Mua sắm ngày Tết là nỗi trăn trở không của riêng ai, từ việc sắm sao cho Tết đầy đủ cho tới sắm thế nào để tiết kiệm, không phải ngược xuôi lo ngày cuối vẫn thiếu đồ… Gánh nặng tài chính từ việc mua sắm cho kỳ nghỉ lễ này có thể làm tăng thêm căng thẳng, khiến nhiều gia đình mất đi niềm vui trong những ngày Tết đến xuân về.
Tết là dịp để chúng ta tiễn biệt năm cũ và đón những điều may mắn, hy vọng cho năm mới này. Với những mẹo dưới đây, bạn hoàn toàn có thể sắm Tết đầy đủ mà vẫn tiết kiệm, bắt đầu năm mới với niềm vui và sự hứng khởi.
Lên danh sách trước khi mua sắm
Dù là sắm Tết hay mua sắm, chi tiêu với bất kỳ mục đích nào, nếu không có kế hoạch trước, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng bội chi. Bạn từng chạy vào siêu thị, chợ với ý định chung là sắm Tết rồi nhặt thứ này thứ kia, về nhà với cả mớ đồ cùng hóa đơn dài như sớ nhưng lại nhanh chóng phát hiện còn thiếu nhiều đồ cần thiết trong khi có những thứ không biết mua để làm gì?
Chiến lược ở đây chính là lên danh sách trước cho những gì bạn cần trong dịp Tết. Việc lên danh sách trước sẽ giúp bạn đảm bảo sắm đủ những thứ cần thiết cũng như tiết kiệm thời gian, công sức cho việc đi lại, tránh bội chi vì những món hàng không cần thiết.
Dưới đây là những danh sách những đồ bạn cần mua trong dịp Tết:
Đồ cúng (hương, vàng mã, mâm ngũ quả…).
Bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống để sử dụng trong dịp Tết và nhu cầu biếu.
Cây, hoa, đồ trang trí Tết.
Quà Tết.
Bao lì xì.
Kiểm kê, tận dụng đồ cũ
Sau khi đã lên được danh sách những thứ cần cho dịp Tết, điều tiếp theo bạn nên làm trước khi lên đường đi mua sắm chính là kiểm kê những gì mình đã có. Rất nhiều người mắc phải sai lầm khi mua sắm xong rồi mới nhận ra mình đã có đồ đó ở nhà, thừa thãi khiến đồ không sử dụng hết, gây lãng phí.
Hãy lên kế hoạch để dành một chút thời gian kiểm kê những gì bạn đang có, từ tủ lạnh, tủ bếp tới nhà kho. Rất có thể, bạn sẽ nhận ra mình còn nhiều đồ trang trí Tết từ năm trước, thực phẩm khô cũng như bao lì xì, hoa giả có thể sử dụng tiếp cho Tết này mà không cần mua mới. Nhớ rằng, mừng năm mới không có nghĩa là mọi thứ phải mới. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng những món đồ cũ nhưng còn dùng tốt. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm kha khá tiền mà còn hạn chế rác thải ra môi trường.
Theo dõi chi tiêu
Theo dõi chi tiêu sẽ là bước không chỉ giúp bạn sắm Tết hiệu quả, tiết kiệm mà còn là thói quen tốt cho túi tiền của bạn. Hãy tạo cho mình thói quen theo dõi chi tiêu. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét về đường đi lối lại những đồng tiền của mình, biết rằng bản thân liệu có đang bám sát kế hoạch đề ra và nhanh chóng sửa đổi khi có các khoản đi lệch hướng. Bạn sẽ không thể đến được đích khi không biết mình đang ở đâu.
Săn hàng khuyến mại
Thời gian trước Tết là lúc các đơn vị thường có những chương trình khuyến mại để kích cầu mua sắm. Đây sẽ là cơ hội tốt để bạn mua được những mặt hàng cần thiết với giá cả phải chăng, tiết kiệm được kha khá cho dịp lễ này.
Vì đã lên kế hoạch trước cho việc mua sắm nên bạn có thể chủ động đưa ra lựa chọn phù hợp với mình. Bạn cũng có thể linh hoạt với danh sách mua sắm đó khi sản phẩm tương đương có chương trình khuyến mại, giảm giá tốt.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý chính là đừng để bản thân rơi vào trạng thái bội chi chỉ để theo đuổi các chương trình quà tặng, giao hàng miễn phí. Rất có thể, bạn sẽ chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn tiết kiệm được từ các chương trình này và lãng phí tiền cho những thứ không thực sự cần thiết. Những khoản này có thể thực sự thổi bay ngân sách của bạn.
Tự làm
Thay vì mua các sản phẩm được bán sẵn, bạn hoàn toàn có thể tự làm những món đồ trang trí hay đồ ăn cho dịp Tết này. Bạn không chỉ tiết kiệm được tiền khi tự tay gói bánh chưng, làm nem hay đồ trang trí Tết mà còn có thể dành nhiều thời gian chất lượng bên gia đình.
BẢO ANH.