Sữa đậu nành là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Hàm lượng protein trong sữa đậu nành tương đương với sữa, dễ tiêu hóa và hấp thu. Hàm lượng axit béo bão hòa và carbohydrate trong sữa đậu nành thấp hơn sữa, lại không chứa cholesterol, giàu phytosterol. Thực phẩm này phù hợp cho người già và bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, hoặc sử dụng bình thường như loại nước giải khát với người khỏe mạnh.
Dù sữa đậu nành tốt nhưng nếu trong quá trình chế biến, không lưu ý điều này, bạn có thể bỏ qua giá trị dinh dưỡng của chúng.
Đậu nành có chứa một số yếu tố kháng dinh dưỡng, chẳng hạn như chất ức chế trypsin và phytohemagglutinin, lipoxygenase. Các yếu tố kháng dinh dưỡng này không ổn định về nhiệt độ và có thể bị loại bỏ bằng xử lý nhiệt. Do đó, sữa đậu nành thô phải được đun sôi ở nhiệt độ cao trước, sau đó chuyển sang đun nhỏ lửa trong khoảng 5 phút để các chất có hại bị tiêu diệt hoàn toàn trước khi uống. Nếu bạn dùng sống hoặc đun không kỹ, uống loại thực phẩm này chính là "lợi bất cập hại".
Sữa đậu nành sẽ tốt cho sức khỏe nếu chế biến và sử dụng đúng. (Ảnh minh họa).
Trong giới động vật, chỉ có động vật gia cầm mới ăn được đậu sống. Tuy nhiên, trên cổ chúng có một "chiếc túi", sau khi ăn đậu sống, đậu sẽ tạm thời được cất giữ trong chiếc túi ấm áp này, sau đó nhờ nhiệt độ và độ ẩm mà phân hủy rồi tiến vào dạ dày để tiêu hóa. Do đó, để con người sử dụng, bất kỳ thực phẩm đậu nành nào cũng phải được nấu chín trước khi tiêu thụ.
Giá trị của đậu nành
Nguồn lecithin trong đậu nành giúp thực phẩm này có giá trị cao. Lượng lecithin có thể đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất béo của cơ thể và hiện chủ yếu được sử dụng trong điều trị giảm cholesterol. Uống lecithin có thể giúp cơ thể tránh oxy hóa tế bào trong quá trình lão hóa.
Chế độ ăn kiêng như uống sữa đậu nành không đường xuất phát từ nguyên tắc của chế độ ăn kiêng lecithin. Ngoài việc chuyển hóa chất béo, lecithin còn có thể tăng cường thể chất và tăng tỷ lệ trao đổi chất.
Đậu nành chứa protein từ thực vật và axit béo không bão hòa, là nguồn năng lượng không thể thiếu cho cơ thể con người. Đậu nành là một loại thuốc giảm căng thẳng tự nhiên, tryptophan, vitamin nhóm B, canxi và magiê trong đậu nành có thể duy trì hệ thần kinh và rất hữu ích cho những người béo phì do lo lắng. Phụ nữ mãn kinh có thể ăn nhiều sản phẩm từ đậu nành, chẳng hạn như đậu hũ, tàu hũ, sữa đậu nành. Khi làm sữa đậu nành không nên lọc bã sữa đậu nành, như vậy các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thụ đầy đủ hơn.
Hạt đậu nành có thể chế biến thành nhiều thực phẩm vừa ngon vừa bổ dưỡng. (Ảnh minh họa)
Trong ẩm thực Ấn Độ, rất nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loại đậu, được hấp và trộn với nước sốt cà ri, hương vị rất ngon, thêm gia vị cà ri có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng nhiệt độ cơ thể, điều này cũng rất hữu ích cho sức khỏe và việc giảm cân.
Chất đạm cao trong thực phẩm đậu nành rất hữu ích cho việc sửa chữa và tổng hợp cơ bắp, vì vậy trước và sau khi tập thể dục, bạn cũng có thể bổ sung nhiều chất dinh dưỡng giàu đạm hơn, chẳng hạn như một cốc sữa đậu nành mè không đường.
Ai không nên uống sữa đậu nành và sử dụng các chế phẩm từ đậu nành?
Nếu bạn bị bệnh gút hoặc axit uric cao, không nên sử dụng các sản phẩm từ đậu nành.
Khi đói, không nên uống sữa đậu nành. Thực phẩm này rất giàu đạm, khi bụng đói, việc uống sữa đậu nành chỉ có thể thay thế tinh bột, làm tiêu hao thành năng lượng chứ không thể được cơ thể hấp thụ dưới dạng đạm, vì thế không những không bổ sung được dinh dưỡng mà còn làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa.
THÙY LINH (DỊCH TỪ ABOLUOWANG)