Theo đó, từ tháng 5 – 6/2017, viện thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô dạng bột (trong đó có 45 mẫu không nhãn mác) tại các chợ và tiệm tạp hóa ở 5 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 100% mẫu ớt bột đều có sự hiện diện của aflatoxin (chất có thể gây ung thư gan), nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép.
Nguyên nhân các
mẫu ớt bột có aflatoxin là do vấn đề thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản theo phương pháp thủ công mà không có sự kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp.
Liên quan đến thông tin trên, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết quá trình bảo quản không đúng quy trình có thể sản xuất ra các loại nấm, tuy nhiên có sản sinh ra loại nấm gây ra độc tố Aflatoxin không thì cần có nghiên cứu cụ thể.
“Chúng tôi cũng vừa mới biết thông tin này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản sẽ làm việc với Viện Pasteur TP.HCM để trao đổi cụ thể xem họ lấy mẫu và xét nghiệm như thế nào”, ông Tiệp cho hay.
Cũng theo ông Tiệp, việc kiểm tra các cơ sở bảo quản chế biến ớt ở địa phương được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản thực hiện. Quá trình kiểm tra có phát hiện ra một số cơ sở điều kiện bảo quản chế biến chưa đảm bảo khiến phát sinh ra nấm mốc. Tuy nhiên, việc lấy mẫu để phát hiện ra Aflatoxin thì các đơn vị của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản chưa làm.
“Chính vì vậy sau kết quả công bố của Viện Pasteur TP.HCM, chúng tôi sẽ chỉ đạo toàn bộ hệ thống tăng cường kiểm tra lấy mẫu, trường hợp phát hiện cơ sở nào có điều kiện bảo quản không tốt làm phát sinh ra Aflatoxin, hoặc các phụ gia ngoài danh mục cho phép sẽ bị lập biên bản vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Đồng thời, Cục sẽ có văn bản chỉ đạo đến các chi cục địa phương để khuyến các các đơn vị cơ sở sản xuất chế biến bảo quản ớt để làm ớt khô, ớt bột trong điều kiện tốt nhất để không phát sinh ra nấm mốc.
Theo D. Thùy/Infonet