoa và nhà trường để khích lệ cho thành tích của nữ sinh quê Đồng Nai.
Thủ khoa hạnh phúc vì chọn định hướng trở thành Freelancer
Bất kỳ sinh viên nào khi đặt chân đến giảng đường đại học đều phải đối diện với nỗi ám ảnh mang tên “rớt môn”. Tuy nhiên, với Hà Nội khi cố gắng tập trung học tập, ôn luyện kỹ càng trước các kỳ thi sẽ dễ dàng vượt qua.
Song, đôi lúc được giao nhiều bài tập, phải dung nạp kiến thức chuyên ngành lớn khiến sức khỏe tinh thần có phần suy giảm. Những lúc khó khăn như thế, tân thủ khoa chọn cách lắng nghe podcast trên mạng xã hội để truyền thêm cảm hứng, giải đáp thắc mắc các vấn đề trong cuộc sống. Hơn hết, thông qua các số Podcast, nữ sinh còn định hướng được tương lai, học hỏi kỹ năng quản lý thời gian, tiền bạc từ YouTuber có kinh nghiệm… Bên cạnh đó, nữ sinh còn dành thời gian trò chuyện cùng bạn bè, đi xem các trận đấu thể thao để nạp lại năng lượng cho mình.
Tuy quá trình học tập cần đầu tư thời gian, đối diện với một số áp lực nhất định nhưng Hà Nội vẫn nhiệt huyết tham gia CLB hay chiến dịch tình nguyện với phương châm “học hết sức, chơi hết mình”. “Đối với em, đời có bao nhiêu mà hững hờ, khi đang còn sức trẻ, còn cống hiến, giúp ích được cho xã hội, em sẽ tham gia. Ban đầu em cũng có hơi lo cho việc học vì tính chất của ngành tương đối nặng nhưng rồi em nhận ra “cứ đi để lối thành đường”, em cứ cố gắng, chắc chắn mọi việc sẽ dần đi theo đúng quỹ đạo của chúng” - nữ sinh chia sẻ.
Nhờ quá trình thực hiện bài tập nhóm, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa mà Hà Nội (đứng bìa bên trái) đã có kỷ niệm rất đẹp với những người bạn thân thiết của mình.
Hiện tại, Hà Nội đang là nhà sáng tạo nội dung Freelancer không bị gò bó về thời gian, chủ động về khối lượng công việc. Đôi lúc, có những lời bàn tán, “dè bỉu” với công việc thiếu sự ổn định như hiện tại. Thay vì buồn bã, trái lại Hà Nội cảm thấy tự hào vì con đường mà nữ sinh lựa chọn đem lại cho cô sự thoải mái, không áp lực về tâm lý. Hơn hết, với mức thu nhập từ công việc này, nữ thủ khoa vẫn đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tại TP.HCM và thực hiện được hoài bão của bản thân.
TẤN PHƯỚC