Thời gian gần đây chị N.T.U.M (29 tuổi, ở Nghệ An) xuất hiện tình trạng ra máu âm đạo bất thường sau khi sạch kinh vài ngày. Theo chia sẻ của chị M, tình trạng này đã diễn ra liên tiếp trong thời gian 7 tháng, ngoài ra còn có tình trạng tiết dịch núm vú bất thường.
Được biết, chị M đã sinh một con vào năm 2019 (sinh mổ) và đang có dự định sinh cháu thứ hai nhưng chưa có tin vui. “Suốt hai năm nay vợ chồng tôi quan hệ đều đặn, không dùng biện pháp tránh thai nào nhưng đợi mãi chưa có tin vui”, chị M chia sẻ.
Do lâu không có tin vui, cộng thêm việc có biểu hiện bất thường ở vùng kín nên chị M đã đi thăm khám. Quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện có máu nâu chảy ra từ lỗ trong cổ tử cung (bệnh nhân ngoài kỳ kinh), khám vú thấy núm vú phải tiết dịch loãng, trắng đục, lượng ít. Tuy nhiên, xét nghiệm dịch vú không thấy có tế bào ác tính, như vậy đã loại trừ được nguy cơ ung thư.
Quá trình siêu âm các bác sĩ kết luận, chị M bị vô sinh thứ phát nguyên nhân từ vết mổ đẻ cũ. Ảnh minh họa.
Kết quả xét nghiệm nội tiết phát hiện chỉ số prolactin tăng cao, đây là nguyên nhân gây tăng tiết dịch vú. Hình ảnh siêu âm đầu, dò âm đạo thấy ổ tụ dịch vết mổ đẻ cũ và dịch buồng tử cung. Từ kết quả trên, bác sĩ đưa ra kết luận bệnh nhân có khuyết sẹo mổ đẻ cũ, kèm theo tình trạng tăng prolactin máu gây vô sinh thứ phát.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, ThS.BS Nguyễn Thị Trang - Chuyên khoa Sản phụ khoa cho biết, chính sẹo cũ ở vết mổ làm đọng dịch trong buồng tử cung, gây cản trở tinh trùng di chuyển qua cổ tử cung, đồng thời khiến phôi khó làm tổ, giảm khả năng thụ thai. Cùng với đó là tình trạng tăng prolactin máu gây rối loạn phóng noãn, đây là hai nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh thứ phát của bệnh nhân.
Về hướng điều trị, bác sĩ Trang tư vấn, bệnh nhân cần được phẫu thuật nội soi buồng tử cung sửa khuyết sẹo. Tử cung được khôi phục lại giải phẫu bình thường, ngăn chặn máu và dịch đọng buồng tử cung, từ đó tăng khả năng thụ thai lên đến 90%. Hiện tại, sau phẫu thuật, kết quả siêu âm buồng tử cung của bệnh nhân cho thấy vùng khuyết đã được làm đầy, các triệu chứng lâm sàng được cải thiện rõ rệt. Hy vọng hai vợ chồng sẽ sớm được đón tin vui trong thời gian tới.
Với trường hợp đẻ mổ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn thăm khám định kỳ của bác sĩ. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Trang, tất cả phụ nữ sinh mổ đều có nguy cơ biến chứng từ vết mổ, trong đó khuyết sẹo vết mổ là một trong những biến chứng thường gặp. Bệnh thường không bộc lộ triệu chứng, một số người có thể xuất hiện biểu hiện đau vết mổ, đau vùng chậu, đau bụng kinh, rong kinh, ra máu bất thường…
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Trang, nguyên nhân gây khuyết sẹo mổ lấy thai có thể liên quan đến:
- Tiền sử mổ lấy thai nhiều lần làm cản trở quá trình tưới máu tới các mô tử cung, gây chậm liền sẹo.
- Người mẹ chuyển dạ trước mổ lấy thai, thời gian chuyển dạ trên 5 giờ.
- Tư thế tử cung bị gập sau, mổ khi cổ tử cung mở trên 5cm.
- Vị trí vết mổ thấp, kỹ thuật mổ và khâu đóng cơ tử cung chưa phù hợp khiến hai mép vết mổ khâu không đều, các cạnh tử cung không liên kết chính xác gây độ bám dính thấp và tạo sẹo khuyết.
- Quá trình lành vết thượng chậm do: Thai phụ béo phì, tiểu đường khi mang thai, tiền sản giật...
- Thai phụ có tiền sử phẫu thuật tử cung do u xơ/ vách ngăn tử cung.
Bác sĩ Trang khuyến cáo, thai phụ nên tiến hành siêu âm kiểm tra vết mổ sau khoảng 6-8 tuần kể từ ngày thực hiện phẫu thuật. Đây là thời gian lý tưởng để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng hồi phục của vết mổ.
Ngoài ra, tất cả phụ nữ đã từng sinh mổ, khi mang thai lần tiếp theo cần kiểm tra bằng siêu âm để xác định vị trí của thai nhi. Chỉ nên mang thai sau 24 tháng tính từ lúc sinh mổ lần trước đó để đảm bảo vết mổ ở tử cung trong lần mổ đầu hoàn toàn bình phục và sức khỏe người mẹ được đảm bảo an toàn trong lần mang thai kế tiếp.
LÊ PHƯƠNG.