Từng bị cho rằng không thể sống đến 18 tuổi, chàng trai vượt qua kỳ thi đại học với kết quả "ngoài mong đợi"

Google News

Câu chuyện của chàng trai 19 tuổi này là minh chứng cho sức mạnh ý chí và sự kiên trì, khiến ai cũng không khỏi ngưỡng mộ. Hành trình vượt lên trên bất trắc của cuộc đời, cùng tình yêu thương và sự hy sinh của mẹ đã tạo nên một câu chuyện đầy cảm hứng và ý nghĩa.

"343 điểm, thực sự ngoài mong đợi!".

Vào ngày 24/6, điểm thi tuyển sinh đại học Trùng Khánh năm 2024 đã được công bố. Trong một tòa nhà dân cư thuộc khu dân cư ở Kỳ Giang, Trùng Khánh, hai mẹ con Chu Chaoxi và Luo Ruishen rất phấn khích. 

Luo Ruishen mắc 2 căn bệnh hiếm Phenylketonuria niệu (PKU) và loạn dưỡng cơ Duchenne DMD từ khi còn nhỏ. Khi cậu 4 tuổi, cha mẹ ly hôn, cậu sống với mẹ từ đó. Đến năm 11 tuổi, Luo Ruishen phải ngồi xe lăn hoàn toàn...

Bác sĩ từng dự đoán rằng cậu khó lòng sống được đến 18 tuổi. Thế nhưng hai mẹ con vẫn kiên trì và giờ chàng trai ấy đã 19 tuổi, còn tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Đối với nhiều thí sinh, 343 điểm có thể không phải là con số ấn tượng nhưng với Luo Ruishen, đó thực sự là điều kỳ diệu. 

Mắc căn bệnh hiếm gặp nhưng Luo Ruishen đã hoàn thành kỳ thi đại học với số điểm vượt ngoài mong đợi (Nguồn: Cover News)

Mắc cùng lúc 2 căn bệnh hiếm gặp quả là sự thật tàn nhẫn với một đứa trẻ. Luo Ruishen từng không biết bao lần trải qua cảm giác hoảng sợ và lo lắng, chán chường và rối bời, không muốn ra ngoài chơi với bất kỳ ai. May mắn thay, bên cạnh cậu luôn có mẹ, người bạn đồng hành cùng cậu đi khắp mọi nẻo đường. 

Việc điều trị bệnh Phenylketon niệu chủ yếu dựa vào liệu pháp ăn kiêng. Ngày ngày, bà Chu Chaoxi sẽ chuẩn bị chu đáo 3 bữa ăn, tập thể dục cho cậu sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Bà cũng tận dụng thời gian giữa giờ học để rèn luyện thể chất và rèn luyện hơi thở cho con trai. Để chăm sóc tốt hơn cho Luo Ruishen, bà cũng từ bỏ nghề giáo viên tiểu học và làm việc tại ngôi trường nơi con theo học.

Cứ mỗi kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, bà lại tận dụng thời gian để để đưa con trai đi du lịch nhiều nơi. Họ đã cùng nhau đến thăm sa mạc, đến bờ biển, leo núi và ngắm cảnh tuyết rơi, đọc thật nhiều và đi thật nhiều. Mặc dù căn bệnh đã mang đến cho Luo Ruishen không ít nỗi đau nhưng cậu tin rằng mình cũng đã gặp rất nhiều điều tốt đẹp. Khi còn có thể, hai mẹ con muốn sống hết mình.  

Mẹ là người đã đưa anh đi khắp thế gian (Nguồn: Cover News)

Bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, Luo Ruishen không chỉ mất đi khả năng thể chất mà trí óc cũng kém xa so với bạn bè cùng trang lứa. Bất chấp khó khăn, cậu vẫn tiếp tục đi học. Trong các kỳ thi ở trường, cậu thường đạt mức 200 điểm nhưng lần thi đại học này, Luo Ruishen đã đạt được 343 điểm, quả thực vượt quá mong đợi.

Đối với Luo Ruishen, dù điểm thi đại học là bao nhiêu thì cậu cũng tự hào vì đã viết nên đáp án của cuộc đời mình. Trước bất hạnh, cậu không từ bỏ chính mình. Cậu không chỉ phấn đấu để sống mà còn phấn đấu để sống một cuộc sống tuyệt vời. Luo Ruishen tin đây là câu trả lời tốt nhất của cậu cho số phận.

Câu chuyện của Luo Ruishen khiến ai nấy không khỏi ngưỡng mộ. Rất nhiều người không may mắc bệnh nan y, gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn lạc quan và làm việc chăm chỉ, nỗ lực vươn lên. Họ có thể ngồi trên xe lăn nhưng vẫn mang dáng vóc cao lớn, những khiếm khuyết trên cơ thể không ngăn được họ trải nghiệm những điều kỳ diệu của thế giới này. 

Mỗi nơi cậu đến đều có bước chân của mẹ. (Nguồn: Cover News)

Ý nghĩa thực sự của cuộc sống không chỉ là sống mà còn là nở rộ vẻ đẹp của chính mình. Hãy làm việc chăm chỉ để theo đuổi ước mơ của mình, ngay cả khi bạn không thể đợi đến ngày thực hiện được chúng thì quá trình kiên trì và chăm chỉ này cũng đủ để khiến cuộc sống của bạn tỏa sáng rực rỡ.

Chúng ta có thể không nắm bắt được chiều dài của cuộc sống, nhưng chiều rộng và chiều dày của cuộc sống có thể được mở rộng thông qua nỗ lực. Tinh thần yêu đời và nỗ lực vươn lên, hoàn thiện mình chắc chắn có giá trị vĩnh cửu. Với ngọn lửa trong trái tim và ánh sáng trong đôi mắt, những người như Luo Ruishen đã sống một cuộc sống tuyệt vời.

BẢO ANH.