Ông lão nhặt ve phượt khắp Việt Nam bằng xe đạp “dát vàng", nuôi hi vọng tìm chị gái thất lạc đã 50 năm

Google News

Nuôi ước mơ được tái ngộ người chị gái thất lạc hơn nửa thế kỷ, người đàn ông U70 đạp xe khắp các tỉnh thành, vừa mưu sinh, vừa kiếm thông tin về người thân.

Từ năm 1970, ông Trần Ngọc Sơn (69 tuổi) đã mất liên lạc với chị gái tại nơi đất khách quê người. Sau đó, ông di cư về khu vực Hồng Ngự (Đồng Tháp) được bà con cưu mang. Đến năm 1975, ông quyết định đi khắp nẻo đường nuôi hy vọng tìm người thân thất lạc. Đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng ông Sơn vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về chị gái.

Hằng ngày, ông cần mẫn mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, di chuyển khắp nơi bằng chiếc xe đạp nhỏ để kiếm thêm thu nhập. “Ngày xưa tôi có thể kiếm được 70.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người vô gia cư giống tôi cũng chọn công việc này, nên số lượng chai nhựa, lon sữa dần ít đi. Bây giờ kiếm được 30.000 đồng/ngày cũng đỏ con mắt…” - ông Sơn chia sẻ.

Từ áo quần cho đến chiếc nón độc lạ mà ông tự sáng chế đều được ông đi xin hoặc thu thập trong quá trình mưu sinh.

Với mức thu nhập ít ỏi, nên ông Sơn phải ngủ ở lề đường, đi đến đâu ông tá túc ở đó. Trong suốt hơn 50 năm qua, ông chạy xe đạp vi vu khắp các tỉnh thành chỉ mong có chút thông tin từ người thân thất lạc. 

Trên con xe cũ kĩ, ông Sơn di chuyển khắp các tỉnh thành từ TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… xa đến đâu ông cũng muốn đến chỉ với mục tiêu duy nhất là tìm kiếm người chị gái thất lạc.

“Chiếc xe đạp tuy cũ nhưng rất chắc chắn, giúp tôi di chuyển nhiều tỉnh, thành phố, xa nhất là Nha Trang, Đà Lạt. Một ngày nào đó tôi sẽ đến Hà Nội. Nếu thời gian kéo dài từ 1-2 tháng tôi cũng chấp nhận khó khăn để thực hiện", ông Sơn khẳng định.

Điều đặc biệt của người đàn ông U70 là vẻ ngoài hào nhoáng, làm nhiều người cứ ngỡ là nghệ sĩ đường phố. Bởi lẽ, ông là người thích sưu tầm, trang trí cho những món đồ vật của mình. Với chiếc xe đạp cà tàng cũ kỹ nhưng trong hơn 1 năm qua, khi thấy có món vật dụng trang trí bị vứt bỏ, ông lại nhặt về, “độ" chiếc xe của mình. Để giờ đây, "chiến mã" của ông được trang hoàng vô cùng bắt mắt.

Ông Sơn cùng chiếc "chiến mã" yêu quý của mình có lẽ, đây cũng là món tài sản giá trị nhất cuộc đời ông tính đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, nói về chiếc nón “có một không hai" của mình, ông Sơn chia sẻ: "Tôi chắc chắn trên đời này chẳng có ai có thể tự sáng chế ra được chiếc mũ giống như này. Và đây cũng không phải chiếc mũ bình thường, đó là long mão. Những viên đá, chiếc kẹp tóc, hay con cá chép... đều được tôi đi lượm nhặt và kỳ công đính lên. Nhiều người gặp tôi đã khen chiếc mũ như một bộ sưu tập mang đậm chất đường phố đấy. Họ còn ví nó có nét giống mũ của vua chúa thời xưa...".

Trong suốt hành trình tìm kiếm như mò kim đáy bể này ông chưa bao giờ nghe thông tin về người chị của mình. Nhiều người khuyên ông dừng lại vì có lẽ chị gái của ông Sơn đã qua đời. Tuy nhiên, đối với ông hình bóng về người thân vẫn còn sống mãi trong tim và ông vẫn nuôi hy vọng tìm lại được chị gái thất lạc. 

Bằng chiếc nón độc đáo, chiếc xe được trang trí và sơn bằng màu vàng nên đi đến đâu cũng thu hút sự chú ý của bà con

Hơn chục năm qua, ăn uống bữa no bữa thiếu, đôi lúc ông Sơn cũng yếu lòng, rơi nước mắt cho số phận của mình. “Đêm giao thừa chứng kiến những gia đình đoàn tụ, cùng nhau quây quần bên mâm cơm. Nhìn lại bản thân mình phải rong ruổi ngoài đường, không bà con họ hàng, nhiều lúc tôi bật khóc vì thân phận nghèo khổ của mình…”.

Tuy cô độc trên hành trình tìm kiếm người chị gái, nhưng ông chưa bao giờ nản chí, miễn còn sức lực ông vẫn sẽ rong ruổi để đi tìm. Dẫu có nhiều khó khăn, thiếu thốn vật chất, không có nhà để ở nhưng ông vẫn vui vẻ, nói cười, thể hiện tinh thần lạc quan với mọi người xung quanh. Ông quan niệm dù bản thân là người vô gia cư nhưng phải sống tử tế, có lòng tự trọng và sự biết ơn đối với những người đã dang tay giúp đỡ mình.

Nguyện vọng nhỏ nhoi của ông Sơn là muốn bán lại những món đồ sưu tầm của mình trong suốt 40 năm qua để có nguồn tiền, trang trải cuộc sống. Lúc đó, ông sẽ chọn cách vào viện dưỡng lão để có một cuộc sống ổn định hơn trong những năm tháng cuối đời...

Nguồn: Độc lạ Bình Dương

TẤN PHƯỚC