Tử tế với người ngoài nhưng “thái độ” với người nhà chính là kiểu người này

Google News

Vì bạn không mong đợi nhiều từ người lạ nên nếu họ đối xử với bạn tốt hơn một chút, bạn sẽ rất cảm động và có thể đánh thức những cảm xúc tốt đẹp bên trong.

Có những người như vậy: Họ có thái độ không tốt với người nhà, khi trở về nhà dễ cáu kỉnh, lo lắng, trút mọi cảm xúc tiêu cực lên người thân. Nhưng bước chân ra đường, họ rất biết nhẫn nhịn, cư xử phải phép, luôn tử tế và đôn hậu với người ngoài.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Suy nghĩ của họ thực sự như thế nào?

1. Giá trị của "tài khoản cảm xúc" là khác nhau

Trong các mối quan hệ, chúng ta đều có “tài khoản cảm xúc” với mỗi người. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là một tài khoản và các mối quan hệ trong mạng xã hội cũng có tài khoản khác nhau.

Với các thành viên trong gia đình, khi chúng ta có hành vi tiêu cực, cáu kỉnh và gây tổn thương tới đối phương, chúng ta đang tiêu thụ các tài khoản cảm xúc. Tuy nhiên, một số người lại không ngần ngại làm điều này vì trong quá trình hòa hợp với người thân trong gia đình, họ biết giá trị của “tài khoản cảm xúc” đó là bao nhiêu nên không quá lo lắng về việc tài khoản đó sẽ cạn kiệt trong thời gian ngắn.

Còn đối phó với người ngoài thì sao? Đó là những “tài khoản cảm xúc” mới và trống trơn. Nếu không chú ý, chúng ta có thể sẽ gây ra những tổn thất không đáng có và khiến tài khoản này giảm đi nhanh chóng.

2. Sự bất hòa về nhận thức

Xét về khía cạnh tâm lý học: Đây là biểu hiện của "sự bất hòa về nhận thức" của một người.

Khi hòa hợp với các thành viên trong gia đình như cha mẹ, bạn đời, con cái, tâm thức tiềm ẩn của chúng ta là: “Họ là những người thân nhất của mình, sẽ không rời bỏ mình, cho dù mình làm tổn thương họ, họ cũng sẽ tha thứ và không rời bỏ."

Khi kết thân với người ngoài, suy nghĩ tiềm ẩn của chúng ta là: "Mình không thể xung đột với người ngoài được, một khi xung đột lớn xảy ra, nhất định sẽ gây ra tổn thất."

Trước những người hoặc hoàn cảnh quen thuộc, chúng ta dễ buông bỏ mọi phòng thủ và là chính mình, cả mặt tốt và mặt xấu đều sẽ được thể hiện. Trước những người và môi trường xa lạ, chúng ta thường sẽ đeo “mặt nạ xã hội" để quản lý hình ảnh của mình.

Ví dụ: Khi lần đầu tiên ở bên người bạn thích, mọi thứ rất mới mẻ và bạn sẽ cố thể hiện tốt nhất có thể. Bạn chú ý ăn mặc chỉnh tề mỗi khi gặp mặt; nhỏ nhẹ trong khi ăn; ân cần khi nói chuyện; làm việc gì cũng phải cẩn thận, cân nhắc.

Thời gian trôi qua, khi mối quan hệ của hai người sâu đậm hơn, bạn không lo lắng rằng người ấy sẽ rời bỏ mình một cách dễ dàng nên có thể thoải mái và thể hiện những gì thật nhất của mình.

Khi cãi nhau với người thân trong gia đình, dù gay gắt đến đâu, có nhiều người sẽ không cúi đầu nhận lỗi mà chỉ chọn cách lạnh lùng để giải quyết, mặc cho thời gian chữa lành mọi thứ. Họ biết cả hai bên đều ngầm đồng ý không thúc đẩy cuộc xung đột này.

Còn xung đột với người lạ thì sao? Đa phần mọi người sẽ không thúc đẩy xung đột leo thang và chọn giải quyết vấn đề với đối phương theo cách ít tổn thất nhất.

Những người hay nóng nảy với người nhà và lấy lòng người ngoài, nội tâm của họ chính là: “Với tình yêu thương gia đình dành cho tôi, tôi không có gì phải sợ hãi. Nhưng đối mặt với người lạ, tôi sợ mất mát nên cần luôn duy trì "nhân cách tốt" của mình”.

3. Sự kỳ vọng là khác nhau

Người ta dễ rung động trước một chút lòng tốt và sự tôn trọng của người xa lạ nhưng lại dễ dàng bỏ qua tình yêu và sự cống hiến của những người thân yêu mỗi ngày. Điều này có nghĩa là với những người khác nhau, chúng ta có những kỳ vọng khác nhau.

Trong tâm lý học, nó được gọi là "hiệu ứng lợi ích cận biên giảm dần". Người thân đối với bạn rất tốt, ban đầu bạn rất hài lòng và thấy an tâm với điều này. Sau một thời gian dài, bạn sẽ quen với sự tử tế và coi đó là điều hiển nhiên. Dần dần, bạn sẽ khó có thể dễ dàng rung động trước sự tận tụy của người thân trong gia đình.

Còn với người lạ thì sao? Vì bạn không mong đợi nhiều từ người lạ nên nếu họ đối xử với bạn tốt một chút, bạn sẽ rất cảm động và có thể đánh thức những cảm xúc tốt đẹp bên trong.

Có những người tử tế với người ngoài nhưng lại vô tâm với người nhà bởi họ luôn an tâm rằng người thân rất khoan dung, sẽ không dễ dàng bỏ rơi mình nên cư xử không cần chút do dự, không cần phải giả vờ. Đối với người lạ, họ cần đeo “mặt nạ xã hội”, cẩn thận để tránh thiệt hại cho chính mình; xem xét nhiều hơn để tránh xảy ra xung đột.

BẢO ANH.