Anh H.Q.Q (25 tuổi, ở Hà Nội) gần đây xuất hiện tình trạng sưng tấy, nổi ban vùng sinh dục, sưng hạch bẹn nên đã đến bệnh viện thăm khám. Qua khai thác tiền sử, anh Q cho biết, anh đã có bạn gái và quan hệ chung thủy với duy nhất người phụ nữ này, chưa bao giờ có quan hệ ngoài luồng nào khác.
Khi hỏi kỹ hơn nam thanh niên cho biết, bạn gái anh đã điều trị giang mai sinh dục được một thời gian, dù bác sĩ khuyên không nên hoặc chỉ quan hệ tình dục khi dùng biện pháp an toàn nhưng cả hai đã bỏ ngoài tai. Họ cho rằng, đã uống thuốc là không lây bệnh, vì thế quá trình sinh hoạt tình dục không sử dụng bao cao su.
Sau khi khai thác tiền sử, anh Q được làm xét nghiệm các tác nhân bệnh lây qua đường tình dục, kết quả dương tính với giang mai. Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Chí Cương - Chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học nhiệt đới cho biết, đây là trường hợp điển hình cho việc chủ quan, không tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Theo bác sĩ Cương, vi khuẩn giang mai có tốc độ lây lan nhanh, bởi vậy nếu chủ quan sẽ dễ dàng lây nhiễm bệnh.
Bác sĩ Ngô Chí Cương cho biết, rất nhiều người chủ quan khi "yêu" dẫn tới mắc bệnh tình dục. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Cương chia sẻ, giang mai là xoắn khuẩn Treponema pallidum lây truyền qua đường tình dục. Chúng có khả năng đề kháng kém, không thể sống sót bên ngoài cơ thể quá lâu, dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, chất sát khuẩn và xà phòng. Tuy nhiên, khi đã xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai có thể tồn tại rất lâu, thậm chí lên đến hàng chục năm.
Ở giai đoạn sớm, bệnh gây tổn thương ở da, niêm mạc. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tổn thương các tổ chức và cơ quan khác của cơ thể như cơ, xương, khớp, tim mạch và thần kinh. Những biến chứng nặng nề hơn của bệnh có thể kể đến như viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, bại liệt toàn thân, rối loạn tâm thần, viêm gan.
Các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có khoảng thời gian ủ bệnh khác nhau từ khi các tác nhân xâm nhập vào cơ thể, cho đến khi các triệu chứng xuất hiện. Một số giai đoạn ủ bệnh chỉ kéo dài vài ngày, trong khi những giai đoạn khác có thể kéo dài hàng tuần, hoặc hàng tháng.
Bác sĩ Cương cảnh báo, giang mai cũng như các nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) nói chung như lậu, herpes sinh dục, sùi mào gà, HIV... ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng. Điều này gây khó khăn để người dân nhận biết và tới cơ sở y tế thăm khám kịp thời.
Quan hệ tình dục an toàn là cách tốt nhất để phòng bệnh lây qua đường tình dục. Ảnh minh họa.
Để phòng bệnh, bác sĩ Cương khuyến cáo, người dân nên có đời sống tình dục lành mạnh, quan hệ chung thủy một bạn tình và sử dụng biện pháp an toàn để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm không mong muốn. Bên cạnh đó, dù không xuất hiện triệu chứng nhưng bất kỳ người dân nào có hoạt động tình dục nên có thói quen tầm soát bệnh lý lây truyền qua đường tình dục định kỳ.
Hiện nhiều người dân mang tâm lý e ngại và có xu hướng trì hoãn thăm khám bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên đây chính là nguyên nhân khiến bệnh âm thầm tiến triển, lây lan rộng rãi trong cộng đồng.
Do đó, nếu người dân thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vùng kín như viêm, sưng đau, ngứa rát, tiểu buốt... nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Với người đang điều trị bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, nhất là trong sinh hoạt tình dục. Trước khi muốn có con tự nhiên, cần thăm khám, làm xét nghiệm để loại trừ nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
LÊ PHƯƠNG.