Bệnh dạ dày ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng đến người trẻ tuổi cũng như người lớn. Nguyên nhân chính bao gồm áp lực cuộc sống, lối sống không lành mạnh và chế độ ăn uống không tốt.
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Là tình trạng viêm và gây loét niêm mạc dạ dày cùng phần đầu của ruột non (tá tràng). Nguyên nhân là do lớp niêm mạc lâu ngày bị bào mòn bởi những nguyên nhân như nói ở trên, lâu dần khiến vi khuẩn tấn công và gây viêm loét.
Triệu chứng thường gặp là đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn, đau vùng thượng vị, ợ chua, người mệt mỏi, xanh tái, gầy sút cân,… Bệnh cần được xác định nguyên nhân và điều trị sớm, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm, khó điều trị.
Ung thư dạ dày
Ở tình trạng này, dạ dày bị tổn thương sâu, hình thành khối u ác tính và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi có những biểu hiện dễ nhận thấy như: đi ngoài phân đen, da xanh, sụt cân nhanh,… thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, rất khó điều trị.
|
Các bệnh thường gặp về dạ dày ai cũng nên biết. |
Xuất huyết dạ dày
Hay còn gọi là bệnh chảy máu dạ dày, cũng là căn bệnh dạ dày không quá hiếm gặp. Nguyên nhân là do lạm dụng thuốc giảm đau, uống nhiều bia rượu, nhiễm khuẩn HP, niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng, hình thành vết loét sâu, ăn sâu vào lớp cơ dạ dày,…
Đây là tình trạng bệnh nguy hiểm với những dấu hiệu như: vã mồ hôi, đi ngoài, phân đen, da xanh tái, nôn ra máu,… Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm hang vị dạ dày
Là tình trạng viêm ở vị trí gần cuối dạ dày. Căn bệnh này cũng rất phổ biến và gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng nhiều nhất là những người trên 35 tuổi. Đây là nguy cơ gây loét dạ dày, viêm, xuất huyết và thủng dạ dày vô cùng nguy hiểm.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Đây là căn bệnh rất phổ biến ở người trưởng thành, nhất là nam giới. Axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản khiến bệnh nhân bị ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, buồn nôn, khó ăn, nuốt nghẹn,… Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
5 sai lầm tổn thương dạ dày không nên xem thường
Uống quá nhiều cà phê và rượu: Cả cà phê và rượu đều có thể kích thích sản xuất axit dạ dày và gây kích ứng niêm mạc. Hạn chế tiêu thụ và thay thế bằng nước uống không có cồn hoặc nước trái cây tươi.
Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs) quá mức: Việc sử dụng NSAIDs quá liều hoặc kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và dẫn đến viêm loét. Hãy tuân thủ liều lượng và chỉ dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tiêu thụ quá nhiều thức ăn có đường: Thức ăn chứa nhiều đường có thể gây kích thích quá mức sản xuất axit dạ dày và gây khó chịu. Hạn chế tiêu thụ đồ ngọt và đồ ăn nhanh.
Ăn quá nhanh: Ăn quá nhanh có thể gây căng thẳng và áp lực lên dạ dày. Hãy nhai thực phẩm kỹ hơn và tận hưởng từng miếng để giảm tác động đến dạ dày.
Không kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng và áp lực tâm lý có thể gây ra rối loạn tiêu hóa và tăng cường triệu chứng dạ dày. Hãy tìm hiểu và áp dụng các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền định hay tập luyện để duy trì sức khỏe dạ dày.
BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược TP HCM)
BS Đinh Minh Trí