Đối với thức ăn thừa, bạn cần để nguội hoàn toàn rồi cho vào hộp có nắp đậy hoặc dùng màng bọc thực phẩm gói kín lại rồi mới cho vào tủ lạnh.
Lưu ý, không nên cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh. Thức ăn nóng đột ngột gặp nhiệt độ thấp sẽ dễ bị ngưng tụ hơi nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.
Trong trường hợp thông thường, chỉ cần hâm nóng thức ăn trong vài phút là có thể giết chết mầm bệnh và có thể sử dụng.
Nhiệt độ của ngăn mát tủ lạnh nên là dưới 4 độ C, nhiệt độ của tủ đông là dưới 0 độ C.
Cách bảo quản một số loại thức ăn thừa quen thuộc
Cơm
Cơm là thực phẩm cần xử lý cẩn thận nếu không ăn hết. Bạn cần phải đảm bảo cơm được để nguội hẳn. Nếu để ở nhiệt độ phòng, cơm rất dễ bị vi khuẩn tấn công chỉ trong 2 giờ. Hãy để cơm nguội rồi cho vào hộp đậy nắp kín và giữ trong ngăn mát tủ lạnh. Bạn có thể giữ cơm ngon trong khoảng 3-4 ngày.
Trứng luộc
Trứng luộc nếu còn nguyên vỏ bạn có thể cho vào hộp kín hoặc túi nilon rồi để vào tủ lạnh. Bạn cũng không nên để trứng đã nấu chín quá 1 tuần trong tủ lạnh.
Thịt gà
Thịt gà đã nấu chín có thể để từ 3-4 ngày trong tủ lạnh. Hãy đảm bảo bạn để chúng trong hộp kín và để vào ngăn mát càng sớm càng tốt. Nên ăn hết trong vòng 3-4 ngày. Với gà nguyên con, có thể cho vào hộp hoặc dùng túi bọc kín lại và để ở ngăn đá.
Thịt kho, hầm
Thịt kho, hầm có thể để trong hộp kín và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh để dùng trong vòng 3-4 ngày. Nếu muốn để lâu hơn, bạn nên chia từng phần thức ăn đủ dùng cho một bữa và bỏ vào ngăn đá. Khi ăn thi lấy một phần ra hâm nóng. Thịt cấp đông như thế có thể để từ 2-3 tháng. Lưu ý, thịt đã rã đông nên dùng hết, tránh để trở lại vào ngăn đá.
Hải sản đã nấu chín
Hải sản rất nhanh bị biến chất, vì vậy bạn nên nấu vừa đủ ăn. Nếu còn thừa, hãy để nguội rồi bỏ vào hộp kín và cất vào tủ lạnh. Tốt nhất nên ăn hết vào ngày hôm sau.