"Nếu được cho 3 ngày sống như người khoẻ mạnh bình thường, bạn sẽ làm gì?"
Chen Qiaoling, một phụ nữ trẻ bị bại não, đã chọn dành ngày đầu tiên để dậy sớm để ngắm bình minh rồi giúp mẹ việc nhà “vì tôi chưa bao giờ làm được việc gì giúp mẹ cả”. Ngày hôm sau, cô muốn mặc quần áo thật đẹp và trang điểm, đi mua sắm với những người bạn tốt của mình rồi đến thư viện để học “vì tôi chưa bao giờ được tới lớp". Vào ngày thứ ba, cô muốn đi khám phá một số địa điểm và thưởng thức những món ăn ngon.
"Sau ba ngày ấy, tôi sẽ trở lại và sống cuộc sống của riêng mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống không có điều kỳ diệu như vậy", Chen Qiaoling viết trong nhật ký của mình. Cuộc sống rất đỗi bình thường của bao người lại là giấc mơ không thể đạt được đối với Chen Qiaoling.
Cô bé bại não ham học hỏi
Chen Qiaoling và các tình nguyện viên
Ngày 13/4, phóng viên của Jimu News đã gặp Chen Qiaoling tại một trang trại nhỏ thuộc thị trấn Wulijie, quận Jiangxia, Vũ Hán, Trung Quốc. Cô xuất hiện với chiếc áo khoác hồng, đeo kẹp tóc và ruy băng, môi nở nụ cười vui vẻ.
Các tình nguyện viên từ Hiệp hội thanh niên tình nguyện của một trường cao đẳng gần đó đang dạy cô phép cộng, trừ, nhân và chia. Trong thời gian nghỉ giữa giờ, cô đã kể những bài hát yêu thích của mình cho phóng viên nghe.
"Tôi rất thích họ. Họ dạy tôi học và đưa tôi đi chơi". Ánh mắt của Chen Qiaoling tràn đầy niềm vui, lời nói vô tư và dễ thương như một đứa trẻ.
Chen Qiaoling sinh năm 1994, được chẩn đoán mắc bệnh bại não từ khi mới sinh ra. Hiện tại, dù đã 30 tuổi nhưng mức độ nhận thức của cô chỉ ngang đứa trẻ 8 tuổi. Vì không thể đi lại nên Chen Qiaoling không thể đi học. Với niềm khao khát kiến thức, cô đã nhờ người em trai kém mình 2 tuổi dạy chữ cho mình.
Chen Qiaoling và mẹ Wan Guofang.
Mẹ cô, bà Wan Guofang tiết lộ rằng Chen Qiaoling rất thích học. Hàng ngày, cô sẽ học tiếng Trung, sinh học, âm nhạc và các môn khác trên chiếc bàn vuông cũ, hoàn thành nhiều "bài tập về nhà" do các sinh viên tình nguyện giao.
Viết bằng chóp mũi, nuôi ước mơ trở thành nhà văn
Tình nguyện viên dạy Chen Qiaoling hát
Tháng 5 tới, Chen Qiaoling sẽ tròn 30 tuổi. Mỗi năm vào dịp này, những người bạn tốt là các tình nguyện viên sẽ đến chúc mừng sinh nhật cô. Kể từ năm 2015, các sinh viên tình nguyện này thường tranh thủ những ngày nghỉ để đến nhà Chen 2 tuần/lần để giúp Chen Qiaoling học tập, trò chuyện với cô và mang theo một số nhu yếu phẩm hàng ngày. Với sự giúp đỡ của các nhóm tình nguyện viên, Chen Qiaoling đã học được cách sử dụng QQ và WeChat.
Do tay không linh hoạt nên Chen Qiaoling chỉ có thể cố gắng chạm vào màn hình điện thoại di động bằng đầu mũi. Để luyện tập và sử dụng được như ngày hôm nay, thậm chí đầu mũi của cô đã bị "mòn". Bằng cách lướt Internet trên điện thoại di động, cô học được rất nhiều điều mới mẻ trong xã hội và thường xuyên giao lưu, học hỏi với bạn bè.
Căn bệnh khiến Chen Qiaoling phải uống thuốc giảm đau quanh năm nhưng chưa bao giờ cô gái này sống với thái độ tiêu cực. Cô yêu văn chương, thích đọc thơ cổ và thường chia sẻ những dòng cảm xúc của mình đăng lên vòng bạn bè. Chen Qiaoling muốn trở thành một nhà văn và cô biết mình phải học tập thật chăm chỉ, quyết tâm và kiên trì.
Khi Chen Qiaoling 3 tuổi, cha cô đột ngột qua đời, mọi gánh nặng đè lên đôi vai của bà Wan Guofang. Trong những năm gần đây, nhiều mạnh thường quân sau khi biết đến hoàn cảnh của cô đã tặng xe lăn và nhiều thiết bị phục hồi chức năng cho Chen Qiaoling. Chính quyền địa phương cũng dành cho cô khoản trợ cấp sinh hoạt khoảng 1.000 nhân dân tệ/tháng (3,5 triệu đồng/tháng).
Nhưng vẫn còn một tảng đá lớn đè nặng lên trái tim bà Wan Guofang khi vào năm 2021, Chen Qiaoling không may bị gãy xương cụt khi đang tắm và bác sĩ đề nghị điều trị bảo tồn. Năm ngoái, cô được chẩn đoán có dấu hiệu hoại tử xương sau cổ. Bác sĩ đề nghị phẫu thuật càng sớm càng tốt, nhưng ca phẫu thuật dự kiến tốn tới 80.000 nhân dân tệ, con số quá lớn đối với gia đình.
Chỉ tay ra phía sân, Chen Qiaoling hào hứng kể với phóng viên về cây trái trong vườn nhà mình. Cô nói rằng mình đặc biệt thích mùa xuân vì nó mang lại hy vọng cho mọi người. Với bản thân cô, niềm hy vọng sống lớn nhất chính là trở thành một người như nhà văn Helen Keller.
BẢO BẢO