Ngày 10/1, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang cho biết, VKSND huyện Sơn Động đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với anh M.V.H. (Trú huyện Sơn Động) về tội “Vô ý làm chết người”.
Theo VKSND tỉnh Bắc Giang, khoảng 11h30 ngày 29/10, sau khi nghe thông tin con trai mình là N. (đang là học sinh lớp 6) thời gian gần đây học tập kém, thường bị thầy cô kiểm điểm, anh H. bực tức nên lấy xe máy đi tìm cháu N.
Ảnh minh hoạ: Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường.
Khi gặp cháu N. đang trên đường đi học về, H. dựng xe rồi dùng tay, dùng dép đánh cháu N. Tiếp đó, H. mở cốp xe lấy chiếc bật lửa ga và sẵn có chai xăng đi làm về treo ở xe dọa đốt sách không cho cháu N. đi học nữa, mục đích để dạy con. Thấy gần bờ ruộng có một đám cỏ khô, H. dùng bật lửa đốt đống cỏ sau đó mở nắp chai xăng và đổ xăng xuống đám lửa đang cháy làm đám lửa cháy bùng lên. H. đi về phía cháu N đứng cách đống lửa khoảng 3-4 mét cầm chai xăng vẩy lên cặp sách cháu N đang đeo trên lưng dọa đốt hết sách.
Thấy cháu N. khóc và xin lỗi nên H. dừng lại, quay người định lấy xe đưa con về nhà nhưng sau đó nghe tiếng kêu và lửa bén vào người cháu N. Thấy vậy, H. chạy lại tháo cặp sách khỏi người và ôm con xuống ruộng lúa, té nước lên người con để dập lửa rồi đưa đi bệnh viện cấp cứu. Quá trình điều trị, đến ngày 14/11/2022, cháu N. tử vong.
Đi xin học cho cháu, trộm luôn tiền của nữ hiệu trưởng
Theo báo VietNamNet, ngày 10/1, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Hồng Tuyết (29 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) và Phan Thị Xiếu (31 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) về tội “Trộm cắp tài sản”.
Theo cáo trạng, do không có nghề nghiệp, tháng 11/2020, Tuyết và Xiếu rủ nhau tới các cửa hàng bán quần áo, túi xách… giả vờ vào mua hàng để tìm cách trộm cắp tài sản.
Khoảng 12h ngày 22/11/2020, Tuyết chở Xiếu tới cửa hàng quần áo của chị Huỳnh Yến N. (ở huyện Bình Chánh) giả vờ mua quần áo. Tại đây, Xiếu yêu cầu chị N. đi lấy quần áo cho mình mặc thử. Trong lúc chị N. loay hoay lấy đồ cho khách, Tuyết nhanh tay lấy trộm chiếc điện thoại iPhone X của chị N. để trên quầy tính tiền.
Sau đó, Tuyết và Xiếu đem bán chiếc điện thoại được 2,6 triệu đồng, chia nhau tiêu xài.
2 bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Ngày hôm sau, cả hai lại tiếp tục tới cửa hàng bán chăn, gối, nệm ở khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh). Với thủ đoạn cũ, trong lúc chủ cửa hàng lấy đồ cho Tuyết xem, thì Xiếu nhanh tay nẫng chiếc điện thoại iPhone 12.
Bằng thủ đoạn vờ đi mua hàng, Tuyết và Xiếu thực hiện thành công thêm nhiều vụ trộm điện thoại khác.
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2020, Xiếu và Tuyết cùng nhau thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn TP.HCM, tổng giá trị tài sản đã chiếm đoạt của các bị hại là hơn 71 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định vào khoảng cuối năm 2019, Xiếu chở một người tên Dung (chưa rõ lai lịch) đến một trường mần non tại phường 11, quận Gò Vấp để Dung xin nhập học cho cháu. Tại đây, Xiếu và Dung được nữ hiệu trưởng mời vào phòng làm việc. Lợi dụng lúc hai người nói chuyện, Xiếu lén lút kéo chiếc túi xách (bên trong có 5,7 triệu đồng) trên bàn làm việc của hiệu trưởng lại gần, lục tìm tài sản bên trong để lấy trộm thì bị phát hiện, bắt giữ. Công an phường 11, quận Gò Vấp đã làm việc và tiếp nhận người bắt giữ trong trường hợp quả tang.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Tuyết 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Xiếu 4 năm 6 tháng tù, tổng hợp với bản án 3 năm 9 tháng tù do TAND huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đã tuyên trước đó là 8 năm 3 tháng tù.
Người lao động Hàn Quốc có thể được nghỉ nuôi con trong 18 tháng
Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Lao động Hàn Quốc ngày 9/1 (giờ địa phương) cho biết, quốc gia này có kế hoạch kéo dài thời gian nghỉ phép nuôi con cho người lao động từ 12 lên 18 tháng, áp dụng cho cả lao động nam và nữ.
Kế hoạch đã được đưa vào báo cáo của Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jeong-sik cho Tổng thống Yoon Suk-yeol về kế hoạch hoạt động của Bộ trong năm 2023.
Trước tiên, chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy đảm bảo thời gian nghỉ phép lên tới 18 tháng cho mỗi bậc cha mẹ khi cả hai đều đang làm việc.
Các quan chức cho biết kế hoạch này là nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích nhiều cặp vợ chồng xin nghỉ thai sản hoặc nghỉ sinh con để đối phó với tỷ lệ sinh rất thấp của Hàn Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Korea Times.
Ngày 26/10/2022, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) công bố số liệu cho thấy số trẻ sơ sinh chào đời tại nước này trong tháng 8/2022 ở mức thấp kỷ lục, trái ngược với số ca tử vong ở mức cao chưa từng thấy, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh và đại dịch COVID-19.
Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc giảm trong thời gian dài do nhiều người trẻ tuổi trì hoãn hoặc không kết hôn và sinh con trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá nhà ở tăng cao cùng với sự thay đổi các chuẩn mực xã hội về hôn nhân.
Năm 2021, Hàn Quốc đã phá kỷ lục của chính nước này về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tổng tỷ suất sinh (TFR) - tức là số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời - đã giảm từ 0,84 hồi năm 2020 xuống 0,81 trong năm 2021. Năm 2021 cũng là năm thứ 4 liên tiếp TFR của Hàn Quốc dưới mức 1.
Ở một diễn biến khác, Bộ Lao động Hàn Quốc quyết định cấp thị thực E-9 (loại thị thực dành cho người lao động phổ thông tại Hàn Quốc) cho số lượng lao động nước ngoài cao kỷ lục trong năm nay là 110.000 người.
Quyết định được đưa ra khi các ngành công nghiệp ở Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động nhập cư, đã gặp phải tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài và các biện pháp kiểm soát biên giới được thắt chặt.
Chính phủ cũng có kế hoạch sửa đổi luật liên quan để người lao động nước ngoài có thể ở lại hơn 10 năm mà không cần trải qua quá trình rời đi và tái nhập cảnh nhằm đảm bảo kỹ năng làm việc của họ.
Bộ Lao động cũng sẽ thúc đẩy chính sách giảm tử vong hoặc thương tích tại nơi làm việc bằng cách buộc các công ty áp dụng hệ thống đánh giá rủi ro.
Bắt đầu từ năm 2023, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch buộc các công ty có từ 300 nhân viên trở lên áp dụng hệ thống này và tiếp tục mở rộng hệ thống này sang các công ty nhỏ hơn có từ 5 nhân viên trở lên vào năm 2025.
Các quan chức cho biết chính phủ sẽ tiến hành một cuộc điều tra xem liệu một hệ thống như vậy có được thực thi đúng cách trong trường hợp có người tử vong hoặc bị thương tại nơi làm việc hay không.
Tỉnh đông dân thứ 3 Trung Quốc thông báo gần 90% dân số nhiễm COVID-19
Tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 ngày 9/1, ông Khám Toàn Trình, Giám đốc Ủy ban y tế tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), cho biết “tính đến ngày 6/1, tỷ lệ nhiễm COVID-19 của tỉnh là 89%, trong đó biến chủng chủ đạo vẫn là dòng phụ BA.5.2 của biến thể Omicron”.
Với dân số 99,4 triệu người (đông thứ 3 Trung Quốc), các số liệu cho thấy khoảng 88,5 triệu người ở Hà Nam đã có thể nhiễm bệnh.
Ông Kan cho biết thêm rằng số lượng bệnh nhân tìm đến các phòng khám đã đạt đỉnh điểm vào ngày 19/12/2022, sau đó có "xu hướng giảm liên tục". Dựa trên các nghiên cứu và đánh giá toàn diện, Hà Nam đã "vượt qua đỉnh dịch thành công" và số ca nhiễm mới hàng ngày được dự báo duy trì ở mức thấp cho đến cuối tháng.
Số ca nhiễm tại Trung Quốc tăng nhanh sau khi nước này nới lỏng chính sách phòng chống dịch. Ảnh minh họa
Trung Quốc đang phải đối mặt với sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19, sau khi bất ngờ quyết định dỡ bỏ chính sách phong tỏa, kiểm dịch và xét nghiệm đại trà kéo dài 3 năm qua.
Giới chức Trung Quốc nhận định "Xuân vận", đợt di cư mùa xuân lớn nhất thế giới khi hàng triệu người về quê ăn Tết truyền thống, tạo ra nhiều thách thức với nỗ lực ứng phó đại dịch.
Hàng triệu người từ các thành phố về quê sẽ khiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở vùng nông thôn, nơi vốn không đủ nhân lực và trang thiết bị điều trị cho lượng lớn bệnh nhân.
Trong làn sóng đi lại trước kỳ nghỉ đầu tiên, các số liệu cho thấy 34,7 triệu người dân Trung Quốc đã đi du lịch trong nước vào ngày 7/1, tăng hơn một phần ba so với năm ngoái.
Theo Chinanews, doanh thu du lịch nội địa của Trung Quốc vào năm 2023 dự kiến phục hồi lên mức 70-75% so với trước đại dịch COVID-19
Trong khi đó, hôm 8/1, Trung Quốc cũng đã mở cửa biên giới, quyết định được cho là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hoàn tất chính sách phòng dịch Zero COVID-19 và được kỳ vọng tác động tích cực đến sự tăng trưởng của du lịch quốc tế trong năm 2023.
H.A