Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước (1905- 1950), hay còn được biết đến với cái tên "Tây nửa vời"- George Phước. Ông là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng ở tỉnh Mỹ Tho cũ, sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, Mỹ Tho (nay là phường 3, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ông George Phước cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai nên người đời dành cho ông mỹ danh "Bạch công tử", cũng là để phân biệt với Hắc công tử Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu).
Trong một lần sang Pháp tham dự hội chợ, ông Sủng đã đưa Bạch công tử đi du học tại đây với hy vọng con trai có thể tiếp thu kiến thức và văn minh từ phương Tây, học hành thành tài. Tuy nhiên, ông Sủng không ngờ được rằng chuyến du học này lại mở ra những ngày tháng ăn chơi quên lối về của con trai mình.
Cuộc đời vị công tử này trải qua đủ thứ xa hoa và khốn khó để rồi cuối đời cô độc, ra đi trong tay không có một đồng xu. Nhiều cuộc tình của Bạch công tử đã trở thành giai thoại không thể nào quên đối với người dân đất phương Nam.
Bạch công tử đam mê cải lương và mối tình với nghệ sĩ cải lương Phùng Há
Sang Pháp du học, Bạch công tử như chim sổ lồng, tối ngày chuyên tâm vào chuyện ăn chơi và nhanh chóng kết thân với giới quý tộc qua tham gia những buổi tiệc xa hoa, đình đám. Nhiều tài liệu kể lại, ông Lê Công Phước thường xuyên ở lại những khách sạn đắt đỏ bậc nhất kinh đô ánh sáng. Ông lựa chọn những trang phục và đồ dùng sành điệu nhất, đẳng cấp nhất.
Có thói ăn chơi trụy lạc nhưng Bạch công tử lại có niềm đam mê mãnh liệt với cải lương nên ông đã lập gánh hát Huỳnh Ký ngay sau khi về nước. Đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở miền Nam thời bấy giờ.
Lúc đó, hầu hết gánh hát đều đi lưu diễn bằng một chiếc ghe chèo thì Bạch công tử tậu hẳn 3 chiếc ghe gắn máy để chở đoàn đào kép. Nhờ vậy, gánh hát của Bạch công tử tới được cả vùng xa xôi hẻo lánh, phục vụ người dân. Vì thế, ông được coi là người có đóng góp to lớn cho nghệ thuật cải lương ở miền Nam khi đó.
Bạch công tử và người vợ là nghệ sĩ cải lương Phùng Há
Phong lưu đa tình nhưng Bạch công tử nhanh chóng trúng "tiếng sét ái tình" với cô đào Phùng Há. Sau khi chinh phục được người đẹp và kết hôn, ông để vợ quản lý gánh hát Huỳnh Ký. Tiền đầu tư không bao giờ phải nghĩ cùng sự dẫn dắt tài tình của bà Phùng Há nên gánh hát ngày càng nổi tiếng hơn. Cuộc hôn nhân của ông trải qua khá êm đềm, bà Phùng Há sinh cho ông 2 người con, cậu con trai tên Paul Lộc và con gái tên Suzane.
Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua nhưng sau 7 năm miệt mài lao động, Bạch công tử lại trở về với cờ bạc, rượu chè, gái gú mà không quan tâm chăm chút gánh hát. Vợ ông một mình vừa chăm con vừa quản lý quán xuyến cả gánh hát nên dần dần gánh hát không còn được như trước, tàn lụi dần.
Thêm vào đó, con cái ốm đau triền miên, chồng mải mê chạy theo các cô đào khác nên bà Phùng Há quyết định ly hôn. Một thời gian sau, 2 con mất vì bệnh tật, bà Phùng Há tự mình xây dựng lại sự nghiệp. Để đến hôm nay, hình ảnh của bà luôn ngự trị trong lòng khán giả hâm mộ cải lương.
Những cuộc tình lưu truyền hậu thế của Bạch công tử
Đam mê tửu sắc, ăn chơi đàn đúm dần trở thành bản chất của Bạch công tử, đến nỗi chỉ cần nhắc đến tên ông là hàng loạt những giai thoại hiện lên trước mắt. Trong số đó, có 2 mối tình được cho là gắn với cuộc đời vị công tử hào hoa này.
Mối tình với công chúa Nga - Princesse Olga
Theo lời của gia đình tiết lộ, thời gian 2 năm du lịch và ăn chơi ở Pháp (1931- 1932), Bạch công tử có một người tình quý tộc tên Princesse Olga. Nàng là một cô gái Nga tuổi mới lớn, thuộc dòng dõi Nga Hoàng Nicolai II. Đêm nào 2 người cũng có mặt tại những tụ điểm ăn chơi nức tiếng tại khu Saint Germain des Prés, khu Champs Élysée, khu Montmarte,.... Bạch công tử cùng công chúa Olga là cây đinh của những buổi tiệc tùng sang trọng.
Trong 18 tháng ăn chơi ở châu Âu, Bạch công tử có lịch trình hưởng lạc thú trải khắp nơi trên đất Pháp. Vào mùa hè, ông cùng bạn bè lái xe xuống phía Nam, ăn chơi tại các thành phố biển danh tiếng như Nice, Cannem,..... Khi cao hứng thì vượt rặng Pyrénées cùng người tình Olga qua Tây Ban Nha xem đấu bò hoặc khiêu vũ. Mùa đông, ông cùng công chúa Olga đón Giáng sinh tại Paris rồi cùng nhau đi trượt tuyết ở núi Alpes.
Bạch công tử và công chúa Olga
Dùng tiền nấu chè chinh phục đệ nhất mỹ nhân Ba Trà
Cô Ba Trà, tên thật Trần Ngọc Trà sinh năm 1906. Cô có một tuổi thơ bất hạnh, 18 tuổi đã có 3 đời chồng đều không hạnh phúc. Cả 3 người chồng của cô đều có tính lăng nhăng, không trân quý cô trong khi nhan sắc cô thuộc dạng "nghiêng nước nghiêng thành". Chán ghét cuộc sống hôn nhân, cô lao vào hàng loạt cuộc tình chóng vánh.
Cô Ba Trà gặp Bạch công tử vào thời điểm nhan sắc đỉnh cao, tiền bạc của người tự dâng hiến. Để được gần cô, Bạch công tử đã đưa cô về Cần Thơ chơi và tặng chiếc nhẫn kim cương giá trị lên đến 50 lượng vàng.
Bạch công tử vì mê cô Ba Trà đã cùng nhà triệu phú trẻ tuổi họ Lương bỏ tiền để cô trả nợ và xây một căn phố lầu sang trọng để làm tổ ấm. Thậm chí, ông còn chi cả "núi" tiền để thi nấu chè với Hắc công tử để mua vui cho cô Ba Trà.
Thế nhưng, bản thân cô Ba Trà thừa nhận chưa từng yêu Bạch công tử. Ông cũng chỉ là một trong những người tình một thời của Ba Trà vì giai nhân Sài Gòn coi đời "lạnh như băng", yêu nhiều người nhưng không gắn bó với ai.
Cuối đời cô đơn, không tiền bạc
Được thừa hưởng khối tài sản kếch xù cha để lại lúc qua đời nhưng Bạch công tử không giữ nổi sản nghiệp vì máu ăn chơi xa hoa. Của cải cha ông để lại nhanh chóng "đội nón" ra đi với thói ăn chơi quên ngày tháng của ông. Từ thiếu gia ăn sung mặc sướng, Bạch công tử bỗng chốc chẳng còn gì trong tay.
Những năm tháng cuối đời, ông sống một mình trong căn nhà trọ tồi tàn nhưng nhất quyết không nhờ vả ai. Đến khi qua đời, cũng chỉ có người em nuôi tên Nguyễn Hoàng Phi ở cạnh.
Sinh thời tiêu tiền như nước khiến nhiều người ngưỡng mộ nhưng phút cuối đời lại đầy bi kịch, cô đơn, nghèo khó. Ngày nay, mộ phần của ông nằm chơ vơ giữa những khóm dừa hiu quạnh. Ai ai cũng tiếc cho một vị đại thiếu gia, giá biết dừng đúng lúc thì có lẽ kết cục không thảm thương như thế.
H.A