Michiko Tomioka là một chuyên gia dinh dưỡng, đồng thời là chuyên gia về tuổi thọ. Cô sinh ra và lớn lên tại Nara, Nhật Bản nhưng hiện đang sống và làm việc ở Mỹ. Cô đã làm việc trong các vai trò chuyên gia dinh dưỡng tại các trung tâm phục hồi chức năng, trường bán công và ngân hàng thực phẩm (nơi cung cấp đồ ăn miễn phí cho người nghèo ở Mỹ).
Chịu ảnh hưởng từ lối sống của quê hương, phương pháp sống khỏe của Michiko dựa trên chế độ ăn chủ yếu là thực vật. Mới đây, cô đã có một bài viết được đăng tải trên CNBC tiết lộ một loại thực phẩm giá rẻ rất phổ biến ở Nhật, có tác dụng cực tốt cho sức khỏe và đó cũng là bí quyết trường thọ của người Nhật.
Dưới đây là chia sẻ của cô:
Michiko Tomioka - chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Nhật.
Lớn lên ở Nara, Nhật Bản, có một loại thực phẩm không bao giờ thiếu trong nhà tôi là đậu phụ. Nó thực sự là thực phẩm chủ yếu suốt đời tôi. Khi tôi còn nhỏ, mẹ thường chuẩn bị cho tôi hai kiểu bữa ăn: Một bữa gồm hỗn hợp đậu phụ, cháo, khoai lang, bí đỏ (kabocha) và sốt nori (sốt rong biển). Bữa còn lại là súp miso với cháo.
Tôi đã tiếp tục truyền thống ẩm thực đó với hai đứa con của mình khi chúng còn nhỏ. Tôi không bao giờ mua bất kỳ loại thực phẩm trẻ em siêu chế biến nào; thay vào đó, tôi chọn đậu phụ. Nó giúp tôi tiết kiệm thời gian, tiền bạc và đó là cách để chúng tôi kết nối với quê hương của mình khi sống ở Mỹ.
Tại Nhật Bản, đậu phụ được ưa chuộng bởi mọi lứa tuổi. Bố mẹ chồng tôi, hiện đã 95 và 88 tuổi, vẫn sống tại Nara và duy trì thói quen ăn đậu phụ, natto (đậu nành lên men) và súp miso hàng ngày. Họ tin rằng chế độ ăn này góp phần vào tuổi thọ và sức khỏe của họ.
Sau đây là lý do tại sao đậu phụ là thực phẩm không thể thiếu trong bếp của tôi.
1. Nó có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe
Đậu phụ truyền thống ở Nhật được chế biến từ đậu nành và muối nigari để tạo đông đậu phụ. Tại Mỹ, canxi sunfat thường được sử dụng làm chất đông tụ chính trong quá trình sản xuất đậu phụ.
Mặc dù có nguồn gốc thực vật, đậu phụ vẫn cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu tương tự thịt, gia cầm, trứng, cá và sữa, nhưng không chứa cholestero, mà lại chứa lượng lớn isoflavone. Chất này có tác dụng làm giảm mức độ cholesterol xấu hoặc lipoprotein mật độ thấp trong cơ thể, cũng vì vậy mà nó có khả năng tăng cường sức khỏe tim mạch. Đó là lý do vì sao ở Nhật, các cụ ông cụ bà tuổi đã cao nhưng sức khỏe tim mạch vẫn tốt.
Ngoài ra, đậu phụ còn là nguồn cung cấp phong phú canxi, sắt, vitamin, chất xơ và isoflavone - một loại estrogen thực vật. Phụ nữ Nhật ăn nhiều đậu phụ cũng có lợi cho thời kỳ mãn kinh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ đậu phụ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, chống ung thư và giảm nguy cơ loãng xương.
Đậu phụ chứa rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Đậu phụ giúp người Nhật giảm cân, chống béo phì - nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh tật. Đậu phụ là một thực phẩm không cần sự chế biến nào, có thể ăn sống, lượng calo của nó không nhiều nên sẽ tránh làm tích mỡ bụng. Hơn nữa, đậu phụ giúp người Nhật no lâu, nhiều năng lượng để làm việc mà không cần ăn quá nhiều cơm, điều đó cũng góp phần giúp họ giảm cân.
2. Thân thiện với môi trường và phù hợp kinh tế
Theo nghiên cứu, để sản xuất 1kg thịt bò sẽ thải ra 70,6 kg khí thải nhà kính, trong khi chỉ có 3,2 kg khí thải khi sản xuất cùng lượng đậu phụ. Tôi thường mua khoảng 400g đậu phụ hữu cơ với giá 50-75 nghìn đồng, rẻ hơn nhiều so với mua thịt gia cầm hoặc thịt bò với lượng tương đương.
Nếu trong tuần, bạn thay thế một hoặc hai chiếc bánh mì kẹp thịt bò bằng một chiếc bánh mì kẹp đậu phụ, bạn không chỉ cảm thấy khỏe hơn mà còn tiết kiệm chi phí cho thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.
3. Làm được nhiều món ngon và đa dụng
Đậu phụ, với hương vị tự nhiên và tinh tế, là nguyên liệu linh hoạt có thể kết hợp với hầu hết mọi món ăn. Đặc biệt, nhờ vào độ mềm mại, bạn có thể chế biến đậu phụ mà không cần đến dao hay thớt.
Là một chuyên gia dinh dưỡng và hướng dẫn nấu ăn, tôi luôn sáng tạo ra những công thức nấu ăn mới và đậu phụ giúp tôi dễ dàng thử nghiệm.
Tôi chế biến đậu phụ theo nhiều cách khác nhau như chiên, nấu súp, làm salad, nimono (món rau củ nấu chậm), há cảo, bánh kếp chay, cà ri chay, bánh mì kẹp thịt, cuộn bắp cải, mochi và kem.
Đậu phụ nướng với rong biển nori - một trong những món ăn yêu thích của Michiko Tomioka kết hợp từ 2 nguyên liệu quen thuộc và tốt cho sức khỏe của người Nhật.
Bữa trưa yêu thích của tôi là súp miso đậu phụ, được nấu cùng với rau củ quả theo mùa, rong biển, gừng và quả kỷ tử. Tôi thường nấu một nồi lớn để dùng trong suốt tuần, ăn kèm với cơm ngũ cốc, natto và nukazuke (dưa chua).
Một món ăn đơn giản nhưng hoàn hảo khác mà tôi thường làm là hiyayakko (có nghĩa là đậu phụ lạnh) là một món ăn của Nhật Bản được làm từ đậu phụ (tofu) lạnh đi kèm với những nguyên liệu được phủ đều lên như rong biển nori, hạt vừng, gừng, tía tô Nhật, hành lá, natto và một ít nước tương. Nếu bạn thích ăn nóng, chỉ cần cho vào lò vi sóng trong một đến hai phút trước khi ăn.
Tôi thường gọi đậu phụ là "người bạn tốt nhất" cho một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh.
MINH MINH