Học sinh Hà Nội có được đi học trở lại sau bão số 3 vào ngày mai?
Theo văn bản gửi các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục của Sở GD&ĐT, trường học nào đảm bảo đủ điều kiện học tập an toàn sẽ triển khai đón học sinh quay trở lại trường học tập từ ngày 9/9/2024 (thứ Hai) theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024 – 2025.
Dọn dẹp nhà trường ở Hà Nội sau bão số 3 (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Các trường học chưa đảm bảo đủ điều kiện học tập an toàn do ảnh hưởng của cơn bão, trước mắt chưa tổ chức dạy học cho học sinh, đồng thời có phương án báo cáo cấp có thẩm quyền khắc phục ngay những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
"Căn cứ điều kiện thực tiễn của nhà trường, sau khi khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức học tập trở lại của cơ sở giáo dục đảm bảo khung kế hoạch thời gian năm học", Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu.
Trong thời gian chưa tổ chức dạy học, yêu cầu giáo viên đến trường để cùng các lực lượng chức năng tham gia thu dọn, tổng vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả của bão; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo các nhà trường khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tường rào, hệ thống cây xanh, cổng trường, mái tôn... của đơn vị. Cơ sở giáo dục báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí khẩn trương khắc phục các thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đồng thời chủ động tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả của bão.
Có biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện an toàn khi học sinh trở lại trường học.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo cho học sinh các cấp nghỉ học từ ngày 7/9 cho đến khi bão tan.
Biển Đông có thể đón bão dồn dập
Hiện nay, vùng biển ngoài khơi Philippines đang tồn tại hai vùng áp thấp nhưng theo các chuyên gia, còn rất xa để nhận định về khả năng hình thành bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ các vùng áp thấp này.
Ngoài ra, trong nửa cuối tháng 9, trên Biển Đông có thể hình thành dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể xuất hiện các nhiễu động mạnh lên thành bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, dự báo từ nay đến hết năm 2024 còn khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 3-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Biển Đông có thể đón bão chồng bão trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ: Hồng Vĩnh.
Ông Khiêm cũng lưu ý, với ảnh hưởng của La Nina, những tháng cuối năm 2024, trên Biển Đông có thể xuất hiện bão dồn dập, dẫn đến mưa chồng mưa, lũ chồng lũ ở khu vực miền Trung nước ta, không loại trừ khả năng tháng 1/2025 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực nam Biển Đông.
Miền Bắc nước ta vừa hứng chịu cơn bão mạnh nhất 30 năm qua đổ bộ. Đến sáng nay, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão YAGI tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Sơn La, dự báo tan dần trong đêm nay.
Dù bão tan nhưng mưa lớn còn kéo dài ở miền Bắc, nhất là các tỉnh trung du, vùng núi phía Bắc. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng sâu và kéo dài ở nơi trũng thấp.
Thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cung cấp trực tuyến tại địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở.
Quảng Ninh vẫn mất điện diện rộng, hệ thống thông tin bị ngắt kết nối
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, đến sáng nay (8/9), cơn bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng đã gây thiệt hại nặng nề tại các địa phương ven biển.
Đến thời điển này, hệ thống thông tin liên lạc trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ngắt kết nối không liên lạc được và mất điện diện rộng. Theo thống kê sơ bộ, đến sáng nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 3 người chết và 157 người bị thương.
Hình ảnh ngốn ngang sau cơn bão số 3 tại Quảng Ninh. Ảnh: Đ.Tùy
Về tài sản, thống kê bước đầu từ các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xác định, có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện, 70% cây xanh tại các địa phương TP. Cẩm Phả, TP. Hạ Long, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên bị gẫy đổ. Toàn tỉnh có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hầu bị mất, cuốn trôi, gần 400ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các huyện, thị bị hư hỏng.
Ngay trong đêm 6/9, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh đã hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức tìm kiếm những người mắc trên biển và các đảo. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã đưa về bờ an toàn 46 người.
Theo thống kê ban đầu, có đến 70% cây xanh tại các địa phương TP. Cẩm Phả, TP. Hạ Long, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên bị gẫy đổ. Ảnh: Đ.Tùy
Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục triển khai tìm kiếm cứu nạn trên quy mô lớn ở vùng biển Quảng Ninh. Tỉnh đang huy động các lực lượng hỗ trợ khắc phục thiệt hãi sau bão, nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân và sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Cũng trong sáng nay, tại Lữ đoàn 170 (Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân) đã tổ chức bàn giao 17 nạn nhân gặp nạn trên biển trong cơn bão số 3 cho tỉnh Quảng Ninh. Các nạn nhân gặp nạn gồm: 11 người thuộc Công ty Vận tải Việt Thuận đi trên tàu QN 8223, 4 người trên tàu vận tải chở xi măng ở Hưng Yên BKS HY 0495, 2 người thuộc Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long. Cả 2 tàu đều neo đậu tại Bãi tắm Hòn Gai (khu neo đậu của tỉnh). Do ảnh hưởng sức gió quá mạnh của bão số 3, các tàu bị đứt dây neo trôi dạt trên biển, bị đắm, các nạn nhân bị trôi dạt nhiều tiếng đồng hồ trên biển.
Hơn 2.000 nhà trên địa bàn bị tốc mái do ảnh hưởng của con bão số 3. Ảnh: Đ.Tùy
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân đã chỉ đạo Lữ đoàn 170 tiến hành tìm kiếm các nạn nhân. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đến 5h ngày 8/9, tàu của Lữ đoàn 170 đã tìm thấy các nạn nhân bị trôi dạt gần đảo Ti Tốp trên Vịnh Hạ Long. Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân tiến hành kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, đưa các nạn nhân vào bờ bảo đảm ăn uống. Hiện các nạn nhân có sức khỏe tốt, tinh thần ổn định.
Sạt lở nghiêm trọng khiến 13 người thương vong, 4 người mất tích ở Lào Cai
Thông tin đến Tiền Phong, lãnh đạo thị xã Sa Pa cho biết, khoảng 13h chiều 8/9, tại khu vực thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, mưa lớn gây sạt lở từ núi cao tràn xuống khu vực khu dân cư, ruộng và suối Mường Hoa.
Vụ sạt lở khiến nhiều diện tích hoa màu bị vùi lấp, nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi, khiến 4 người bị chết, cùng nhiều người bị thương và mất tích.
Ngay khi nắm bắt thông tin, lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ di dời tài sản của người dân.
Tại hiện trường, hiện đã xác định 4 ngôi nhà tại khu vực bị sạt lở đã bị đất đá vùi lấp. Theo xác minh ban đầu, hiện 4 người tử vong. Nạn nhân được xác định là Vàng Thị M (SN 1965), Giàng Thị Ch (SN 1999), Châu Gia H (SN 2023) và Vàng Văn V (SN 2024).
9 người bị thương đã được đưa sơ cứu kịp thời và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa.
Hiện còn 4 nạn nhân bị mất tích chưa được tìm thấy.
Theo lãnh đạo thị xã Sa Pa, ngay khi phát hiện sạt lở, địa phương đã huy động 54 cán bộ, dân quân tự vệ tại chỗ của xã và 26 chiến sĩ Công an thị xã tiếp cận hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, đưa người bị thương đi cấp cứu.
Ngoài ra, một bộ phận giúp người dân khắc phục hậu quả vụ sạt lở, di tản người ra khỏi khu vực nguy hiểm, di dời tài sản đến nơi an toàn. Khẩn trương tìm kiếm người mất tích.
Thị xã Sa Pa cũng tiến hành thăm hỏi, động viên người bị thương tại Bệnh viện Đa khoa thị xã, hỗ trợ gia đình nạn nhân có người bị chết thực hiện các thủ tục ma chay.
Hiện, thị xã Sa Pa đang huy động bổ sung lực lượng dân quân tại các xã ít ảnh hưởng thiên tai để hỗ trợ xã Mường Hoa khắc phục hậu quả sạt lở và tìm kiếm người mất tích.
THẢO ANH