Sau 30 tuổi, người khôn ngoan không để mình “hòa tan”

Google News

Cuộc sống là một sự luyện tập và bài kiểm tra lớn nhất chính là sau khi bước vào đám đông.

Nhà tâm lý học Solomon Asch đã thực hiện một “thí nghiệm đoạn thẳng” nổi tiếng. Thí nghiệm được tiến hành với 10 người, 9 người trong số họ là trợ lý của ông và 1 người là đối tượng thử nghiệm thực sự.

Asch vẽ ba đoạn thẳng a, b, c có độ dài khác nhau và một đoạn thẳng x khác có cùng độ dài với b rồi hỏi mọi người rằng x dài bằng đoạn thẳng nào. Các trợ lý của ông im lặng, chỉ có người thực sự tham gia chắc nịch nói đáp án là b. Lúc này 9 người trợ lý kia mới trả lời rằng x dài bằng a. Đối tượng tham gia thí nghiệm bắt đầu thấy rối và liên tục nhìn chằm chằm vào các đoạn.

Khi Asch hỏi lại, anh ấp úng và nói: “Đoạn x dài bằng đoạn a”. Vì sao lại vậy? Câu trả lời của Asch chính là tâm lý đám đông, một người sẵn sàng bỏ qua thực tế và đưa ra một câu trả lời không chính xác để phù hợp với phần còn lại của nhóm.

Khi không có sự can thiệp từ bên ngoài, chúng ta đều có thể phân biệt chính xác giữa tính chân thực và giả dối. Nhưng khi có yếu tố khác xuất hiện, chúng ta không khỏi bị ảnh hưởng mà có thể bản thân hoàn toàn không hay biết.

Bạn có như vậy trong cuộc sống không? Khi nghe nói rằng thị trường chứng khoán kiếm được tiền, bạn liền lao vào một cách mù quáng; khi bạn thấy các video ngắn được ưa chuộng, bạn cũng muốn làm chúng ngay; khi bạn thấy đồng nghiệp lần lượt chuyển việc, bạn cũng nhấp nhổm muốn đi nơi khác…

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon đã phân tích sâu nguồn gốc của tâm lý đám đông trong cuốn sách “Tâm lý học đám đông” của mình. Sau 30 tuổi, ai bước vào đám đông cũng phải cẩn thận kẻo “hòa tan”.

1. Đừng chạy theo đám đông trên mạng xã hội, đừng tham gia nhóm một cách mù quáng

Có một chủ đề từng được tranh luận sôi nổi: "Tôi không thích giao du, có nên thay đổi không?" Một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại diễn tả nỗi chua xót của nhiều người.

Trong đời sống xã hội, chúng ta thường cho rằng mình không hòa nhập được là có lỗi và luôn phải đấu tranh để trở nên hòa nhập hơn. Tại nơi làm việc, để hòa đồng với đồng nghiệp, dù không thích chúng ta cũng sẽ tham gia các hoạt động nhóm. Trong các cuộc tụ họp, để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, chúng ta không ngại giả vờ là người khác, thậm chí hạ mình để lấy lòng ai kia. Trong những cuộc ăn uống hay gặp mặt, dù nhàm chán cũng gọi là đi, sợ nhất là bị bỏ lại một mình. Chúng ta cố gắng hết sức để tạo ra ảo tưởng về sự thích giao du vì sợ sống trong mắt người khác.

Ngày nhỏ, chúng ta mang trong mình những ước mơ, hoài bão về tương lai, muốn mình có thể khẳng định được vị trí trong lĩnh vực chuyên môn. Nhưng sau khi làm việc, bất kể là ở môi trường nào, nhiều người không còn giữ những nét của riêng mình nữa mà chọn trở thành giống đám đông. Tự nguyện từ bỏ nghiên cứu sâu vì không muốn bị cô lập bởi "giỏi - dị"; không còn bày tỏ quan điểm riêng vì sợ không hòa hợp được với người khác; sợ làm những việc người khác không làm, chỉ muốn tìm những chủ đề chung với bạn bè đồng trang lứa. Những mộng mơ của tuổi trẻ tan biến từ bao giờ, người ta chỉ muốn hòa mình vào đám đông và thu mình trong cái vòng nhỏ bé của riêng mình.

Le Bon nói: "Khi một người đã ở trong nhóm, để được công nhận, anh ta có thể từ bỏ chỉ số IQ của mình để đổi lấy cảm giác thân thuộc khiến bản thân cảm thấy an tâm hơn."

Để không bị bỏ lại phía sau đám đông, chúng ta tin rằng cách an toàn nhất là đi theo đám đông. Nhưng theo cách này, những điểm khác biệt của bạn sẽ bị mài mòn và cuộc sống sẽ ngày càng trở nên tầm thường. Đừng đánh mất chính mình chỉ để hòa nhập.

2. Không chạy theo đám đông, ngăn chặn lan truyền tin đồn

Trong cuốn sách, Le Bon kể một câu chuyện rằng vào buổi sáng nọ, cảnh sát tìm thấy xác của một đứa trẻ từ con sông gần đó. Để xác nhận danh tính của người chết, cảnh sát đã gọi những người dân gần đó đến nhận dạng thi thể. Đột nhiên, một đứa trẻ kêu lên: "Cậu ấy là bạn học của con, tên là Philibert, mấy ngày không đến lớp rồi."

Ngay sau đó, mẹ của Philibert đến và chắc chắn đó là con trai mình. Bà đau lòng nói: "Chắc chắn thằng bé đã bị bọn buôn người bắt cóc và giết chết. Đứa con bé nhỏ tội nghiệp của tôi."

Mọi người nghe thấy và bắt đầu lan truyền thông tin có những kẻ buôn người ở đó, những kẻ chỉ giết trẻ nhỏ. Nhất thời cả xóm nhốn nháo, nhiều phụ huynh sợ hãi không dám cho con ra ngoài.

Một tháng sau, vụ án được giải quyết và người chết không phải là Philibert mà là một đứa trẻ ở nơi khác. Nhưng không ai tin vào câu trả lời chính thức và tiếp tục tung tin đồn về những kẻ buôn người. Le Bon không cho biết Philibert đã đi đâu, cũng không nói về lý do người mẹ nhận nhầm con trai mình, ông chỉ viết ở cuối câu chuyện: "Đám đông không có khát khao thực sự về sự thật, họ chỉ tin những gì họ muốn tin". Tin đồn sẽ được lan truyền một cách vô thức và cuối cùng, chúng ta thậm chí đã quên người nói ban đầu và chỉ tin vào những tin đồn.

Trong thời đại Internet bùng nổ thông tin, chỉ cần bạn bước chân ra, sẽ ngay lập tức rơi vào vòng xoáy thông tin, tranh cãi, tin đồn và scandal. Nhiều người thiếu óc phán đoán và quá dễ bị dao động nên chỉ biết làm theo lời người khác nói, dễ dàng tin vào những lời đồn đại.

Đừng vội vàng nói khi chưa suy nghĩ, hãy cho mình thời gian để phân tích và nhìn nhận rõ ràng. Đừng ham chuyện ngồi lê đôi mách, đừng quan tâm đến việc tung tin đồn. Khi trưởng thành, không chạy theo đám đông trong lời nói không chỉ là sự khôn ngoan mà còn là điểm mấu chốt của lời nói và việc làm.

3. Không hùa theo đám đông, đề phòng hiệu ứng bầy đàn

Hãy tưởng tượng: Bạn đang thong thả tản bộ trên phố, bỗng nhiên thấy một nhóm người đang hối hả chạy về phía đông. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chợt nghe có người hô to: "Chạy về phía đông, nhanh lên!" Bạn bỗng bắt đầu chạy mà không cần suy nghĩ. Cuối cùng, không có gì xảy ra mà rất đơn giản, chỉ là một người đàn ông vội đến cuộc hẹn ở đó nên chạy rất nhanh. Một cậu bé bán báo không biết tại sao, nghĩ rằng có một cuộc biểu tình ở đó liên rủ bạn bè cùng nhau chạy về phía đông. Những người khác cũng không nghĩ gì bắt đầu làm theo, cuối cùng chuyện thành ra như vậy. 

Le Bon nói rằng bản chất của bầy đàn là sự phục tùng mù quáng của nhóm. Trong siêu thị, thấy ai cũng mua hàng giảm giá, dù cần hay không bạn cũng không thể không ghé qua xem. Khi đi mua sắm, bạn thấy một hàng dài các cửa hàng trà sữa, dù thích hay không, bạn cũng muốn mua một cốc và uống thử. Nghe các đồng nghiệp nói rằng mọi người đều đi tập thể dục sau giờ làm việc, bạn nhanh chóng dành tiền để mua thẻ hội viên. 

Tuân thủ hành vi giống như một cơn nghiện, khiến chúng ta rất khó kiềm chế. Nguyên nhân gốc rễ là sự mất đi tỉnh táo của cá nhân. Điều chúng ta phải làm là chủ tâm rèn luyện khả năng phán đoán, đừng để bị cám dỗ trong mọi việc và tốt nhất là tránh sự bốc đồng mù quáng. 

BẢO ANH.