Tin tức 24h: Bị đề nghị tử hình, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ngất xỉu

Google News

Bà Trương Mỹ Lan ngất xỉu, đổ xuống khi nghe đại diện VKS đề nghị mức án tử hình.

Bị đề nghị tử hình, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ngất xỉu

Chiều 19/3, sau phần luận tội, đại diện cơ quan công tố tại tòa đề nghị tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 19-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt mức án tử hình.

Ông Chu Lập Cơ bị đề nghị từ  11 -12 năm tù. Trương Huệ Vân, cháu gái và là con nuôi  của  Trương Mỹ Lan bị đề nghị từ 19 – 20 năm tù.

Bà Trương Mỹ Lan (bên trái) bị đề nghị mức án tử hình.

Các bị cáo khác là cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thể khắc phục. Bùi Anh Dũng: chung thân; Võ Tấn Hoàng Văn: chung thân.

Đại diện VKS cũng đề nghị mức án đối với 5 bị cáo đang bị truy nã và được xét xử vắng mặt. Cụ thể, Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Ngân hàng SCB): chung thân, bị cáo Trầm Thích Tồn (Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) bị đề nghị 15-16 năm tù. Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) bị đề nghị 16-17 năm. Nguyễn Lâm Anh Vũ (Phó Giám đốc ngân hàng SCB, chi nhánh Bến Thành) bị đề nghị từ 12-13 năm. Chiêm Minh Dũng (Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB, đang bỏ trốn) bị đề nghị 16-17 năm tù.

Nhóm các bị cáo là cán bộ thanh tra: bà Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước): chung thân về tội “Nhận hối lộ”.

Bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạnh trong khi thi hành công vụ”, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Nguyên Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị 14 -15 năm tù. Cùng tội danh, Nguyễn Thị Phụng (Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị 4 -5 năm tù. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 3 năm tù nhưng cho hưởng treo đến từ 3 - 4 năm tù.

Nhóm các bị cáo là cán bộ thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Nguyễn Văn Dũng (Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh): 11 -12 năm; Nguyễn Thị Phi Loan (nguyên Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh): 6 -7 năm; Võ Văn Thuần (Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh): 7 -8 năm; Phan Tấn Trung (Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh): 7 -8 năm, Nguyễn Tín (nguyên Thanh tra viên, Phó Trưởng phòng Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (Cục II cũ) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN): 5 -6 năm.

Nguyễn Cáo Trí bị đề nghị 10 -11 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trương Huệ Vân bị đề nghị mức án từ 19 - 20 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ số tiền 677.000 tỷ đồng và lãi phát sinh thiệt hại cho SCB.

Đối với Nguyễn Cao Trí, tạm giữ tiền, kê biên bất động sản của Trí để đảm bảo thi hành án. Tiếp tục kê biên tài sản của Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Với 1.169 bất động sản, VKS đề nghị HĐXX giải quyết theo quy định pháp luật. Các mã tài sản đang thế chấp tại SCB: giao cho SCB thu hồi nợ. Cơ quan công tố đề nghị tịch thu toàn bộ số tiền các bị cáo hưởng lợi, tự nguyện khắc phục thiệt hại trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan

Vụ nợ Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Ngân hàng khẳng định hệ thống tính lãi suất không sai?

Liên quan đến sự việc khách hàng nợ Eximbank 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, ngày 18/3, từ thông tin liên hệ trên thông cáo báo chí, phóng viên đã liên hệ với cán bộ truyền thông của ngân hàng Eximbank. Trao đổi nhanh với phóng viên Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), một cán bộ truyền thông ngân hàng Eximbank khẳng định, dự kiến hôm nay (19/3), Eximbank sẽ làm việc với khách hàng P.H.A (ở Quảng Ninh).

Theo người này, ngân hàng đang tìm phương án tốt nhất để giải quyết cho khách hàng, trên cơ sở đồng hành với khách hàng nói riêng và bảo vệ những người dùng thẻ tín dụng nói chung.

"Lãi suất tính trên hệ thống, chúng tôi tính đúng", người này khẳng định và cho biết: "Người dùng thẻ tín dụng đủ các tầng lớp và đủ uy tín, phía ngân hàng mới cấp tín dụng nhưng ít ai biết những quy định khi sử dụng thẻ tín dụng".

Công văn nhắc nợ được Eximbank AMC gửi đến khách hàng P.H.A. Ảnh: ManTV.

"Khi gặp khách hàng, đi đến thỏa thuận với khách, phía ngân hàng sẽ có thông cáo chính thức đến báo chí, dư luận và khách hàng liên quan đến sự việc này", một cán bộ Eximbank cho hay.

Được biết, hôm nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã nhận được và đang xem xét báo cáo chi tiết về vụ việc của Eximbank.

Trước đó, thông cáo phát đi ngày 13/3, ngân hàng Eximbank khẳng định, đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.

Việc Eximbank phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.

Về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/03/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).

Đại diện Eximbank cho biết, khách hàng P.H.A thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/03/2013 với hạn mức 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).

Phát sinh 02 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/04/2013 và 26/07/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch.

Từ ngày 14/09/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.

Sau đó, Eximbank đã thực hiện các thủ tục để thu hồi khoản nợ của ông P.H.A, cụ thể:

Ngày 16/09/2013: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã thông báo bằng văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Ngày 12/12/2017: Khách hàng có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Ngày 23/12/2017: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản phúc đáp về nghĩa vụ thanh toán, đồng thời đề nghị ông P.H.A có phương án thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng.

Ngày 19/08/2021: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông P.H.A.

Ngày 10/05/2022: Eximbank AMC tiếp tục có buổi gặp gỡ ông P.H.A để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.

Ngày 08/11/2023: Eximbank AMC có Công văn số 2155/2023/EIBA/CV-TGĐ gửi ông P.H.A để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng thực hiện xử lý khoản nợ nêu trên.

Mẹ nữ sinh giao gà kêu oan rồi ngất xỉu tại phiên tòa phúc thẩm

Sáng 19/3, TAND cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Hiền (49 tuổi, trú tại Điện Biên) về tội mua bán trái phép chất ma túy. Bà Hiền được biết đến là mẹ của "nữ sinh giao gà" - nạn nhân trong vụ án giết người từng gây chấn động dư luận tại tỉnh Điện Biên.

Tại phiên tòa hôm nay, bà Hiền tiếp tục kêu oan. Do các luật sư bào chữa vắng mặt (có đơn xin vắng và đề nghị hoãn), sức khỏe lại không đảm bảo, bà Hiền đề nghị hoãn phiên tòa, nhưng không được hội đồng xét xử chấp nhận.

Bị cáo Trần Thị Hiền (hàng đầu) tại phiên tòa sáng 19/3. Ảnh: Vietnamnet

Quá trình xét hỏi, mẹ nữ sinh giao gà bị ngất xỉu, được kiểm tra y tế. Con gái bị cáo là Cao Thảo Loan quá bức xúc vì các đề nghị hoãn phiên tòa của mẹ mình không được đồng ý, phản ứng gay gắt nên cán bộ hỗ trợ tư pháp phải dẫn giải ra ngoài, không cho tiếp tục dự tòa.

Do các điều kiện không đảm bảo, cuối cùng vị chủ tọa đã phải thông báo hoãn phiên xử và chưa ấn định thời gian mở lại.

Hồ sơ vụ án cho thấy giữa tháng 5/2017, Bùi Văn Công đi xe máy đến nhà bà Hiền hỏi mua gà. Tại đây, bị cáo Hiền hỏi Công "có heroin bán không", nếu có thì mua 4 bánh.

Hai bên thống nhất giá mua là 160 triệu đồng/bánh. Sau cuộc thương lượng, Công đến nhà Thu đặt mua 4 bánh heroin với giá 150 triệu đồng/bánh.

Ít ngày sau, Hiền đến hỏi Công có heroin chưa và được bị cáo này trả lời "chỉ có 2 bánh thôi". Hiền nhất trí và bảo khi nào có thì gọi điện thoại hẹn đến khu vực nghĩa trang xã Thanh Hưng giao hàng.

Tại khu vực nghĩa trang, Công gọi điện thoại cho Hiền. Hiền nhận hàng, bỏ vào chiếc làn treo trên xe máy rồi đưa túi màu xanh chứa 290 triệu đồng cho Công, xin nợ lại 30 triệu đồng.

Toàn bộ việc mua bán 2 bánh heroin giữa Công và Hiền có sự chứng kiến của Lường Văn Hùng. Mua bán ma túy xong, Hiền quay xe hướng về UBND xã Thanh Hưng, Công và Hùng mang 290 triệu đồng trả cho Vì Thị Thu, xin nợ lại 10 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng xác định bà Hiền là người đặt vấn đề và trực tiếp giao dịch 2 bánh heroin với Công. Thu là người tìm mua 2 bánh heroin về bán cho Công, Vì Văn Toán (chồng của Thu) giúp sức tích cực.

Quá trình xét xử sơ thẩm, bà Hiền liên tục kêu oan, cho rằng bị các bị cáo khác đổ tội. "Nếu tôi bán ma túy thì có chết cũng không hối hận, vì đó là cái chết trắng. Bọn chúng do nghiện ma túy nên bắt cóc, hiếp dâm, giết con tôi", bị cáo Hiền nói.

Bị cáo cho rằng Công và Hùng âm mưu sát hại con gái rồi đổ tội cho mình nên lời khai của họ không đầy đủ, không thống nhất về số tiền.

Hà Nội: Phạt người bán túi táo nhỏ với giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài

UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ) cho biết, lực lượng chức năng của phường vừa lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 150.000 đồng đối với bà B.T.L (quê ở Hưng Yên, hiện tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình) do bán hàng rong sai quy định và không niêm yết giá. Bà L là người bán hàng rong, có hành vi bán túi táo nhỏ với giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh hai du khách được một người phụ nữ bán hàng rong mời ăn thử táo. Sau đó, một du khách hỏi người bán số tiền cho túi táo (How much?). Du khách đưa tờ 200.000 đồng, nhưng thấy quá ít táo nên không đồng ý và yêu cầu người bán trả lại tiền thừa. Người bán hàng rong không đồng ý, sau đó hai bên giằng co. Sự việc chỉ dừng lại khi một bảo vệ khuyên người bán hàng trả lại tiền cho du khách.

Túi táo nhỏ được bán với giá 200.000 đồng

Đoạn clip sau khi được đăng tải đã thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng người bán hàng rong đã “chặt chém”, làm xấu hình ảnh của Hà Nội trong mắt du khách nước ngoài.

Chiều ngày 18/3, UBND phường Bưởi đã mời người bán hàng rong lên làm việc.

Tại buổi làm việc, bà B.T. L cho biết, ngay tại thời điểm bán hàng đã nhận thấy việc bán túi táo nhỏ cho khách với mức giá 200.000 đồng là không đúng nên đã trả lại tiền. Bà cũng nhận thức được rằng, hành vi của mình đã tạo hình ảnh không đẹp về Hà Nội đối với du khách nước ngoài. Bà L xin lỗi và cam kết sẽ không tái phạm.

Sau khi xác định rõ các lỗi vi phạm, lực lượng chức năng phường Bưởi đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà L số tiền 150.000 đồng, do bán hàng rong sai quy định và không niêm yết giá.

Không chịu uống bia cùng khách, nhân viên quán karaoke bị quản lý bán giá 20 triệu đồng

Ngày 19/3, thông tin từ Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị vừa bắt giữ 4 nghi phạm để làm rõ hành vi mua bán một nữ tiếp viên quán karaoke.

Trước đó, ngày 15/3, Công an thành phố Buôn Ma Thuột nhận được đơn trình báo của một cô gái (19 tuổi, trú huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) - là nhân viên một quán karaoke trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Theo đơn, cô gái tố cáo bị quản lý quán này bán cho một người khác với giá 20 triệu đồng.

Nhóm nghi phạm tại cơ quan công an.

Vào cuộc điều tra, Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã tạm giữ 4 đối tượng có liên quan gồm: Huỳnh Minh Hùng (36 tuổi, trú phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột); Mai Gia Bảo (20 tuổi), Hoàng Trọng Khiên (20 tuổi) và Lê Hồ Nhật Tân (17 tuổi), cùng trú huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Theo điều tra ban đầu, Hùng là quản lý của một quán karaoke trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Quá trình làm quản lý, Hùng có tuyển nhân viên nữ làm công việc phục vụ rót bia, bấm bài cho khách hát.

Qua các mối quan hệ xã hội, Hùng quen biết với Bảo (người dẫn dắt tiếp viên nữ cho các quán karaoke tại huyện Krông Năng).

Tối 13/3, khách đến hát có phàn nàn với Hùng về việc cô gái trên (người viết đơn trình báo) không chịu uống bia cùng khách. Bực tức nên Hùng đã gọi nữ nhân viên ra nói chuyện, tát vào mặt và gọi điện thoại "bán" cô gái cho Bảo với giá 20 triệu đồng. Ngay trong đêm, Bảo rủ Khiên và Tân lên thành phố Buôn Ma Thuột để đưa nữ tiếp viên về huyện.

Khám xét nhà các đối tượng, Công an đã thu giữ một khẩu súng của Khiên.

Hiện Công an thành phố Buôn Ma Thuột đang tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố 4 đối tượng trên cùng về hành vi “Mua bán người”.

H.A