Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đầu tuần sau, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh tràn xuống. Thời tiết miền Bắc lại có sự thay đổi.
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh này, từ khoảng đêm 18 đến ngày 19/3, miền Bắc có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Từ ngày 19/3 khả năng trời chuyển rét. Nền nhiệt có thể giảm từ 4-5 độ C so với những ngày trước.
Theo dự báo trước khi đón không khí lạnh, khu vực Đông Bắc Bộ từ 16-18/3 tiếp tục có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác vào đêm và sáng. Trưa chiều trời nắng, nhiệt độ cao nhất có thể đạt 25-27 độ C.
Khu vực phía Tây Bắc Bộ từ 15-18/3, trời có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Từ khoảng ngày 16-18/3 có nơi nắng nóng với nhiệt độ cao nhất lên tới 34-36 độ C.
Tại Thủ đô Hà Nội, trong các ngày 16-18/3, Hà Nội duy trì thời tiết có mây, có mưa rào cục bộ, trưa chiều hửng nắng, nhiệt độ trong ngày dao động từ 23-27 độ C.
Dự báo do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày 19/3, Hà Nội chuyển nhiều mây, có mưa nhỏ, nhiệt độ giảm xuống còn 19-22 độ C, trời rét. Từ 20-21/3, Hà Nội nhiều mây, không mưa, trời tiếp tục rét với nhiệt độ trong ngày dao động từ 19-21 độ C.
Theo dự báo thời tiết miền Bắc chuẩn bị mưa rét do không khí lạnh tràn về. Ảnh minh họa: TL
Tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ ngày 19-21/3 có thể xuất hiện mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Các tỉnh Thanh Hoá đến Hà Tĩnh có thể chuyển lạnh từ 19/3.
Tại Đông Nam Bộ, đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự báo trong những ngày tới, Đông Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng 35-37 độ C, một số nơi có thể xuất hiện nắng nóng gay gắt trên 37 độ C.
Tại miền Tây Nam bộ, nhiều ngày tới trời nắng với nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C, cục bộ có nắng nóng trên 35 độ C, trời khô hạn, ít mưa.
Nâng cấp thẻ tín dụng online, tài khoản "bốc hơi" 100 triệu
Cụ thể, ngày 15/3, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đang điều tra, xác minh vụ chiếm đoạt 100 triệu đồng khi nâng cấp thẻ tín dụng online. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện người dân cần nâng cao cảnh giác.
Trước đó, ngày 11/3, Công an phường Ngọc Hà, quận Ba Đình nhận được đơn trình báo của anh N (sinh năm 1981 ở quận Ba Đình, Hà Nội) về việc bị chiếm đoạt tài sản khi nâng cấp thẻ tín dụng online.
Theo đó, anh N nhận được tin nhắn nâng hạn mức thẻ tín dụng online trên facebook. Sau đó, đối tượng hướng dẫn anh N thao tác trên App và gửi lại mã OTP cho đối tượng thì thấy thẻ ngân hàng của mình bị trừ 100 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa nên anh N đã đến cơ quan Công an trình báo.
Người dân cần cảnh giác thủ đoạn nâng cấp thẻ tín dụng (ảnh minh hoạ).
Qua đây, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên.
Theo đó, người dân không được cung cấp các thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số thẻ ngân hàng, mã thẻ, thông tin xác thực giao dịch (mã OTP), thông tin về tài khoản ví liên kết… cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin để trục lợi.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định pháp luật.
Gần trưa, giá vàng SJC và vàng nhẫn biến động ngược chiều
Lúc 10 giờ ngày 15-3, giá vàng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 79,3 triệu đồng/lượng, bán ra 81,3 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Công ty PNJ báo giá vàng SJC mua vào 79,5 triệu đồng/lượng, bán ra 81,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K lại tăng tiếp, khi được doanh nghiệp giao dịch mua vào 67,7 triệu đồng/lượng, bán ra 68,95 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng nhẫn sáng nay tăng tiếp lên sát 69 triệu đồng/lượng
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn Thăng Long mua vào 68,12 triệu đồng/lượng, bán ra 69,42 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng nhẫn 24K của các thương hiệu khác.
Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng trong khi chênh lệch giá mua – bán vàng nhẫn cũng lên tới 1,2 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giảm trở lại và đang được giao dịch quanh 2.163 USD/ounce (tương đương 65 triệu đồng/lượng).
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng giá vàng thế giới sẽ khó tăng mạnh trong ngắn hạn khi một số thông tin vĩ mô về kinh tế Mỹ vẫn đang tích cực. Điều này kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất, gây áp lực giảm giá vàng.
Hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng nhẫn khoảng 4 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC khoảng 16,5 triệu đồng/lượng.
Mẹ đau xót đến công an tố cáo hàng xóm nhiều lần xâm hại tình dục 2 con gái
Thông tin trên Người lao động cho biết, ngày 15/3, một lãnh đạo UBND xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) xác nhận việc một người phụ nữ trên địa bàn xã đến công an trình báo việc 2 con gái nhỏ bị xâm hại tình dục.
Được biết, toàn bộ hồ sơ vụ việc sau khi tiếp nhận, Công an xã Hòa Hiệp đã chuyển cho Công an huyện Cư Kuin điều tra theo thẩm quyền.
Người phụ nữ này cho hay, chiều 11/3 vừa qua, con gái 4 tuổi của chị bị sốt nên chị đã cởi đồ con để lấy khăn ấm lau người cho hạ nhiệt. Lúc này, chị phát hiện bộ phận sinh dục của con gái có nhiều thương tích, nghi ngờ có chuyện chẳng lành nên đã cố gặng hỏi con.
Theo người mẹ, ban đầu cháu bé nhất quyết không kể cho mẹ nghe, nhưng khi mẹ thuyết phục dỗ dành thì cháu bé kể chuyện bị hàng xóm nhiều lần xâm hại. Chị còn sốc hơn khi biết không riêng con gái 4 tuổi mà cả con gái lớn 7 tuổi của chị cũng bị người hàng xóm thực hiện hành vi thú tính.
"Biết tin, tôi quặn lòng, không thể tả nổi. Tôi đưa các cháu đến công an trình báo và đã được Công an huyện Cư Kuin đưa đi giám định. Từ ngày xảy ra vụ việc, các con tôi đều hoảng sợ, ngủ hay giật mình" - chị T. (31 tuổi, ngụ xã Hòa Hiệp) bức xúc.
Chị T. cho biết thêm, cả 2 con gái của đã được Công an huyện Cư Kuin đưa đi giám định.
Vụ nợ 8,5 triệu vọt lên 8,8 tỷ đồng: Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các ngân hàng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước không quản lý việc này. Vấn đề của sự việc nằm ở cách tính lãi, Eximbank không phải ngân hàng đầu tiên xảy ra tình huống này, đã có trường hợp ngân hàng khác khởi kiện khách hàng.
“Trong hợp đồng phát hành thẻ tín dụng đã ghi rất rõ lãi suất, nhưng vấn đề là làm sao dư nợ gốc, lãi lên tới 8,8 tỷ đồng? Vậy thì cần hiểu rõ rằng, thẻ tín dụng tiêu trước, trả sau 45 ngày không tính lãi, nếu thanh toán toàn bộ thì không nói, nhưng nếu chỉ trả ở mức tối thiểu, lãi đã là 18-25%/năm, rất cao. Đến hạn không thanh toán, cả khoản vay sẽ bị lãi suất quá hạn, gấp 1,5 lần mức thông thường. Lãi mẹ đẻ lãi con trong suốt 11 năm”, vị lãnh đạo NHNN nói.
Cũng theo vị này, với trường hợp khách hàng P.H.A chia sẻ không nhận được thẻ tín dụng, không sử dụng thẻ mà vẫn phát sinh dư nợ, cần cơ quan công an vào cuộc điều tra, có hay không việc phát hành thẻ khống. Thanh tra NHNN chi nhánh Quảng Ninh đã yêu cầu Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo về sự việc.
Công văn nhắc nợ được Eximbank AMC gửi đến khách hàng P.H.A.
Với vai trò của NHNN, vị đại diện cho biết, nếu sự việc tranh chấp dân sự này được đưa ra toà và toà án yêu cầu NHNN xác nhận cách tính lãi của ngân hàng đúng hay sai, thì cơ quan này sẽ trả lời. Còn lại, việc tham gia vào tranh chấp dân sự không đúng thẩm quyền NHNN.
Trước sự việc xảy ra tại Eximbank, lãnh đạo NHNN cũng lưu ý người dùng thẻ tín dụng đọc kỹ lãi suất, cách tính lãi ghi trong hợp đồng phát hành thẻ, mà chính chủ thẻ đã ký. “Không phải ai cũng đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng, được ngân hàng kiểm tra đảm bảo năng lực tiêu trước trả sau. Thẻ tín dụng không xấu, có nhiều lợi ích, miễn lãi tới 45 ngày, nhưng khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi sử dụng, tránh phát sinh nợ xấu”, vị này nhấn mạnh.
Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, sự việc gây xôn xao dư luận tại Quảng Ninh thời gian qua khi các trang mạng xã hội lan truyền bản thông báo của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) tới khách hàng có tên P.H.A (Địa chỉ tại phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) với số tiền nợ gần 9 tỷ đồng.
Theo nội dung được cung cấp bởi Eximbank, khách hàng P.H.A. đã mở thẻ MasterCard tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức là 10 triệu đồng và đã có 2 giao dịch thanh toán vào ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên thẻ đã chuyển thành nợ xấu, và thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo đã gần 11 năm.
Eximbank nhấn mạnh rằng, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, ông P.H.A vẫn chưa đưa ra phương án xử lý nợ. Về công văn nhắc nợ đang lan truyền trên mạng xã hội, Eximbank khẳng định rằng, việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là một hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý và thu hồi nợ. Đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Trao đổi với báo chí, anh P.H.A (người có tên trong “công văn nhắc nợ quá hạn" được gửi từ Eximbank) xác nhận: Năm 2013, có nhờ nhân viên của ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh mở thẻ tín dụng, với hạn mức là 10 triệu đồng. Sau khi ký xong hợp đồng, nhân viên nói rằng mức lương của tôi thấp (hơn 3 triệu đồng/tháng) không đủ để mở thẻ tín dụng, nhưng bạn ấy nói sẽ xin sếp sau. Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn nghĩ là mình không làm được thẻ, nhưng sau mới biết là thẻ đó vẫn làm được, và bạn ấy đã rút tiền trong thẻ để tiêu xài. Sau đó tôi được biết bạn này đã nghỉ việc và đi nơi khác.
H.A