Zing biên dịch bài viết đăng trên Washington Post của bà Kaitlin Denis, người đã chống chọi với bệnh COVID-19 mạn tính trong gần một năm.
Tôi nhiễm virus corona từ lúc Illinois (Mỹ) chưa ghi nhận bệnh nhân nào tử vong vì COVID-19, như thể cả thế kỷ đã trôi qua vậy.
Giờ đây, người Mỹ đang bàn tán về năm COVID-19 thứ hai, về vaccine, các biến thể mới hay sự tiếp quản của chính quyền mới. Nhưng đối với tôi, mọi thứ vẫn như vậy.
Tôi vẫn nằm trên chiếc giường cũ, vẫn căn phòng đó, trong suốt 330 ngày qua. Tôi buộc bản thân phải theo dõi các cập nhật, vì nếu không, tôi sẽ mất khái niệm về thời gian. Tôi cảm giác như mình đang bị giam trong ngục và đều đặn khắc vạch lên tường để đếm ngày trôi đi.
Tôi từng chìm vào giấc ngủ với suy nghĩ “ngày mai mình sẽ thấy khá hơn”. Nhưng giờ tôi không nghĩ vậy nữa. Tôi dần cố chấp nhận rằng bản thân sẽ không thoát khỏi con virus này. Đây có thể đã trở thành một phần trong con người tôi.
Mất ý niệm về thời gian
Mỗi sáng thức dậy, tôi đều phải gồng mình lên. Tôi được phân loại là “bệnh nhân mạn tính” - bị virus xâm nhập vào cơ thể và không thể loại bỏ chúng. Các bác sĩ cho rằng tồn tại hàng chục nghìn người có tình trạng tương tự tôi, nhưng đấy cũng chỉ là phỏng đoán.
Tình trạng mạn tính này là một bí ẩn khoa học. Nó giống như một tổ hợp những triệu chứng ngẫu nhiên và bạn không biết mình sẽ dính phải cái nào. Những triệu chứng bao gồm buồn nôn, chóng mặt, đau nửa đầu và nhức khớp.
Một số triệu chứng xuất hiện với tần suất dày đặc, chẳng hạn như đau mỏi toàn thân. Tôi cũng gặp một số vấn đề bộc phát ngẫu nhiên như ù tai, đau xương sườn, tim đập nhanh, tê ngón tay, chảy nước dãi, choáng váng và hội chứng sương mù não.
Đôi lúc tôi cảm giác như mình bị mất trí nhớ. Một ngày nọ, tôi thức dậy, định thay quần áo và chạy bộ sau đó đi làm. Nhưng ngay khi đứng dậy, nhịp tim tôi tăng vọt, và tôi chợt nhớ lại bản thân thậm chí không thể đi bộ quanh nhà. Tôi đã mất việc, mất khả năng di chuyển. Trong đầu tôi nghĩ gì vậy chứ?
|
Chứng sương mù não bao gồm cảm giác trống rỗng và bỡ ngỡ là một trong những triệu chứng xuất hiện phổ biến ở bệnh nhân điều trị COVID-19. Ảnh: Getty.
|
Lắm lúc tôi thức dậy mà không rời khỏi giường. Tôi mất khái niệm ngày đêm, như thể đó là một hố đen vậy.
Tôi đã lảng tránh nhiều người. Đôi khi tôi cảm giác mọi người nghĩ rằng tôi chỉ đang diễn kịch và làm quá lên. Tôi thực sự không thể giải thích điều gì đang xảy ra với mình và các bác sĩ cũng vậy. Vài người trong số họ muốn kê thuốc chống trầm cảm hoặc khuyên tôi đi trị liệu tâm lý.
Tôi chỉ mới bước qua ngưỡng tuổi 30 và vừa kết hôn. Mười năm trước, tôi còn tham gia giải bóng đá hạng Nhất cấp đại học, vậy mà giờ đây tôi không thể đến cửa hàng tạp hóa trừ khi dùng xe cút kít trợ lực. Mọi người thấy tôi có vẻ đáng thương hại, và tự tôi cũng cảm thấy thế.
Lúc tôi ngã bệnh vào tháng 3/2020, tôi không hề nghĩ là mình đã mắc COVID-19. Không ai đeo khẩu trang. Chicago vẫn chưa phải cách ly xã hội. Tôi nhức đầu và đau họng nhưng đã cố gắng gượng.
Tôi làm trong ngành tài chính và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng là đặc trưng của văn hóa Phố Wall. Tôi là người rất quyết liệt. Tôi cố làm việc như bình thường cho đến khi cả cơ thể sốt ran. Chồng tôi sau đó cũng có nhiều triệu chứng tương tự. Tôi gọi cho đường dây nóng của Đại học Northwestern và được hướng dẫn đến phòng cấp cứu. Tuy nhiên, phòng cấp cứu chỉ chẩn đoán tôi đã mắc COVID-19 mà không tiến hành kiểm tra. Họ cấp thuốc giảm đau và bảo tôi về nhà.
Cả tôi lẫn chồng tôi đều rơi vào tình cảnh khó khăn. Chúng tôi phải dùng một ống hít steroids để hỗ trợ hô hấp. Vợ chồng tôi đã đặt hàng tấn nước giải khát Gatorade và ở lì trong căn hộ suốt 20 ngày đầu tiên nhiễm bệnh.
Vài tuần sau, chồng tôi bắt đầu thấy khá hơn. Anh ấy đi chạy trở lại và động viên tôi: “Nào, ít nhất cũng thử đi dạo với anh”. Tôi đã thử và giả như tình trạng của mình đã được cải thiện.
Tôi quay lại làm việc từ xa nhưng không thể tập trung. Vì quá mệt nên tôi leo lên giường và di chuột như thể màn hình máy tính vẫn đang hoạt động. Đầu tôi nhiều áp lực đến nỗi tôi cảm giác như mình bị treo ngược.
Tôi phạm rất nhiều sai lầm ngớ ngẩn trong công việc. Đôi khi, tôi quên mất mình đang làm gì khi thực hiện các giao dịch quan trọng qua điện thoại. Tôi thậm chí nhầm lẫn các ngày trong tuần. Đó là thời điểm tôi nhận ra: “Có gì đó thực sự không ổn. Tại sao mình không khá lên chứ?”.
Bí ẩn y khoa
Số bác sĩ tôi gặp trong 6 tháng qua còn nhiều hơn so với 30 năm đầu tiên của cuộc đời. Hầu như chưa bác sĩ nào nghiên cứu chuyên sâu về những triệu chứng tôi gặp phải. Tôi phải tự tìm hiểu trên các diễn đàn COVID-19 trực tuyến. Tôi nghĩ bản thân mắc chứng rối loạn chuyển hóa máu, nhưng rất ít bác sĩ nghiên cứu về bệnh này.
Tôi đã cố đến gặp một bác sĩ nội trú ở Chicago nhưng ông ấy khuyên tôi nên trở lại phòng cấp cứu. Tôi cũng tìm gặp một bác sĩ chuyên khoa thấp khớp rồi được giới thiệu đến một bác sĩ tim mạch. Tôi đi từ phòng khám này đến phòng khám khác nhưng không thực sự nhận được câu trả lời chắc chắn.
Tôi từng được chẩn đoán với nhiều chứng bệnh khác nhau như bệnh Lyme, mệt mỏi mạn tính, đau cơ xơ hóa, trầm cảm hay hội chứng POTS. Tôi đã phải bỏ tiền túi mua một đống thuốc, nhiều loại trong số đó vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
|
Bà Kaitlin Denis, ngụ tại làng Barrington, bang Illinois. Ảnh Washington Post.
|
Chồng tôi đưa tôi đến gặp một bác sĩ thần kinh về bệnh truyền nhiễm. Tôi được giao làm một bài kiểm tra đánh giá nhận thức và bị chấm rớt. Bác sĩ cho biết khoảng 10% bệnh nhân COVID-19 có thể bị ảnh hưởng thần kinh lâu dài.
“Có thể phải mất nhiều năm nữa chúng ta mới hiểu hết về chủng virus này”, bác sĩ nói.
Điều điên rồ là các chỉ số của tôi vẫn ổn định. Cả ảnh chụp phổi lẫn kết quả xét nghiệm máu của tôi vẫn ở tình trạng bình thường.
Tôi bắt đầu nghi ngờ mọi thứ. Tôi cho rằng căn bệnh này chỉ sản phẩm của trí tưởng tượng trong đầu tôi. Tôi tự nhủ bản thân cần cố gắng hơn nữa và rời khỏi giường. Nhưng sau đó nhịp tim của tôi tăng vọt và tay tím tái khi tắm nước nóng dưới vòi sen. Tôi chóng mặt đến mức phải ngồi xuống.
Việc gì tôi cũng cần có người giúp, kể cả lái xe. Vợ chồng tôi chuyển ra ngoại ô để nhờ cậy bố mẹ nhưng thực sự tôi thấy mình như một gánh nặng. Chồng tôi vừa phải làm toàn thời gian, vừa phải chăm sóc tôi và quán xuyến chuyện gia đình, trong khi tôi như một đứa trẻ 10 tuổi vô dụng suốt ngày nằm ườn trên giường.
Tôi cảm thấy tội lỗi, tức giận và ghê tởm bản thân. Tôi trị liệu mỗi tuần một lần và phương pháp này có vẻ phát huy tác dụng. Tôi dần chấp nhận từ bỏ suy nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ thức dậy và cảm thấy khá hơn. Tôi đang cố gắng buông bỏ những hy vọng, nhưng vẫn đan xen một nỗi buồn, cảm giác như sự đầu hàng vậy.
Theo Đại Hoàng/ Zing