Từ vụ Tổng giám đốc giết vợ con rồi tự tử: Bi kịch của đàn ông trầm cảm cố giữ "mác" thành đạt, mạnh mẽ

Google News

Câu chuyện của anh Hoàng là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở TP.HCM giết vợ con rồi tự tử khi bị trầm cảm khiến nhiều người vừa giận vừa thương.

Trầm cảm là căn bệnh khiến nhiều người tự tử

Anh Trần Hoàng (40 tuổi) là tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại TP.HCM, sống cùng vợ là chị Tuyết (35 tuổi) cùng hai con 7 tuổi và 3 tuổi khu đô thị SaLa, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức.

Sáng ngày 13/5, người dân phát hiện anh Hoàng tự tử tại nhà riêng. Khi công an đến làm việc cũng phát hiện chị Tuyết và 2 con đang trong tình trạng nguy kịch. 3 mẹ con chị được đưa đến Bệnh viện FV cấp cứu. Hiện sức khỏe của chị Tuyết và con trai 7 tuổi đang dần ổn định. Còn bé gái 3 tuổi đã qua đời.

Công an đang làm việc ở căn nhà vợ chồng chị Tuyết. Ảnh: PLO.

Hiện Công an TP Thủ Đức đang kết hợp Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc. Bước đầu cho thấy, trước khi sự việc đau lòng trên xảy ra, anh Hoàng có các dấu hiệu của người bị trầm cảm. Sau khi dùng dao tấn công vợ con, anh đã tử tử.

Trầm cảm là bệnh tâm thần phổ biến hiện nay. Người mắc bệnh thường có cảm giác buồn bã, tuyệt vọng dữ dội và lặp đi lặp lại, mất hứng thú với các hoạt động bản thân yêu thích, cô lập khỏi các mối quan hệ, liên tục chỉ trích bản thân, thất vọng, khó chịu với những thất bại nhỏ, thiếu năng lượng, luôn cảm thấy trống rỗng dù vẫn làm việc bình thường.

Triệu chứng khác là thèm hoặc chán ăn, thay đổi cân nặng, không còn niềm vui, có cảm giác tội lỗi hoặc trống rỗng, tránh tiếp xúc xã hội. Một số người dễ sa đà vào các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá, cờ bạc, rượu chè, quan hệ tình dục không an toàn hoặc các hành vi nguy hiểm khác để cải thiện tâm trạng, từ đó ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 850.000 người chết vì trầm cảm. Tại Việt Nam, trầm cảm, rối loạn lo âu hiện len lỏi trong xã hội, ước tính khoảng gần 6 triệu người mắc bệnh.

Khi trầm cảm ẩn giấu sau lớp vỏ bọc người đàn ông mạnh mẽ, thành đạt

TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương (Hà Nội), cho biết không chỉ phụ nữ mà nhiều nam giới hiện nay mắc trầm cảm. Tuy nhiên, việc liên tục phải thể hiện bản thân như trụ cột mạnh mẽ, độc lập, là chỗ dựa cho gia đình, khiến nhiều nam giới không được sống và thể hiện đúng cảm xúc. Sự kìm nén lâu dài có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, phổ biến là trầm cảm.

Gặp các áp lực trong cuộc sống, công việc khiến đàn ông rơi vào trạng thái buồn, chán nản. Ảnh minh họa.

Năm 2019, tổ chức về sức khỏe tinh thần nam giới Movember khảo sát 4.000 người tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức. Kết quả cho thấy 53% đàn ông trong độ tuổi 18-34 áp lực phải trở nên nam tính. 36% mệt mỏi vì phải cư xử mạnh mẽ, 58% tin rằng xã hội mong đợi họ phải mạnh mẽ về cảm xúc, không được khóc, không tỏ ra yếu đuối. 22% cho biết họ thường xuyên hoặc luôn luôn bị những người xung quanh chế nhạo vì không đủ nam tính.

Theo bác sĩ, mỗi tháng, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương tiếp nhận 100-200 bệnh nhân, 30% là nam. Nhiều bệnh nhân là trí thức, công chức, doanh nhân trẻ - những ngành nghề chịu áp lực cao. Hầu hết họ giấu bệnh, không đi khám do nỗi sợ bị người xung quanh bàn tán, kỳ thị, cho rằng "bị điên" mới vào viện tâm thần. Đến khi bệnh nặng, sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có ý định và hành vi tự sát mới đến khám.

Bác sĩ Thu kể về trường hợp của anh Tuấn Anh, 36 tuổi là quản lý cấp trung cho một công ty dịch vụ, thường xuyên phải làm việc từ 5h sáng đến nửa đêm. Công việc căng thẳng, cường độ cao trong nhiều năm nhưng anh hầu như không nghỉ ngơi vì muốn kiếm nhiều tiền để trả nợ cho bố mẹ và mua nhà, sắm xe, cho con học trường tư.

Một năm gần đây, thu nhập của anh giảm sút, khiến việc trả nợ mua nhà và giúp đỡ phụ huynh bị ảnh hưởng, thậm chí tiền đóng học cho con cũng phải vay bạn bè. Trong một lần tranh cãi với bạn đời về tài chính, Tuấn Anh bật khóc nức nở, người vợ khó chịu và tỏ thái độ kỳ thị. "Đàn ông mà lại yếu đuối, khóc lóc thì chẳng hấp dẫn chút nào", vợ anh nói.

Khi chia sẻ cảm xúc của mình lên trang cá nhân, anh phải xóa ngay vì không muốn đọc các bìn luận không hay từ bạn bè. Lâu dần, những cảm xúc không được giải tỏa, anh trở nên lầm lì, ít nói, không muốn giao tiếp, thường xuyên nổi giận, kém ăn, mất ngủ và phải tìm đến bác sĩ Thu để điều trị.

Hay trường hợp của một giám đốc doanh nghiệp, bị stress mạn tính nhiều năm dẫn đến trầm cảm, nhưng giấu bệnh vì sợ đổ vỡ hình ảnh nam tính mạnh mẽ. Trước đó, khi làm ăn thuận lợi, anh là trụ cột lo cho đại gia đình, giúp đỡ bạn bè, được mọi người kính nể.

Khi công việc kinh doanh khó khăn, số tiền nợ ngân hàng và vay nặng lãi lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng người đàn ông vẫn tỏ vẻ cứng cỏi dù anh thường xuyên rơi vào lo âu, hoảng loạn, mất ngủ triền miên. Thậm chí, nhiều lần cơn hoảng loạn đột ngột ập đến, người đàn ông vô cớ đập phá đồ đạc, mắng nhiếc vợ con khiến tình cảm vợ chồng dần lạnh nhạt, mất kết nối, bạn đời đề nghị ly hôn.

"Tôi như người cưỡi trên lưng hổ, không thể thừa nhận khó khăn với bố mẹ, người thân, một phần vì sợ họ lo lắng, một phần không muốn bị coi là yếu đuối, nhất là lại mắc bệnh "điên", anh tâm sự với bác sĩ.

Được vợ động viên, chia sẻ các cách giúp người đàn ông vượt qua trầm cảm. Ảnh minh họa.

Tập thể dục, chia sẻ cảm xúc với người thân, học cách thư giãn để phòng ngừa trầm cảm

Theo bác sĩ Thu, tư tưởng đàn ông là những người mạnh mẽ, thành đạt, không sợ hãi, biết kiểm soát và quan trọng nhất là không để lộ cảm xúc xuất phát từ hàng nghìn năm tiến hóa. Thực tế, "trọng nam khinh nữ" hằn sâu trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa người Việt nói riêng, sinh ra những tư tưởng nam tính độc hại. "Đàn ông Việt cô đơn, đối diện với các vấn đề cơm, áo, gạo, tiền mà thiếu sự đồng cảm của gia đình và xã hội khi xem đó là trách nhiệm của phái mạnh, khiến họ bị lo âu, trầm cảm", bà Thu cho hay.

Theo bác sĩ Thu, stress là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, điều quan trọng là cần nhận ra bản thân gặp vấn đề và đánh giá tình trạng này ở góc độ tích cực. Từ đó, mỗi người nên học và tập luyện các kỹ năng ứng phó để giúp tâm lý cân bằng, không căng thẳng mạn tính, nguy cơ cao dẫn đến các bệnh nghiêm trọng khác. Các kỹ năng được bác sĩ khuyến cáo là thiền, tập thể dục như chạy bộ, ăn uống lành mạnh, tìm ra các thú vui, gặp gỡ bạn bè, hoạt động thiện nguyện... Trường hợp nặng nên khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý hành vi.

DIỆU THUẦN