Mang thai và sinh con là sự kiện trọng đại trong cuộc đời của nhiều người phụ nữ. Mặc dù đó có thể là khoảng thời gian vô cùng vui vẻ nhưng với nhiều người, đó cũng có thể là nguồn gốc gây căng thẳng và lo lắng. Phụ nữ thường lo lắng về cơn đau khi sinh con và điều không may có thể xảy ra. Đây đều là những lo lắng bình thường mà hầu hết phụ nữ mang thai gặp phải ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, đôi khi nỗi sợ hãi này có thể trở thành bệnh lý và nghiêm trọng tới mức khiến cho người phụ nữ không dám mang thai hoặc sinh con cho dù có thể họ vẫn muốn có con.
Jane Livne, một cựu giáo viên mỹ thuật ở Mỹ, đã trải qua nỗi kinh hoàng khi mang thai con gái Kinneret đến mức cô tin rằng nếu không có sự hỗ trợ của chồng thì cô sẽ tự tử. Cô nói: “Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không thể sống sót sau ca sinh nở và chắc chắn lúc sinh sẽ đau đớn lắm. Đó là một quả bom nổ chậm trong tôi: Tôi hoảng sợ”. Thế nhưng, cuối cùng sau khi chuyển dạ, Livne nhận ra rằng mình có thể đương đầu được với mọi chuyện.
Nỗi sợ đau đớn, tinh thần bất ổn và nghĩ đến cái chết được nhiều phụ nữ cho rằng là nguyên nhân khiến họ sợ sinh nở. Thực tế, đây được gọi là Tokophobia - Hội chứng sợ sinh con.
Tocophobia là một tình trạng tâm thần được định nghĩa là nỗi sợ hãi hoặc sợ hãi nghiêm trọng khi sinh con. Nó ảnh hưởng đến khoảng 14% phụ nữ và có thể nghiêm trọng đến mức phải yêu cầu sinh mổ nếu người phụ nữ đang mang thai. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc chứng rối loạn này đã gia tăng trên toàn thế giới kể từ năm 2000.
Catriona Jones, giảng viên ngành hộ sinh tại Đại học Hull, người đã nghiên cứu hội chứng tocophobia tin rằng mạng xã hội là một phần nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Cô nói: “Bạn chỉ cần tra Google về việc sinh con và sẽ gặp một 'cơn sóng thần' với những câu chuyện kinh dị. Những câu chuyện sinh nở được chia sẻ trong các diễn đàn có thể khiến một số phụ nữ cảm thấy đó là điều thật đáng sợ".
Phát biểu của cô đã gây ra một cuộc tranh luận, trong đó những người cho rằng việc chia sẻ những câu chuyện về những ca sinh nở khó khăn có thể mang lại lợi ích tích cực cho phụ nữ.
Năm 2000, một bài báo được xuất bản trên tạp chí Tâm thần học Anh cho biết, Tokophobia là hội chứng rối loạn tâm lý khiến phụ nữ chán nản, sợ hãi mang thai và sinh con. Y học chia Tokophobia thành hai nhóm: Nhóm đầu xảy ra với những người chưa từng mang thai, thậm chí cả ở tuổi vị thành niên và nhóm sau là những người từng mang thai, sinh con.
Charlotte, 34 tuổi, đến từ Surrey, mắc chứng tokophobia. Nỗi sợ sinh con của cô bắt đầu sau khi cô xem một đoạn video đồ họa về một người phụ nữ sinh con khi cô còn học tiểu học, lúc đó là một phần của chương trình giáo dục giới tính.
Cô nói với trang Women Health: “Từ khi còn nhỏ tôi đã tin rằng mình sẽ chết khi sinh con nhưng tôi không biết rằng đó là một nỗi ám ảnh". Cô không có ý định sinh con, nhưng rồi mọi thứ thay đổi khi cô ở độ tuổi cuối 20 và cô nghĩ mọi thứ là do hormone. Cô đã tưởng tượng cuộc sống của mình với một gia đình và do đó việc mang thai và sinh con là bước tiếp theo.
Nhưng đến lúc có thai, nỗi lo lắng của cô quay trở lại, thậm chí có lúc cô còn nghĩ đến chuyện phá thai. "Cảm giác con gái chuyển động bên trong tôi thật kinh khủng. Tôi chưa chuẩn bị cho việc mang thai. Tôi đã có rất nhiều suy nghĩ về việc phá thai và sẩy thai và tôi bắt đầu lo sợ những suy nghĩ đó sẽ đi đến đâu", cô chia sẻ.
Naomi, 38 tuổi, đến từ Bournemouth, cũng đã phải chiến đấu với ý nghĩ tự tử sau trải nghiệm đau thương khi sinh nở vào năm 2020. Trong quá trình hồi phục, cô ở lại phòng hộ sinh trong 5 ngày. Nhưng Naomi lai cho rằng quãng thời gian ở đây thật là kinh khủng, nếu được về nhà sẽ tốt hơn. Thế nhưng, khi về nhà, cô lại rơi vào cơn trầm cảm khác. "Về đến nhà, tôi cảm thấy cô đơn hơn vì mọi người xung quanh dường như nghĩ rằng tôi vẫn ổn, trong khi thực tế tôi không hề ổn. Trong vài ngày tiếp theo, tôi đã cố gắng tiếp tục như thể mình vẫn ổn. Nhưng điều đó thực sự quá sức và tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi phải đến gặp bác sĩ vì tôi muốn tự tử. Tôi không thể vượt qua được những gì đã xảy ra".
Nếu bạn chưa bao giờ trải qua hội chứng Tokophobia hoặc nỗi sợ hãi tương tự, điều này nghe có vẻ cực đoan. Nhưng một khi bạn hiểu về chúng, bạn sẽ hiểu được cảm giác mà Charlotte trải qua ở thời điểm này.
Nếu bạn đang mang thai và vô cùng sợ hãi khi sinh con, hãy nói với bác sĩ về nỗi sợ hãi của bạn càng sớm càng tốt trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần dành cho phụ nữ mang thai.
Đối với hầu hết các chứng “sợ” nói chung, phương pháp tâm lý trị liệu luôn là một trong những chìa khóa không thể thiếu. Bằng những kỹ thuật chuyên môn, các bác sĩ tâm lý sẽ giúp người bệnh hiểu rõ về những nỗi sợ hãi của người bệnh và điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực hơn.
NHẬT MINH