Xe cháo lòng của người mẹ "một tay" nuôi giấc mơ con làm bác sĩ: Vì con, cực khổ đến đâu mẹ cũng chấp nhận...

Google News

Nằm ở một góc đường Nguyễn Khoái (quận 4), có một xe cháo lòng "đặc biệt" khiến ai đi qua cũng phải ngoái lại nhìn. Giữa cái nóng oi bức của tiết trời Sài Gòn, người phụ nữ cụt tay loay hoay với nồi cháo, dọn dẹp bàn ghế rồi rôm rả mời khách khiến ai thấy đều xúc động.

Quán cháo "đặc biệt" trên là của cô Lê Thị Lệ Nga (56 tuổi), hình ảnh cô Nga cặm cụi xoay xở với nồi cháo khổng lồ đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Nhiều người vẫn hay gọi cô Nga với cái tên “mẹ Nga cụt tay nuôi con gái học Y”. Bởi nồi cháo nhỏ mỗi ngày, tuy bình dân nhưng đã và đang nuôi dưỡng giấc mơ áo blouse trắng cho đứa con gái út của cô Nga.

Bật khóc khi con gái đỗ Đại học Y dược TP.HCM

Bị cụt tay từ bé, lại có bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa nhà, cô Nga lớn lên bằng tình thương của ông bà ngoại. Học đến năm cấp 3 thì phải bỏ dở vì gia đình khó khăn không có chi phí. Không khuất phục trước số phận, 17 tuổi, cô rời gia đình, lao ra đường kiếm tiền tự trang trải, lấy chồng rồi sinh con. 

Dù nhiều lúc khó khăn cùng cực đến mức phải chạy vạy tiền bạc, nhưng 2 vợ chồng cô Nga luôn tự nhủ phải cố gắng chăm lo cho các con được ăn học đàng hoàng, không để các con phải khổ. Nghĩ là làm, nhiều năm qua, vợ chồng cô Nga chỉ biết làm và làm, đủ mọi việc từ tạp vụ, bán vé số, trái cây, bán rau củ, phụ hồ..., tất cả chỉ mong gom góp đủ tiền để nuôi các con ăn học.

"Trước đây, ai kêu gì thì tôi làm đó, không nề hà gì hết, chỉ cần có tiền nuôi con thì tôi đều nhận. Nhưng 2 năm trở lại đây, tôi thấy bán cháo thì giữ được chân khách nhiều hơn, nên mới chuyển sang nghề này. May mắn mọi người cũng đến ủng hộ nhiều, nên kiếm được chút đỉnh cho con gái ăn học", cô Nga chia sẻ.

Suốt 2 năm qua, xe cháo lòng là phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình 3 người, nhưng đồng thời cũng viết tiếp giấc mơ học Y của cô con gái út.

Trong số 2 người con gái, đứa lớn đã lấy chồng và có công ăn việc làm riêng, cô con gái nhỏ của cô Nga hiện đang theo học khoa Nhi, Trường Đại học Y dược TP.HCM.

Nhắc đến cô con gái út, người phụ nữ không giấu được sự tự hào. "Nó học giỏi lắm, không học thêm học nếm gì mà vẫn thi đỗ vào trường Y. Hai vợ chồng tôi thì bù đầu kiếm tiền, chẳng mấy khi hỏi han được tử tế nhưng may mắn nó tự giác và rất chăm chỉ".

Nhớ lại ngày nhận tin con gái trúng tuyển trường Đại học Y dược TP.HCM, cô Nga cho biết đó là ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời một người mẹ. Nhưng cũng là ngày mà cô không kiềm được những giọt nước mắt vì sợ, sợ bản thân mình không đủ khả năng để cùng con đi tiếp ước mơ... 

"Tôi vui vì con được đi học, thực hiện ước mơ của cháu. Còn khóc vì lo, lao động chân tay như mình thì kiếm đâu ra 50 triệu đồng học phí mỗi năm bây giờ. Lúc đó, nhà dính COVID-19, tôi nằm trên giường nhưng không lo bệnh của mình, chỉ trăn trở mãi xoay xở thế nào để đóng tiền cho con” – cô Nga nhớ lại. 

Thời điểm đó, nhiều người khuyên gia cảnh khó khăn thì nên để cho mấy đứa thôi học, ở nhà đi làm phụ giúp gia đình. Nhưng nhìn lại đứa con gái út ham được đến trường đến lớp, cô Nga lại không nỡ, rồi cứ thế hai vợ chồng động viên nhau tiếp tục cố gắng. Mỗi ngày, cô thì đứng bán, chồng thì phụ cắt thịt, chặt xương - những việc mà cô Nga không thể tự sức làm. 

Dù 11h trưa quán cháo mới mở, nhưng từ 4 giờ sáng vợ chồng cô đã phải lọ mọ thức dậy, chuẩn bị nguyên vật liệu trước để kịp trưa đẩy hàng ra. Đến 7 giờ tối thì đóng cửa nhưng gần 10 giờ, cả hai mới về tới nhà vì lo loay hoay dọn dẹp hàng quán. Dẫu nhiều lúc cùng cực đến mức phải chạy vạy tiền bạc, nhưng cô chú chưa từng dựa dẫm vào ai. 

Vất vả mưu sinh từ nhỏ, cô Nga cho hay mình ít khi bệnh tật dù gặp khiếm khuyết cơ thể. “Nhưng lớn tuổi rồi, không có viên C sủi này thì không gượng được một ngày đâu” - cô Nga cười đùa.

Mới năm ngoái, cô Nga được chẩn đoán mắc ung thư nhưng may mắn phát hiện sớm, chữa trị kịp thời. Song đổi lại, cả gia đình cũng cạn luôn tiền vì phải đi vay mượn khắp nơi. 

Cô Nga nằm trong bệnh viện chừng chưa đầy một tháng rồi lại tiếp tục quần quật mưu sinh bên nồi cháo lòng từ sáng đến tối. Sau trận bệnh đó, cô không dám nghỉ dù chỉ một ngày vì “nghỉ rồi thì lấy tiền đâu đóng học phí”. Nhưng niềm vui lớn nhất của cô Nga là cuối ngày ngồi xếp đống tiền thành quả kiếm được, đếm xem hôm nay đã tích góp thêm được bao nhiêu cho con gái đi học Đại học.

Kể cả con muốn học tiến sĩ, cha mẹ vẫn sẽ cố gắng

Thấy có khách tới, cô Nga lại đon đả, lịch sự mời chào. Chỉ với một tay, người phụ nữ thoăn thoắt múc cháo ra hộp, cắt quẩy rồi cho gia vị, rồi xếp gọn gàng vào túi nylon giao cho khách. Món cháo cô Nga nấu, bán với giá từ 15.000 – 35.000 đồng/suất, dễ ăn, hợp túi tiền của hầu hết dân lao động. Nhưng nhiều người đến quán không chỉ vì đồ ăn ngon, giá bình dân mà còn bởi cách phục vụ nhanh nhẹn, vui vẻ, nhiệt tình của cô chủ quán. 

Khách của quán cháo lòng này chủ yếu là dân lao động.

Theo lời cô Nga, hôm nào trời thương thì bán được hơn 100 suất, nhưng gần đây, thời tiết Sài Gòn sáng thì nắng gay gắt, tầm chiều thì đổ mưa dông nên thu nhập cũng eo hẹp hơn trước. “Nhưng kể cả bây giờ con bé muốn học thạc sĩ, tiến sĩ, vợ chồng tôi vẫn sẽ cố gắng cho con đi học, dù gia đình có cực khổ thế nào đi chăng nữa” – cô Nga quả quyết. 

Hiểu được cha mẹ vất vả, cô nữ sinh trường Y cũng chăm chỉ học hành, những ngày rảnh rỗi đều sẽ tranh thủ ra quán phụ giúp gia đình. Với cô Nga, con cái hiểu chuyện học hành chăm ngoan là hai cô chú đã mãn nguyện.

Những khi không có khách, cô Nga cùng chồng phụ chuyển từng bao nguyên liệu vào quán, dọn bàn ghế, lau rửa chén... , dù chỉ còn một tay nhưng cô Nga vẫn cứ miệt mài lao động, chỉ mong sao đủ tiền để chăm lo học phí cho con gái.

Đến thời điểm hiện tại, động lực lớn nhất với cô Nga chính là có sức khỏe tiếp tục lao động và được tận mắt nhìn thấy con tốt nghiệp, mặc chiếc áo blouse làm việc đàng hoàng và sống có ích cho xã hội. 

Theo lời cô Nga, cô con gái út đang thực tập tại một bệnh viện lớn của TP.HCM. Dù chặng đường phía trước vẫn còn lắm chông chênh, mong sao giấc mơ làm bác sĩ của con gái út sớm thành hiện thực để vợ chồng cô Nga vơi đi phần nào những khó khăn.

THI KỲ