Cho phép xác thực sinh trắc học khi đi máy bay từ 15/2/2024
Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 42/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ 15/02/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều về Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam.
Cụ thể, để đảm bảo an ninh hàng không trên chuyến bay, điểm c khoản 13 Điều 1 Thông tư 42 sửa đổi khoản 1 Điều 41 Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT như sau:
1. Hãng hàng không chỉ được phép chấp nhận vận chuyển và cho hành khách lên tàu bay khi đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Hành khách có thẻ lên tàu bay và giấy tờ về nhân thân (hoặc thông tin về nhân thân dạng điện tử có giá trị pháp lý tương đương giấy tờ về nhân thân) theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này; đã kiểm tra, đối chiếu để bảo đảm sự trùng khớp của hành khách với giấy tờ (hoặc thông tin về nhân thân dạng điện tử có giá trị pháp lý tương đương giấy tờ về nhân thân hoặc dữ liệu xác thực sinh trắc học của hành khách) và chuyến bay.
Theo quy định này, hãng hàng không có thể kiểm tra, đối chiếu vé máy bay, giấy tờ về nhân thân hoặc thông tin về giấy tờ nhân thân điện tử hoặc sinh trắc học của hành khách trước khi lên máy bay thay vì chỉ có thể kiểm tra, đối chiếu giấy tờ nhân thân, vé máy bay đảm bảo trùng khớp với giấy tờ và chuyến bay.
Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở
Từ ngày 15/2/2024, Thông tư 31/2023 ban hành về quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực.
Thông tư này thay thế Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.
Theo Thông tư mới, học sinh được công nhận tốt nghiệp nếu có đủ các điều kiện gồm:
Thứ nhất, không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh học hết chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; từ 15 tuổi trở lên (tính theo năm) đối với học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.
Trường hợp học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ GD&ĐT.
Thứ hai, có đầy đủ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp (học bạ…).
Thứ ba, đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.
Ngoài ra, Thông tư 31 không còn quy định về xếp loại tốt nghiệp, trong khi hiện nay Quyết định 11/2006 của Bộ GD&ĐT quy định kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: giỏi, khá, trung bình căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực; nếu người học thuộc diện không xếp loại hạnh kiểm thì chỉ căn cứ vào kết quả xếp loại học lực.
19 trường hợp "độ chế" xe vẫn được đăng kiểm
Thông tư 43/2023 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 15/2, quy định số trường hợp xe có thay đổi nhưng không được coi là cải tạo nên đương nhiên được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định.
Theo đó, có 9 trường hợp ô tô thay đổi, cải tạo vẫn được kiểm định để cấp giấy chứng nhận tương tự các xe thông thường mà không phải nghiệm thu.
Các trường hợp này bao gồm: xe thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách; thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng mà không làm tăng chiều cao thành thùng hàng; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng; lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe bán tải; lắp thêm đèn sương mù dạng rời.
Các trường hợp ô tô thay cụm đèn chiếu sáng phía trước, thay thế bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương, thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ, thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió, lắp thêm mui gió trên nóc cabin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng cũng được đăng kiểm.
Ngoài ra, xe tải lắp thêm hoặc thay thế thiết bị nâng hạ hàng hóa của thùng hàng đã có giấy chứng nhận an toàn của cơ quan có thẩm quyền hoặc tháo bỏ thiết bị này cũng không cần lập hồ sơ thiết kế xe cải tạo.
Thông tư 43/2023 cũng bổ sung 10 trường hợp được phép đăng kiểm mà không phải lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo như trước đây.
Cụ thể: xe tập lái, sát hạch lắp đặt thiết bị liên kết bàn đạp phanh; thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý với xe bán tải; xe tải tự đổ và ô tô xi téc nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, cải tạo trước tháng 11/2014 có nhu cầu tự nguyện cắt giảm thể tích thùng hàng.
Xe đã cải tạo lắp đặt thêm hệ thống cung cấp nhiên liệu mới; thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của ô tô con; thay thế hoặc tháo bỏ mui gió trên nóc cabin ôtô đầu kéo; cải tạo bơm, thùng dầu và hệ thống đường ống thủy lực của xe đầu kéo; thay đổi chỗ ngồi hành khách cũng nằm trong danh sách này.
Mức thu phí sử dụng đường bộ theo quy định mới
Từ ngày 01/02/2024, Nghị định 90/2023 của Chính phủ quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, mức thu phí sử dụng đường bộ và các loại phương tiện chịu phí như sau:
Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh: 130.000 đồng/tháng.
Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định tại điểm 1 nêu trên); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ: 180.000 đồng/tháng.
Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg: 270.000 đồng/tháng.
Xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg: 390.000 đồng/tháng.
Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000 kg: 590.000 đồng/tháng.
Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg: 720.000 đồng/tháng.
Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg: 1.040.000 đồng/tháng.
Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên: 1.430.000 đồng/tháng.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2024
Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BCT ngày 22/12/2023 quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024.
Thông tư quy định, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng trứng gia cầm (trứng thương phẩm không có phôi) năm 2024, gồm trứng gà; trứng vịt, ngan và loại khác là 68.670 tá. Hạn ngạch mặt hàng muối - mã số hàng hóa 2501 (gồm cả muối ăn và muối đã bị làm biến tính và natri clorua tinh khiết, có hoặc không ở trong dung dịch nước hoặc có chứa chất chống đóng bánh hoặc chất làm tăng độ chẩy; nước biển) là 88.000 tấn.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6/2/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Sửa quy định về kinh doanh thuốc lá
Thông tư 43/2023/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 28/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT quy định một số điều của các nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 12/2/2024.
Theo đó, định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, nhập khẩu thuốc lá phải gửi báo cáo về Bộ Công Thương về hoạt động sản xuất sản phẩm thuốc lá và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá (trước ngày 10 tháng 1 hàng năm đối với báo cáo cả năm và trước ngày 10 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm).
Định kỳ 6 tháng, nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá phải gửi báo cáo thống kê sản lượng, loại sản phẩm thuốc lá kinh doanh (theo hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ) của đơn vị mình về Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và sở công Thương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (trước ngày 10 tháng 01 hàng năm đối với báo cáo cả năm và trước ngày 10 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm).
Cấm sao chép quá 1/3 hình ảnh tiền Việt Nam
Từ ngày 02/02/2024, các quy định về phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam tại Nghị định 87/2023/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, điều kiện, tiêu chuẩn sao, chụp tiền Việt Nam nêu tại Điều 18 Nghị định này nêu rõ:
- Chỉ được sao chụp một phần hình ảnh và hoa văn của tiền Việt Nam, đảm bảo không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền;
- Khi sao chụp không làm thay đổi hình ảnh tiền Việt Nam ngoài việc phòng to, thu nhỏ hoặc theo góc nghiêng cùng tỷ lệ và đảm bảo toàn vẹn của hình chân dung, quốc huy trên mặt trước tờ tiền.
- Không ghép, trích hoặc kết hợp một phần/toàn bộ hình ảnh tiền Việt Nam với nội dung, âm thanh, hình ảnh dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tệ nạn xã hội…
- Không sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam với mục đích thương mại, không thu tiền dưới bất cứ hình thức nào trừ trường hợp dùng trong báo chí, phim tài liệu hoặc lưu trữ trong thư viện để nghiên cứu hoặc chụp ảnh, truyền hình về đồng tiền Việt Nam để trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu, tuyên truyền về tiền Việt Nam…
Như vậy, từ 02/02/2024, nhiều quy định về sao, chụp tiền Việt Nam theo Nghị định 87 sẽ chính thức có hiệu lực.
H.A