Nếu cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi đã ngủ liên tục 7-8 giờ, và mệt mỏi kéo dài suốt cả ngày, có thể bạn đã mắc phải một số vấn đề sức khỏe dưới đây.
Lượng testosterone thấp
Testosterone đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể từ việc duy trì hoạt động sinh dục nam, mật độ xương, khối lượng cơ và tham gia nhiều chức năng quan trọng khác. Giảm testosterone có thể làm tăng lượng mỡ cơ thể, suy giảm tình dục, giảm động lực, rối loạn giấc ngủ như mất ngủ. Mệt mỏi suốt ngày ở một người đàn ông có thể do lượng testosterone thấp và nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân.
Các vấn đề về tuyến giáp
Hormon tuyến giáp giảm thấp gặp trong bệnh lý suy giáp có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi suốt ngày do mức năng lượng thấp. Tình trạng này cũng có thể là do bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến giáp. Bệnh suy giáp gặp phổ biến ở phụ nữ, nhưng cũng có thể xảy ra ở nam giới. Điều trị chứng suy giáp sẽ làm giảm sự mệt mỏi và ngăn chặn các biến chứng như bướu cổ, thần kinh và bệnh tim.
|
Mệt mỏi có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn. |
Vấn đề về giấc ngủ
Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi suốt ngày vì giấc ngủ không đầy đủ hoặc giấc ngủ kém chất lượng. Mệt mỏi cũng có thể là do thói quen như làm việc vào ban đêm và ngủ ban ngày làm đảo lộn giấc ngủ. Trong một số trường hợp, mặc dù có đủ thời gian để ngủ, nhưng ngủ không ngon giấc do gặp các rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không nghỉ.
Luyện tập và ăn kiêng
Mệt mỏi suốt ngày ở một người đàn ông có thể do không có chế độ ăn uống phù hợp hoặc tập thể dục đầy đủ. Tuy nhiên, bạn sẽ ngạc nhiên trước những thay đổi sau khi bạn tập thể dục đều đặn, tối thiểu 30 phút một ngày. Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn, giúp gia tăng sự bơm máu trong cơ thể, hiệu quả là giúp giảm bớt sự mệt mỏi và làm cho bạn ngủ ngon hơn. Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng: Đảm bảo không bỏ bữa ăn, và đảm bảo không ăn các thực phẩm chế biến sẵn. Các loại thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các loại hạt có thể làm tăng năng lượng của bạn.
Trầm cảm
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần kinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Các triệu chứng bao gồm: Mệt mỏi; Giảm năng lượng; Khó ngủ; Khó tập trung; Không quan tâm xung quanh; Cảm thấy vô vọng, buồn và trống rỗng. Trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc và tư vấn. Các triệu chứng cần được giải quyết càng sớm càng tốt để tránh làm tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt và các loại thiếu máu khác có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Thiếu máu phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
Đái tháo đường
Cơ thể cần glucose để nạp nhiên liệu. Ở những người bệnh đái tháo đường type 2, tế bào không thể sử dụng glucose hiệu quả, do đó glucose tích tụ cao trong máu. Nếu không có đủ glucose cho tế bào, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Ngoài sự mệt mỏi, cũng sẽ cảm thấy sụt cân, khát nước, khó chịu, đi tiểu thường xuyên và thị lực giảm do bị đái tháo đường.
Mệt mỏi mạn tính
Mệt mỏi mạn tính là tình trạng gây ra mệt mỏi suốt cả ngày. Bạn cũng cảm thấy rất mệt mỏi sau khi làm một việc nhẹ. Các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mạn tính bao gồm đau khớp và cơ, đau đầu, không có khả năng tập trung. Nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được biết rõ.
Không dung nạp và dị ứng thức ăn
Mặc dù thực phẩm cung cấp cho bạn năng lượng, nhưng các nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng dị ứng thực phẩm tiềm ẩn và không dung nạp thực phẩm có thể gây mệt mỏi. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về chế độ ăn kiêng phù hợp. Nên theo dõi, ghi nhật ký và phát hiện các thực phẩm gây ra dị ứng và mệt mỏi để tự phòng ngừa.
Các nguyên nhân khác
Cảm giác lo lắng can thiệp vào hoạt động hàng ngày, làm rối loạn giấc ngủ và hậu quả là mệt mỏi trở thành một tình trạng thường trực.
Mệt mỏi có thể là một dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn như hội chứng mệt mỏi mạn tính, bệnh đái tháo đường type 1 và 2, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư, bệnh tim, suy thận hoặc suy gan.
Một số loại thuốc cũng có thể gây mệt mỏi. Các loại thuốc này bao gồm thuốc trị huyết áp, thuốc giảm đau, thuốc tim mạch, cũng như một số thuốc chống trầm cảm.
Lạm dụng rượu, uống quá nhiều chất caffein, sử dụng kháng histamine và thuốc ho cũng có thể gây ra mệt mỏi.
Tất cả đấng mày râu khi mệt mỏi đều có xu hướng đổ lỗi cho sự quá bận rộn. Nhưng nếu bạn cảm thấy mệt mỏi kéo dài và duy trì suốt cả ngày, ngày này qua ngày khác, thì không nên chủ quan. Hãy dành khoảng từ 2 đến 3 tuần để thực hiện một số thay đổi trong lối sống: Ngủ nhiều hơn, cắt giảm thời gian lên mạng xã hội, ăn nhiều thực phẩm lành mạnh, uống nhiều chất lỏng, bổ sung vitamin, giảm caffein và rượu. Nhưng nếu bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi sau những thay đổi lối sống tích cực, cần đi khám bệnh ngay. Đừng để kiệt sức quá mức có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.
Theo BS. Thanh Hoài /Sức khỏe đời sống