Tin tức 24h: Điều gì khiến chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể rơi thẳng đứng?

Google News

Giá vàng tăng quá nóng nên sẽ khó bứt phá tiếp, giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn 99,99 cũng ở vùng quá mua.

Điều gì khiến chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể rơi thẳng đứng?

Chiều 29-10, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp giao dịch mua vào 87 triệu đồng/lượng, bán ra 89 triệu đồng/lượng, duy trì ở vùng đỉnh trong nhiều tháng qua. Giá vàng nhẫn 99,99 cũng được giao dịch cao nhất lên tới 87 triệu đồng/lượng mua vào, 88,98 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng thế giới cũng liên tục duy trì ở mức cao quanh 2.752 USD/ounce, đang tiến sát vùng đỉnh mọi thời đại ở mốc 2.758 USD/ounce vào tuần trước. Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng giá vàng đã tăng quá nóng và đang ở vùng quá mua, do vậy có thể xuất hiện những cú sụp bất ngờ 100-200 USD/ounce.

- Phóng viên: Dù liên tục có cảnh báo giá vàng tăng nóng nhưng những ngày qua giá vàng thế giới vẫn duy trì ở vùng đỉnh chưa từng có, vì sao thưa ông?

+ Chuyên gia vàng Trần Duy Phương: Giá vàng thế giới biến động mạnh trong những ngày qua, có thời điểm về sát mốc 2.700 USD/ounce nhưng cũng có lúc gần chạm mốc đỉnh mọi thời đại ở 2.758 USD/ounce. Nguyên nhân vẫn xuất phát từ tình hình xung đột ở Trung Đông căng thẳng; môi trường lãi suất thấp khi ngân hàng trung ương Mỹ và nhiều nước châu Âu giảm lãi suất… Trong lịch sử, lãi suất giảm thì vàng luôn tăng giá.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương

Đặc biệt, năm nay còn có yếu tố bầu cử tổng thống Mỹ - vốn luôn là tác nhân hỗ trợ giá vàng tăng. Bởi thông thường, những cuộc bầu cử này sẽ có sự thay đổi về chính sách điều hành kinh tế nên tâm lý của nhà đầu tư trên thế giới cảm thấy lo lắng, bất ổn và chọn vàng như kênh phòng ngừa rủi ro.

- Vậy giá vàng có thể tăng tiếp lên tới 3.000 USD/ounce như dự báo của một số tổ chức tài chính quốc tế?

+ Không hẳn vậy! Tôi dự đoán giá vàng cuối năm nay có thể lên tới 2.850 USD/ounce, thêm khoảng 100 USD/ounce so với mốc hiện tại nhờ những yếu tố vừa đề cập. Nhưng trong quá trình này, cũng sẽ có sự biến động, có thể là điều chỉnh giảm mạnh 100-200 USD/ounce trước khi có thể hướng tới mốc cao hơn.

Bởi môi trường lãi suất thấp vốn đã được phản ánh vào đà tăng giá của vàng thời gian qua; xung đột ở Trung Đông lắng dịu và bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có kết quả vào đầu tháng 11 tới… sẽ khiến giá vàng hạ nhiệt. 

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn cùng ở mức cao chót vót. Ảnh: Lam Giang

Do đó, mốc 3.000 USD/ounce như dự báo của giá vàng thế giới nếu có thể đạt được sẽ vào nhiều tháng tiếp theo hoặc cho năm 2025, chứ không phải "một sớm một chiều". Bởi tính từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 800 USD/ounce, tương đương khoảng 40%. Đây là mức tăng sốc của giá vàng trong nhiều năm qua, nên để có thể tăng mạnh tiếp là rất khó.

- Nói như ông, là giá vàng đã tăng quá nóng và đang ở vùng rủi ro? Nhận định này có đúng với vàng miếng SJC, vàng nhẫn 99,99?

+ Đúng vậy! Một yếu tố cần phân tích là các ngân hàng trung ương của Trung Quốc, Ấn Độ - vốn là những nước nhập khẩu vàng lớn nhất trên thế giới trong suốt hàng thập kỷ qua, đã ngưng hoặc giảm tỉ trọng mua vàng trong khoảng 6 tháng gần đây, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này cho thấy giá vàng hiện nay đang ở mức quá cao – mang yếu tố đầu cơ, tích trữ nhà đầu tư quốc tế. Khi tâm lý đầu cơ của nhà đùa tư quốc tế diễn ra nhiều hơn, rủi ro cũng sẽ nhiều hơn bao gồm cả việc "đu đỉnh" giá vàng.

Trong quá khứ, giai đoạn 2011-2012, giá vàng từng tăng một mạch lên tới 1.920 USD/ounce – đỉnh mọi thời đại lúc bấy giờ. Lúc đó cũng rất nhiều người nhận định giá vàng có thể lên tới 2.00 USD, thậm chí 2.500 USD/ounce nhưng sau đó giá vàng lao dốc xuống chỉ còn hơn 1.030 USD trong suốt 2-3 năm sau đó…

Chưa kể, mốc 3.000 USD/ounce của vàng là mốc tâm lý, kháng cự rất mạnh nên khó xảy ra trong ngắn hạn. 

Ngay cả với nhà đầu tư trong nước, mua vàng miếng SJC hoặc vàng nhẫn 99,99 lúc này để "lướt sóng" cũng rất rủi ro. 

Vì xác suất giá vàng nhẫn nếu tăng lên tới 94-95 triệu đồng/lượng (+5-6%) so với hiện tại là quá khó, có thể phải vài tháng đến cả năm mà mức sinh lời này cũng không cao hơn các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm…

Do đó, nếu mua để nắm giữ lâu dài thì có thể mua vàng miếng SJC hoặc vàng nhẫn nhưng cũng không nên đổ toàn bộ tiền nhàn rỗi vào vàng, chỉ nên mua từ từ khi giá vàng điều chỉnh giảm.

Nhân viên trông xe trả lại gần 20 triệu đồng nhặt được trong bệnh viện

Đại diện Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết, vào sáng nay (29/10), nhân viên Tổ xe của đơn vị bất ngờ phát hiện số tiền lớn của ai đó làm rơi. Sau đó người này thông báo, bàn giao số tiền cho phía bệnh viện để tìm người làm rơi trả lại.

Ông Vũ Văn Chung - nhân viên Tổ xe bàn giao số tiền gần 20 triệu đồng nhặt được cho Phòng Công tác xã hội để tìm người đánh rơi trả lại. Ảnh: BVCC.

Theo đó, vào khoảng 7h30 cùng ngày, trong quá trình làm việc, ông Vũ Văn Chung - nhân viên Tổ xe bệnh viện đã nhặt được số tiền 18 triệu 890 nghìn đồng tại khu vực bãi gửi xe đạp/xe máy của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Ngay khi nhặt được số tiền lớn, ông Chung đã bàn giao cho Phòng Công tác xã hội để thông báo trên phương tiện thông tin tìm người đánh rơi.

Sau khi phát hiện bản thân làm rơi tiền, anh Nguyễn Vinh Quang (SN 1982, trú tại quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đã đi tìm kiếm nhưng không thấy. Biết phía bệnh viện đang tìm chủ nhân số tiền mà nhân viên nhặt được, anh Quang đã đến tìm hiểu. Qua tiến hành xác minh, Phòng Công tác xã hội đã trao trả số tiền cho anh Nguyễn Quang Vinh.

Anh Nguyễn Quang Vinh nhận lại số tiền do bản thân đánh rơi từ đại diện Phòng Công tác xã hội. Ảnh: BVCC

Được biết, sáng nay trong quá trình đưa vợ đi điều trị bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, do bất cẩn anh Vinh làm rơi số tiền nói trên và may mắn được ông Vũ Văn Chung nhặt được.

Nhận lại số tiền lớn do bản thân làm rơi, anh Vinh xúc động, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ông Vũ Văn Chung và Phòng Công tác xã hội. Hành động đẹp của ông Chung cần được biểu dương và lan tỏa trong cộng đồng.

Xử lý nhanh đám cháy tại cửa hàng đồ gỗ ở Đê La Thành

Khoảng 16h44 ngày 29-10-2024, bất ngờ xảy cháy tại cửa hàng đồ gỗ tại 913 Đê La Thành, gần khu vực cổng Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Người dân phát hiện đã hô hoán thoát nạn đồng thời dùng bình chữa cháy dập lửa, tuy nhiên do chất cháy là đồ gỗ nên đã không dập tắt được.

Nhận tin báo cháy, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Đống Đa và Ba Đình đến hiện trường làm nhiệm vụ.

Ngôi nhà xảy cháy khói bốc cao hàng chục mét

Khi tổ công tác có mặt, đám cháy đã bùng phát bao trùm tại tầng 1 cửa hàng kinh doanh đồ gỗ. Nhận định không có người mắc kẹt trong đám cháy, lực lượng đã huy động phương tiện dập tắt hoàn toàn hỏa hoạn ngay sau đó. Đám cháy không có thương vong về người, thiệt hại về tài sản cơ quan chức năng đang thống kê và điều tra nguyên nhân.

Miền Trung có thể đón đợt mưa lớn đầu tháng 11

Đợt mưa lớn kỷ lục, có nơi trên 700mm

Tổng kết diễn biến mưa lũ do bão Trà Mi (bão số 6), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 27/10-29/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đã xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 700mm. Dự báo ngày và đêm 29-30/10, ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to 70-150mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Miền Trung hứng mưa lớn kỷ lục do hoàn lưu bão số 6.

Hiện nay, lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) tại Lệ Thủy đã đạt đỉnh và đang xuống. Mực nước sáng nay đang cao hơn báo động 3 là 1,32m; sông Thạch Hãn tại Quảng Trị đang xuống và ở dưới báo động 2 khoảng 0,3m. Dự báo: Lũ trên sông Kiến Giang tiếp tục xuống chậm, đến sáng mai (30/10) xuống mức 3,1m, trên báo động 3 là 0,4m. Cảnh báo: Sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Hương (Huế) dao động ở trên mức báo động 1. Tình hình ngập lụt tại huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) kéo dài trong 36-48h tới.

Về diễn biến, bão Trà Mi đổ bộ đất liền nước ta trưa 27/10. Tuy nhiên, do đĩa mây rộng, ngay chiều 26/10, mưa lớn đã trút xuống các tỉnh miền Trung, trọng tâm là Quảng Bình đến Huế.

Bão Trà Mi có hướng đi khá kỳ dị, sau khi đổ bộ đất liền nước ta, bão di chuyển rất chậm, có thời gian gần như đứng yên, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi đổi hướng ra biển. Do thời gian bão lưu đất liền khá lâu, vùng áp thấp sau khi ra biển tiếp tục gây mưa lớn nên miền Trung hứng chịu một đợt mưa dữ dội dài ngày.

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, lượng mưa hơn ba ngày (tính từ 19h ngày 25/10 đến 7h sáng 29/10) ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và Tây Nguyên phổ biến từ 200-400mm.Một số trạm ghi nhận được lượng mưa từ 700-900mm như Hồ An Mã (Quảng Bình) 866mm, Lệ Ninh (Quảng Bình) 798mm, Thủy điện La Tó (Quảng Trị) 771mm, Tà Long (Quảng Trị) 771mm, riêng Hồ Sông Thai (Quảng Bình) ghi nhận lượng mưa tới 1.142mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại vùng hạ lưu sông Kiến Giang, đặc biệt là các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình.

Một số khu vực hạ lưu, ven sông ở Quảng Trị cũng xảy ra tình trạng ngập úng. Ngoài ra, vùng núi Quảng Bình, Quảng Trị đối mặt với nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đây là hai loại hình thiên tai nguy hiểm nhất hiện nay do tính bất ngờ, không thể dự báo chính xác thời gian, địa điểm.

Dự báo ngày và đêm 29/10, ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Ngày và đêm 30/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm.

Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h) ở khu vực Nam Hà Tĩnh đến Đà Nẵng Ngày và đêm 29/10 Tổng lượng mưa dự kiến 50-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm. Khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Ngày và đêm 30/10 Tổng lượng mưa khoảng 30-60 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.

Miền Trung lại sắp đón thêm một đợt mưa đầu tháng 11

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai dự báo sẽ có một vùng áp thấp ven biển gây mưa từ Quảng Nam tới Quảng Bình từ ngày 4/11 đến ngày 8/11. Mưa theo kiểu cuốn chiếu với cường suất mưa cao. TS Huy khuyên, các hộ dân đang kê cao đồ đạc phòng ngừa ngập úng do bão Trà Mi thì nên hoãn việc đưa đồ xuống thấp, chờ đến hết đợt mưa tới bởi khả năng tái diễn ngập úng là rất cao.

Trong bản tin dự báo thời tiết những tháng sắp tới, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo, các đợt mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong tháng 11/2024.

Tại Trung Bộ, tổng lượng mưa tháng 11/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%; riêng khu vực Bắc Trung Bộ xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 12, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-30mm, riêng khu vực các tỉnh Nam Nghệ An-Hà Tĩnh phổ biến 50-100mm (thấp hơn tổng lượng mưa từ 5-15mm); các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị phổ biến 100-200mm (cao hơn trung bình nhiều năm 10-15mm); các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa phổ biến 250-500mm, có nơi cao hơn (cao hơn trung bình nhiều năm 30-60mm); khu vực Ninh Thuận-Bình Thuận phổ biến 30-80mm (cao hơn trung bình nhiều năm 15-30mm).

Mùa mưa ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn (khoảng cuối tháng 11 tại Tây Nguyên và Nam Bộ và cuối tháng 12 tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ). Cụ thể, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ tháng 11 phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng một số nơi thuộc khu vực vùng núi thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Tháng 12/2024-1/2025, phổ biến từ 10-35mm (thấp hơn từ 5-10mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ).

Bão Kong-rey vào giai đoạn tăng cấp dữ dội, dự báo đường đi phức tạp

Theo Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA), bão Kong-rey (tên địa phương là Leon) đã vào giai đoạn tăng cấp dữ dội ở vùng biển phía Đông tỉnh Cagayan (Philippines).

Tâm bão đang cách TP Tuguegarao thuộc tỉnh Cagayan khoảng 505 km về phía Đông hoặc cách đô thị Aparri (tỉnh Cagayan) 515 km về phía Đông.

Bão Kong-rey di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc với tốc độ 10 km/giờ, hướng về vùng biển phía Nam Đài Loan (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão duy trì ở mức 130 km/giờ, gió giật lên tới 160 km/giờ.

Sau khi bão Kong-rey mạnh lên, PAGASA đã nâng mức cảnh báo gió xoáy nhiệt đới (TCWS) số 1 và số 2 ở một số khu vực phía Bắc Luzon. PAGASA cũng cảnh báo gió lớn ở bờ biển Bắc Luzon và bờ biển phía Đông của Trung và Nam Luzon.

Bão Kong-rey sẽ tiếp tục di chuyển về phía Tây Bắc cho đến khi đổ bộ vào bờ biển phía Đông Đài Loan vào ngày 31-10.

PAGASA cho biết bão Kong-rey sẽ ở gần tỉnh Batanes (Philippines) nhất vào khoảng từ sáng sớm đến trưa ngày 31-10. Xét theo khả năng dịch chuyển thêm về phía Tây trong dự báo đường đi dự bão của bão, PAGASA không loại trừ khả năng bão đổ bộ vào Batanes.

Sau khi băng qua đất liền Đài Loan (Trung Quốc), bão Kong-rey sẽ chuyển hướng qua eo biển Đài Loan và ra biển Hoa Đông cũng như rời khỏi khu vực dự báo của Philippines vào ngày 31-10 hoặc sáng 1-11. PAGASA không loại trừ khả năng đổ bộ lần thứ hai vào Trung Quốc đại lục trong thời gian này.

Dự báo bão Kong-rey có thể đổ bộ lần 2 vào Trung Quốc đại lục, sau khi quét qua đảo Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: UDN

Khi di chuyển trên biển Philippines, bão Kong-rey được dự báo tăng cường liên tục cho đến khi đổ bộ Đài Loan (Trung Quốc).

Do đó, theo PAGASA, ngày càng có khả năng bão Kong-rey đạt đến cấp độ siêu bão hoặc gần cấp siêu bão khi tới gần Batanes.

Chuyên gia khí tượng Ngô Đức Vinh nói với tờ Taipei Times rằng hầu hết các nhà dự báo quốc tế hiện dự báo đường đi của bão Kong-rey đã dịch chuyển về phía Nam Đài Loan. Theo ông Ngô, bão Kong-rey nhiều khả năng đổ bộ vào bờ biển phía Đông của miền Nam Đài Loan vào ngày 31-10.

Do đó, hòn đảo này dự kiến chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão Kong-rey vào ngày 31-10 và 1-11. Hai ngày tiếp theo, ông Ngô cho rằng bão Kong-rey sẽ di chuyển ra xa và thời tiết sẽ cải thiện, mặc dù độ ẩm còn lại vẫn có thể dẫn đến những cơn mưa rào rải rác.

Trong khi đó, theo dự báo bão của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, bão Kong-rey có thể đi qua phía Nam quần đảo Sakishima vào ngày 31-10. Dù cách xa đất liền Nhật Bản nhưng cơn bão vẫn có nguy cơ cao gây biển động, sóng lớn và mưa bão ở Okinawa, chủ yếu tại khu vực quần đảo Sakishima.

THẢO ANH