1. GÀ Ủ MUỐI HOA TIÊU
Nguyên liệu:
- 1 con gà (1,5-1,6kg)
- 2g muối hồng (hoặc muối thường) - 3g bột nghệ - 3 bọt nêm gà - 4g đường - Lá chanh
- Bột gia vị: 3g hoa tiêu, 6 nụ tử đinh hương, 2g hạt tiêu, 1 quả thảo quả
- Sả, hành tây
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế gia vị
Rang thảo quả + lá chanh trước. Sau cho nhanh hoa tiêu, hạt tiêu rang vài chục giây cho thơm rồi nhấc luôn ra khỏi bếp kẻo cháy.
Giã phần hạt tiêu, hoa tiêu, nụ đinh hương.
Trộn đều tất cả gia vị. Trộn muối hồng, bột nghệ, bột nêm gà, đường và phần bột đã giã của hạt tiêu hoa tiêu, nụ đinh hương.
Bước 2: Ướp gà
Thoa đều gia vị cả trong và ngoài ra rồi ướp trong 30 phút.
Bước 3: Chần gà
Đun 1 nồi nước, cho 5 củ hành đập dập, 3 cây sả đập dập cho vào nồi nước đun âm ấm. Cho gà vào nồi đậy vung lại đun ở lửa vừa, 5 phút mở nồi đảo gà 1 lần. Chần gà trong vòng 15 phút.
Bước 4: Ủ
Vớt gà ra để nguội, lấy khay hứng dầu của nồi chiên không dầu. Lót lớp giấy bạc, đổ muối hạt lên, xếp sả đập dập, cắt củ hành tây xếp lên trên.
Đặt gà lên trên như ảnh.
Cho khay gà vào nồi chiên không dầu hoặc lò nướng. Bật 100 độ trong 1h tới 1h30 phút. Lưu ý, chỉ chọn nhiệt dưới, không chọn nhiệt trên làm gà sẽ bị khô. Nếu nồi chiên không dầu nhà bạn nào không có nhiệt dưới thì mọi người có thể chọn phương pháp ủ muối bằng nồi trên bếp ga/bếp từ, chỉ có điều là phải canh không dễ cháy muối. Với gà to hơn thì set tăng thời gian lên nhé.
Sau khi gà ủ xong, da căng giòn, thịt chín tới mềm ngọt.
Bạn có thể phi thơm mỡ gà với chút bột nghệ, dùng chổi phết khắp gà cho gà vàng và bóng đẹp hơn. Gà ủ muối hoa tiêu làm vào dịp Tết cho cả nhà thưởng thức thì còn gì bằng. Để dành thắp hương cũng rất đẹp.
Bước 5: Pha nước chấm gà
Cho 1 thìa cafe mắc khén giã + hạt dổi rang thơm giã nhỏ + tiêu vào bát, thêm 2 thìa bột canh hảo hảo + vắt 5-6 quả quất/ hoặc 1 quả chanh to vào.Thêm chút đường/hoặc chút sữa đặc khuấy đều lên. Sau đó thêm vài lát quất, lá chanh thái sợi, ớt băm nhỏ trộn đều lên.
Khi ăn, chấm gà ủ muối hoa tiêu với nước chấm trên, da gà giòn giòn, thịt ngọt ngọt thơm nức thật không còn gì hấp dẫn bằng!
2. TÔM NƯỚNG BƠ TỎI
Nguyên liệu:
- 700gram tôm sú (hoặc tôm càng)
- 3 muỗng cafe tỏi băm
- 3 muỗng canh bơ lạt
- 250g phô mai mozzarella
Cách làm tôm nướng phô mai:
- Tôm mua về rửa sạch, cắt bớt râu và chân. Dùng kéo hoặc một con dao có đầu nhọn, sắc khía một đường dọc thân lưng của con tôm để lấy chỉ đen.
- Trộn bơ, tỏi băm, phô mai cùng nhau trong một chén con. Sau đó cho phần nhân vừa trộn lên thân từng con tôm và để ướp trong khoảng 10 – 15 phút.
- Nướng tôm: Bật nồi chiên ở nhiệt độ 180 độ C, làm nóng nồi chiên trong 5 phút. Cho giấy bạc vào nồi chiên và xếp tôm vào nồi chiên nướng ở 180 độ trong 15 phút.
- Khi tôm chín, cho tôm ra dĩa. Khi ăn chấm tôm với muối tiêu xanh hoặc muối tiêu chanh đều ngon.
3. BÒ CUỐN CẢI
Nguyên liệu làm bò cuốn lá cải
- Thăn lưng bò: 500g. (Mọi người có thể dùng phần thăn bò hoặc diềm bò ta cũng được, thăn bò ta thì sẽ hơi khô một chút).
- 1 quả dưa chuột, 1 củ cà rốt, 1 quả chuối xanh, ½ quả dứa, có thể thêm khế
- Lá cải mơ (cải canh)
- 1 nhánh nhỏ gừng
- Xì dầu (nước tương), mù tạt, muối tiêu omaha, dầu ăn
Cách làm bò cuốn lá cải ngon
- Chuối xanh tước vỏ ngoài, thái con chì, rồi ngâm với chút nước pha giấm. Vớt ra rửa sạch để ráo. Chuối nên làm sau để đỡ thâm.
- Cà rốt, dưa chuột, dứa làm sạch rồi thái hình con chì.
- Rau cải nhặt lấy phần đầu lá, rửa sạch, để ráo nước.
- Thái gừng thành sợi, ngâm cùng chút nước. Gần ăn thì vớt ra cho ráo, cuộn ăn kèm.
- Rửa sạch thịt rồi thấm khô, không để dính nước. Ướp thịt cùng ít muối tiêu (ít thôi) khoảng 5 phút. Ướp đơn giản để món bò cuốn lá cải có thể giữ được hương vị đặc trưng của thịt.
- Cho xíu dầu ăn tráng chảo, sau đó đem áp chảo mỗi mặt khoảng 4 phút. Thời gian áp chảo tuỳ thuộc vào độ dày của từng miếng thịt và độ chín mong muốn. Hôm rùi mình áp chảo 4 phút là medium luôn.
Áp chảo xong thì cho thịt lên thớt, để thịt nghỉ một chút rồi mới thái hình con chì vừa ăn. Để thịt nghỉ sẽ giúp bề mặt thịt được săn lại nhưng vẫn giữ được độ mềm và mọng nước bên trong khi đem thịt bò cuốn lá cải.
- Làm nước chấm món thịt bò cuốn lá cải: Cho xì dầu vừa ăn, thêm mù tạt, khuấy đều. Có thể thêm vài lát ớt cay tuỳ thích.
Thưởng thức: Cho lần lượt thịt bò rồi rau củ, gừng, mỗi thứ một ít cuộn lại rồi chấm cùng xì dầu mù tạt là xong.
Còn nếu muốn cuộn sẵn thì chuẩn bị vài cọng hành lá, chần qua nước sôi cho mềm. Rồi cuộn tới đâu mình cột thắt nút tới đó là được. Khi ăn thịt bò cuốn lá cải, cầm từng cuộn thịt bò cuốn lá cải chấm với nước chấm pha mù tạt rồi chầm chậm nhâm nhi, thưởng thức.
4. CÁ NƯỚNG LÁ CHUỐI
Nguyên liệu:
- 500g cá rô phi phi lê
- 5-7 củ sả; 2 củ hành
- 1 củ tỏi; 1 nhánh gừng; 2 quả ớt hiểm
- Gia vị: Dầu hào, dầu ăn, bột nghệ, bột canh, bột nêm.
- Khế, chuối xanh, rau thơm ăn kèm
- Nem cuốn
- Lá chuối (nếu ở thành phố, bạn có thể tìm mua ở các hàng bán các loại rau thập cẩm)
Cách làm:
Cá phi lê sau khi làm sạch dùng khăn thấm khô và cắt làm 2-3 miếng cỡ vừa (không nên cắt bé vì cá sẽ bị nát).
Sả, hành, tỏi bóc lớp vỏ ngoài, cắt sả thành miếng nhỏ rồi cho vào xay nhuyễn cùng với ớt hiểm.
Đổ hỗn hợp vừa xay ra bát trộn cùng với 2 thìa dầu hào, 2 thìa dầu ăn, 1 thìa bột nêm, 1 thìa hạt tiêu, 1 thìa bột canh, 1 ít gừng thái chỉ. Trộn đều thành khối đồng nhất.
Cho phần hỗn hợp này vào cá, sát phần gia vị đều lên cá và ướp cá khoảng 30 phút trước khi nướng.
Lá chuối rửa sạch, lau khô. Đặt cá vào giữa rồi gấp lại.
Xếp cá nướng vào vỉ và nướng (bạn có thể nướng bằng lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C). Khi thấy lớp lá chuối ngoài khô, giòn, có mùi thơm là cá chín.
Cá chín, xếp ra đĩa ăn kèm với bún chấm mắm gừng chua ngọt.
5. DẠ DÀY NHỒI LÁ MÓC MẬT HẤP
Nguyên liệu:
- 1 cái dạ dày lợn, lá mắc mật.
- Gia vị: Bột canh, nước mắm, hạt tiêu, ớt.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
Chọn một cái dạ dày tươi, dày, không chọn cái mỏng. Đem lộn trái rửa qua cho đỡ bọt nhớt.
Đun một nồi nước sôi, cho dạ dày vào chần khoảng 40 giây tính từ lúc thả dạ dày vào và nước sôi trở lại.
Vớt ra tuốt bỏ phần màng trắng ở ống dẫn và các phần vàng vàng xung quanh. Khi chần rồi các chất nhầy còn lại cũng bị loại bỏ rất dễ dàng.
Xát sạch dạ dày bằng muối hạt khoảng 1 phút. Lưu ý, đừng xát lâu sẽ làm dạ dày ngấm mặn và dễ bị dai. Các bạn có thể tẩy sạch mùi của dạ dày bằng chanh, dấm hoặc mẻ.
Bước 2: Ướp
Sau khi làm sạch dạ dày xong, đem ướp. Gia vị ướp dạ dày gồm bột canh, nước mắm, hạt tiêu, lá lắc mật thái nhỏ, mỗi thứ vừa đủ, cùng 1 quả ớt.
Lưu ý nên ướp nhạt vì dạ dày dễ ngấm mặn. Hơn nữa dạ dày nhạt một chút để lát sau còn chấm sẽ ngon hơn. Ngoài ra, để lại vài lá nguyên trang trí cho đẹp.
Lộn trái và lộn phải dạ dày để trộn gia vị cho thấm, nhét thêm ít lá vào trong dạ dày.
Cho dạ dày vào trong một bát, thêm 1/3 bát ăn cơm nước thôi vì khi đun dạ dày sẽ tiết ra nước. Cho bát vào nồi hấp, đun sôi rồi hạ lửa nhỏ liu riu chừng 30 phút hoặc đến khi thấy xiên đũa qua được là chín.
Đem dạ dày ra thái miếng vừa ăn.
Khi ăn chấm với nước mắm pha hạt tiêu, ớt cực ngon.
Dạ dày hấp giòn giòn, tươi ngon, thanh mát, thoang thoảng mùi má mắc mật thơm nức mũi chắc chắn ai thấy cũng phải thèm chảy nước miếng.
Chúc các bạn thành công!
MINH NGỌC