28 địa phương, 21 bệnh viện trung ương kêu thiếu thuốc, vật tư y tế

Google News

28 sở y tế báo cáo lên Bộ việc thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, hoá chất. Ở Trung ương, có tới 8 bệnh viện kêu thiếu trang thiết bị y tế.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Long ngày 29/6 cho biết đơn vị này đã có thống kê vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học.

Kết quả cho thấy, 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương và đơn vị.

Những loại thuốc đang thiếu chủ yếu là thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…

Ngoài ra, 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.

Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu, như: Thiết bị phòng mổ; thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực; thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm chuyên sâu.

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế các địa phương về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ngày 29/6.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế một phần do nguyên nhân khách quan như: chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… Những điều này ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Song, tân Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó, bà Hương chỉ ra những vấn đề như: Tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc.

Công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ cũng là nguyên nhân được chỉ ra.

Bên cạnh đó, một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…

 

Theo Thanh Hiền/Vietnamnet