1. Não bộ: Cẩn trọng với tình trạng thiếu oxy lên não kéo dài
Bộ não là "chỉ huy" của cơ thể con người và tiêu thụ rất nhiều oxy. Nếu não không được cung cấp đủ lượng oxy sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng và không thể chữa lành.
Tuy nhiên, rất nhiều người mắc chứng thiếu oxy não lâu ngày mà không hề hay biết. Thiếu oxy lên não xảy ra do lưu lượng máu dẫn lên não bị suy giảm một cách trầm trọng. Khi não không có đủ năng lượng cần thiết, hoạt động của hệ thần kinh cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Từ đó, cơ thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ, kém tập trung, mất ngủ và vấn đề khác mà không tìm được nguyên nhân rõ ràng thì nên cảnh giác. Nếu kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực như não lão hoá sớm, teo não.
Thói quen đóng chặt các cửa trong phòng
Nhiều người, đặc biệt người dân ở các thành phố lớn thường có thói quen đóng kín cửa để giảm thiểu những tác động từ môi trường bên ngoài nhưng điều này có thể khiến nồng độ oxy trong nhà giảm dần và dẫn đến thiếu oxy não. Đặc biệt trong không gian trong nhà nhỏ và nhiều người.
Làm việc nhiều giờ liên tục với cường độ cao
Ở trạng thái nghỉ ngơi, não tiêu thụ tương đối ít oxy và có thể lưu trữ lượng dư thừa trong các tế bào hồng cầu. Ngược lại, khi phải làm việc liên tục nhiều giờ với cường độ cao, trong tình trạng căng thẳng sẽ khiến lượng oxy lưu trữ bị tiêu hao, oxy lên não bị hao hụt khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
Hai biện pháp tăng cường oxy lên não
Mở cửa sổ để thông gió
Tốt nhất hãy nên giữ cho không khí trong phòng được thông thoáng bằng cách mở cửa sổ thường xuyên. Nếu môi trường xung quanh quá ồn ào, ô nhiễm hay những vấn đề khác, hãy thỉnh thoảng mở cửa sổ trong 20 - 30 phút để thông gió và duy trì sự đối lưu không khí, tăng hàm lượng oxy trong phòng.
Vỗ nhẹ mặt
Sau khi làm việc liên tục khoảng 1 giờ, bạn có thể dùng tay vỗ nhẹ vào mặt. Hành động này dù đơn giản nhưng cũng có thể tăng cường cung cấp oxy cho não. Bởi động mạch cảnh trong là mạch cung cấp máu cho não, động mạch cảnh ngoài là mạch cung cấp máu cho mặt và cả hai đều được phân nhánh từ động mạch cảnh chung.
Khi bị vỗ nhẹ vào mặt, động mạch cảnh ngoài sẽ giãn ra, tăng lưu lượng máu cho chính mình và cả lưu lượng máu của động mạch cảnh trong, nhờ đó lượng oxy cung cấp cho não cũng tăng lên.
2. Thận: Nguy hiểm nhưng khó phát hiện
Thận là cơ quan bài tiết trong hệ tiết niệu với vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Nó có thể lọc và tái hấp thu máu, hình thành nước tiểu và bài tiết chất thải, hỗ trợ quá trình trao đổi chất, đồng thời điều chỉnh cân bằng điện giải và axit bazơ trong cơ thể.
Tuy nhiên, khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lượng đường trong máu cao, huyết áp cao, mỡ máu cao hay những thói quen xấu như không uống nước, ít vận động, sử dụng thuốc không liều lượng hay các yếu tố khác sẽ dễ dẫn đến tình trạng mắc bệnh thận mãn tính.
Mặc dù vậy, khả năng hoạt động bù trừ của thận rất mạnh, chỉ cần một bên thận cũng có thể duy trì mọi hoạt động bình thường nên dù xuất hiện tổn thương cũng sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Khi cơ thể cảm nhận được điều bất thường, có thể bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối và rất khó để phục hồi.
Bất thường cảnh báo vấn đề về thận
Thường xuyên đi tiểu đêm
Với người cao tuổi, do khả năng cô đặc của thận bị suy giảm nên cơ thể cần nhiều nước hơn để bài tiết chất thải, từ đó xuất hiện triệu chứng phổ biến là tiểu nhiều về đêm. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn trẻ nhưng đã xuất hiện dấu hiệu này, thậm chí tiểu đêm nhiều hơn ban ngày thì không nên chủ quan bởi đây là một trong những dấu hiệu đầu của suy thận.
Thay đổi màu nước tiểu
Nước tiểu bình thường trong và có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu có màu nâu sẫm hoặc nhiều bọt và bọt không biến mất trong một thời gian dài, đây có thể là những dấu hiệu cho thấy thận có vấn đề. Ngoài ra, nếu kèm theo hiện tượng tiểu máu, tiểu buốt… cũng có thể là dấu hiệu thận đang bị tổn thương.
Phù nề
Khi chức năng thận suy giảm, khả năng bài tiết nước tiểu cũng theo đó mà giảm. Sau khi uống nhiều nước, lượng nước những người chức năng thận kém bài tiết trên cùng một đơn vị thời gian chỉ bằng 1/3 người bình thường. Chính vì vậy, những người suy thận hay có chức năng thận kém dễ bị phù nề.
Hiện tượng phù nề thường xuất hiện ở mặt, mí mắt, bắp chân và ở các thời điểm khác nhau trong ngày, có thể nhận biết rõ ràng nhất vào buổi sáng.
2 thói quen chăm sóc thận mỗi ngày
Uống nhiều nước
Uống không đủ nước và lượng nước tiểu giảm sẽ khiến chất độc hại trong cơ thể không được đào thải ra ngoài kịp thời, lâu ngày sẽ dễ làm tổn thương chức năng thận.
Vì vậy, nên hình thành thói quen uống nước thường xuyên với lượng nước khoảng 1500-1700ml mỗi ngày. Đặc biệt khi thời tiết nóng, mồ hôi tiết ra nhiều thì nên tăng lượng nước một cách hợp lý, tránh tình trạng mất nước.
Tuy nhiên, nếu mắc bệnh thận mãn tính, người bệnh cần tuân theo lời khuyên của bác sĩ về lượng nước uống cụ thể để đảm bảo sức khoẻ.
Không nhịn tiểu
Việc nhịn tiểu trong thời gian dài có thể gây ra áp lực lên bàng quang, khiến vi khuẩn sinh sôi và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Mầm bệnh có thể đi ngược từ niệu đạo lên bàng quang, thậm chí lên niệu quản gây viêm bể thận, nếu không điều trị kịp thời có thể phát triển thành bệnh thận mãn tính.
3. Khớp gối: Tổn thương sụn khớp có thể dẫn đến bại liệt
Giữa hai bề mặt xương của khớp gối có một lớp sụn khớp dày khoảng 2 mm trơn láng với vai trò đệm giảm áp lực, bôi trơn khớp và hỗ trợ việc đi lại. Nếu không có sụn khớp, con người không thể cử động được và gần như bại liệt.
Bên cạnh nguyên nhân cơ thể thoái hoá khi già đi, các yếu tố nguy cơ như ít vận động, tập luyện không đúng cách, thừa cân sẽ khiến sụn khớp bị bào mòn và tổn thương nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Cùng với đó, những người phụ nữ làm công việc giao tiếp nhiều, thường xuyên mang giày cao gót cũng làm tăng nguy cơ tổn thương sụn khớp. Một khi đã hao mòn thì phần sụn khớp này gần như không thể khôi phục lại.
Biện pháp hạn chế tổn thương sụn khớp gối
Để bảo vệ sụn khớp gối, trong quá trình vận động thường ngày cũng như luyện tập thể thao, cần lưu ý đảm bảo đúng kỹ thuật, bảo vệ đầu gối khỏi chấn thương.
Với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên bổ sung đầy đủ canxi cần thiết, tránh dẫn đến tình trạng đẩy nhanh quá trình thoái hoá khớp gối do thiếu canxi. Ngoài ra, cũng nên giữ cân nặng ở mức ổn định, tránh tình trạng béo phì tăng sức ép lên phần khớp gối gây tổn thương và viêm nhiễm.
Nếu đã có những tổn thương phần sụn khớp gối, người bệnh nên hạn chế các môn thể thao dễ gây chấn thương đầu gối như leo cầu thang, leo núi, tập tư thế squat (ngồi xổm). Ngoài ra, còn có thể sử dụng những biện pháp sau:
Bổ sung glucosamine và chondroitin
Glucosamine là chất dinh dưỡng quan trọng để hình thành sụn, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của sụn và chữa lành những phần bị hư hỏng. Cùng với đó, chondroitin cũng là một thành phần quan trọng của mô liên kết trong cơ thể con người, có thể tăng cường tác dụng của glucosamine, có lợi cho sức khỏe sụn khớp .
Tuy nhiên, cả hai dưỡng chất này đều khó bổ sung qua thực phẩm. Chính vì vậy, những người có nhu cầu có thể bổ sung glucosamine và chondroitin một cách phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Động tác tập luyện thích hợp
Cơ tứ đầu trong cơ thể đón vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định khả năng vận động của khớp gối, ngăn ngừa sự hao mòn sụn và bảo vệ sức khỏe sụn khớp gối.
Chính vì vậy, chúng ta có thể luyện tập cơ tứ đầu bằng cách ngồi trên ghế, giữ yên đùi, duỗi thẳng chân hết mức có thể và giữ nguyên khoảng 5 giây rồi từ từ đặt xuống, luân phiên hai chân. Mỗi ngày có thể thực hiện động tác này từ 3 - 4 hiệp, mỗi hiệp 15 - 30 lần.
Theo Trí Thức Trẻ