Cô gái bị “đánh cắp” 6 nội tạng cơ thể sau khi chết

Google News

Một tháng sau khi Alina chết trong một tai nạn xe hơi, người mẹ Elena Sablina (Nga) phát hiện 6 cơ quan nội tạng bị lấy đi để cấy ghép.

Elena Sablina đang chiến đấu để đòi lại công bằng khi cho rằng các bác sĩ tự ý lấy nội tạng của cô con gái xấu số mà không hề có sự đồng ý của gia đình. Sự việc vỡ lở khi Sablina tình cờ phát hiện một báo cáo pháp y ghi rằng 6 cơ quan nội tạng bị lấy đi để cấy ghép. "Tôi thực sự bị sốc khi đọc báo cáo đó. Họ đã lấy đi nội tạng của con gái tôi mà không cần sự cho phép của tôi", Sablina nói.
Co gai bi “danh cap” 6 noi tang co the sau khi chet
 Elena Sablina. Ảnh: AP.
Người mẹ kể lại, sau tai nạn của con gái ở Moscow, Sablina và chồng cấp tốc đến bệnh viện. Các bác sĩ nói với họ về những diễn tiến xấu của bệnh nhân và khuyên gia đình nên chuẩn bị tâm lý để đối mặt với sự thật. Ngày thứ 5 ở bệnh viện, Sablina không được thăm con, các bác sĩ nói rằng họ quá bận rộn và không có bất cứ thông báo gì về tình hình của cô gái. Họ yêu cầu vợ chồng Sablina rời khỏi bệnh viện vào ngày hôm đó.
Sáng hôm sau, Sablina nhận được điện thoại từ nhà tang lễ thông báo rằng con gái bà đã chết. Trong đau đớn tột cùng, bà vô tình phát hiện ra việc nội tạng con bị lấy cắp khi xem xét lại hồ sơ vụ án đối với người lái xe liên quan đến tai nạn.
Cô gái trẻ bị lấy đi trái tim, thận, một phần động mạch chủ, tuyến thượng thận và một lá phổi bên phải. Sablina đã kiện bệnh viện và hai tổ chức khác có liên quan. "Bác sĩ chỉ đến với một chiếc cặp và lấy những gì họ muốn. Ai cho họ quyền?" Sablina bức xúc nói.
Tuy nhiên, ở Nga, tất cả việc này là hợp pháp. Pháp luật Nga cho phép các bác sĩ lấy nội tạng từ bệnh nhân đã chết mà không cần thông báo cho gia đình. Sablina đã làm mọi điều để lấy lại công bằng, kiện đòi bồi thường thiệt hại đến 5 tòa án Nga nhưng đều vô vọng. Cuối cùng bà đã gửi đơn kiện đến Tòa án nhân quyền châu Âu ở Strasbourg, tranh luận về việc lấy đi các bộ phận cơ thể con gái mình đã vi phạm một số điều của Công ước Nhân quyền châu Âu. Sablina cũng hy vọng trường hợp của con gái mình sẽ nhắc nhở cần đổi mới trong luật pháp Nga.
Luật sư của cô, Anton Burkov, cho biết pháp luật của Nga cho phép bác sĩ bí mật lấy đi nội tạng của người đã chết. "Các bác sĩ hoàn toàn hợp pháp khi lấy đi nội tạng trong bí mật mà không cần thông báo với gia đình", vị luật sư nói. Burkov cho biết họ đã đệ đơn lên Tòa án châu Âu nhưng mà vụ việc vẫn có thể kéo dài 2-4 năm.
Ở châu Âu, hơn chục quốc gia trong đó có Nga cho phép bác sĩ lấy nội tạng của bệnh nhân đã chết để giúp những bệnh nhân khác có cơ hội sống. Song, một số quốc gia như Tây Ban Nha và Bỉ, các bác sĩ phải tham khảo ý kiến gia đình bệnh nhân trước khi lấy nội tạng. Tại Nga, các bác sĩ luôn tự động làm việc này.
Một đề xuất sửa đổi gần đây yêu cầu bác sĩ Nga thông báo cho người thân của bệnh nhân trong vòng 12 giờ sau khi chết để tiến hành lấy cơ quan hoặc mô. Đề xuất này chờ phê duyệt, các nhà lập pháp Nga vẫn đang tranh luận về nó. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn khó thông qua bởi các nhà phê bình nói rằng kể từ khi nguồn tạng của Nga thiếu trầm trọng thì cách hữu hiệu vẫn là phương pháp trên.
Các nhà lập pháp Nga nói việc lấy bộ phận cơ thể trong im lặng sẽ làm giảm sự đau buồn, mất mát cho gia đình bệnh nhân. Trong một phán quyết năm 2003, Tòa án Hiến pháp cho rằng thật sự đau đớn khi đặt câu hỏi lấy tạng đến gia đình bệnh nhân, bởi như vậy không khác gì thông báo thêm một cái chết nữa đến với gia đình họ. Một số chuyên gia ủng hộ cách làm của Nga và cho rằng đó là cách tốt nhất để duy trì nguồn tạng và giảm sự đau buồn của gia đình bệnh nhân.
"Tôi đồng ý với việc làm của chính phủ Nga. Họ đang cố gắng tiết kiệm cuộc sống thông qua cấy ghép các bộ phận cơ thể. Nếu chúng ta dừng lại và hỏi về việc hiến nội tạng thì thực sự khó khăn," Robert Wintemute, một giáo sư về luật nhân quyền tại Đại học Hoàng gia London cho biết.
Trong khi đó, có một số ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng cần có biện pháp bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ ở Nga. "Cư xử như các bác sĩ ở Nga là hoàn toàn không thể chấp nhận", bác sĩ Roberto Cacciola, một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tại Bệnh viện Hoàng gia London Anh cho biết. Ông cho biết thêm, ở Anh nhiều bác sĩ và y tá phải có sự đồng ý từ các gia đình mới có thể tiến hành lấy tạng.
Đối với Sablina, vụ kiện tại Tòa án châu Âu là một nỗ lực để "an ủi" của con gái mình. "Nếu tôi không chiến đấu chống lại luật bất nhân, độc ác như vậy, nếu tôi chỉ dừng lại và quên nó đi, tôi sẽ phản bội con gái của tôi. Luật này cần được thay đổi. Luật pháp nên được nhân đạo", Sablina nói.
Mời quý độc giả xem video Những tai nạn hài hước:
Theo Tiền Phong